Thứ sáu, ngày 10/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cần câu, con cá và câu chuyện giải cứu (07/06/2017-8:15)
    (NLBTH) - Cách đây 3 năm Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Nguyễn Ngọc Phi từng phát biểu tại Hội nghị sơ kết Đề án 1956 là tại sao chúng ta lại mở quá nhiều lớp về kỹ thuật trồng cà phê ở Tây Nguyên - nơi mà trình độ canh tác cà phê của người học còn siêu hơn cả thầy giáo. Cái nông dân cần là kỹ thuật chế biến, giải pháp đầu ra cho hạt cà phê thì lại không dạy, không “bắc cầu”.

Hình ảnh minh họa

Thời gian gần đây lại rộ lên chuyện dưa hấu ở Miền Trung ế ẩm, nông dân khắp cả nước mất ăn vì đàn lợn. Thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu mở cửa nhập khẩu thịt lợn Việt Nam trở lại, nhưng gần một năm qua đã khiến bao gia đình điêu đứng.

Người Việt Nam có truyền thống tương thân, tương ái sẵn lòng giúp nhau trong cơn hoạn nạn. Đã có nhiều diễn đàn được lập ra để kêu gọi giải cứu quả vải ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang trước đây, và dưa hấu ở Quảng Ngãi thời gian gần đây. Mới đây ngành giáo dục huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) còn ra văn bản giao mỗi giáo viên mua 10 kg thịt lợn để ủng hộ người chăn nuôi. Một văn bản sai quy định, nhưng thể hiện tình người trong lúc khó khăn.

Nghĩa cử là điều không thể phủ nhận, nhưng rõ ràng chúng ta mới dừng lại ở mức đưa cho nông dân con cá để họ qua ngày. Nếu chỉ con cá thôi có đủ để họ hết đói. Và liệu chúng ta có đủ những con cá cho nông dân mỗi khi họ bí bách. Một chiếc cần câu để nông dân tự chủ về nguồn cá là sự cần thiết. Đó chính là trang bị cho họ kỹ năng, phương pháp nhận diện thị trường, chứ không phải chạy theo thị trường. Thay cho việc trang bị cho họ kỹ thuật trồng vải, trồng dưa, nuôi lợn qua các lớp đào tạo nghề từ ngân sách của Nhà nước, hãy đưa họ đến với những lớp học về cách nhận diện, tiếp cận thị trường, kết nối họ với nơi tiêu thụ. Một chiếc cần câu trao cho nông dân là rất hữu ích không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Điều đó là cần thiết, nhưng có vẻ như cơ quan chức năng vẫn chưa muốn vậy. Đằng sau điều đó là gì?

Những cuộc khảo sát về đào tạo nghề cho nông dân đang cho thấy chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều nơi chỉ chăm chú với việc làm sao để tiêu hết kinh phí đào tạo nghề một cách nhanh nhất. Họ chỉ hứng thú với niềm vui ngắn hạn và an toàn, còn những việc đòi hỏi cao hơn, tầm nhìn xa hơn, đó là đầu ra cho sản phẩm, lại được họ cho là câu chuyện khác, của cơ quan khác. Chính quyền ở nhiều nơi đã gần như thả nổi cho nông dân tùy ý trồng, tùy ý nuôi, mà người nông dân thì luôn bị lợi ích trước mắt “che mắt”. Họ trồng và nuôi cái gì thị trường đang tiêu thụ, mà không lo lắng về sự “bội thực” của thị trường. Nước mắt nông dân ở nhiều vùng nguyên liệu thật đáng thương, nhưng cũng đáng trách; và phải trách nhiều hơn từ chính quyền, từ cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực. Họ đang chạy theo nông dân, mà lẽ ra họ phải là người định hướng, người “bắc cầu”.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Không để khẩu hiệu rơi vào “ma trận” hình thức (05/06/2017-6:32)
  • Sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhiều phụ huynh học sinh (02/06/2017-15:17)
  • Không ngược dòng lợi ích của dân (29/05/2017-12:13)
  • Sống cảnh “trường học bốn mùa” (26/05/2017-10:20)
  • Pháp luật giao thông và câu chuyện nhận thức (21/05/2017-15:01)
  • Tay nghề và câu chuyện niềm tin (16/05/2017-11:56)
  • Đừng nhìn vào đồng tiền công vụ (15/05/2017-12:14)
  • Quyền tự phong xấu xí (10/05/2017-17:35)
  • Xóa khoảng lặng vô hình (07/05/2017-20:36)
  • Chế tài mạnh cần đi đôi với sự quyết liệt trong thực thi (05/05/2017-10:15)