Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Phỏng vấn nhà báo Nguyễn Uyển:
“Nói thẳng về đạo đức báo chí xuống cấp hiện nay” (29/08/2017-8:15)
    Báo chí Việt Nam trên con đường hội nhập cùng đất nước có nhiều thuận lợi về cách tiếp cận thông tin, thiết bị công nghệ hiện đại… nhưng kéo theo đó là không ít thách thức về cách làm báo kiểu “chụp giật”, chạy đua câu view…. và nhức nhối hơn cả là vấn đề đạo đức báo chí xuống cấp hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Uyển (NVCC)

Là người có hơn 50 năm trải nghiệm với nghề báo, từng kinh qua chức vụ Tổng biên tập báo Vĩnh Phú (cũ) rồi Trưởng ban Công tác Hội – Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Nguyễn Uyển có nhiều chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Ngô Khiêm (PV): Thưa ông, hơn 50 năm trải nghiệm với nghề báo, ông có nhận xét gì về báo chí Việt Nam trong những năm gần đây?

Nhà báo Nguyễn Uyển (N.U): Tương tự như lời vấn trên, rất nhiều người đã nói về điều này. Đặc biệt năm trước, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “90 năm báo chí Việt Nam đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”; tiếp đó là Hội thảo Quốc gia “Báo chí 30 năm đổi mới, những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Qua hai cuộc hội thảo đã có nhiều nhận định, đánh giá cặn kẽ về quá trình phát triển của báo chí Việt Nam. Nhận định đúng, đủ nhất vẫn là báo chí luôn ở nơi đầu nguồn sự kiện, thông tin tuyên truyền sâu sắc chủ trương, đường lối chính sách của quốc gia. Báo chí xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn dân chủ rộng lớn của nhân dân; thông tin đa dạng, nhiều chiều; góp sức định hướng dư luận và tác động tích cực đến hành vi của công chúng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có số ít các tờ báo, nhà báo thiếu trách nhiệm chính trị; thiếu cẩn trọng khi khai thác thông tin, xử lý thông tin trước khi quyết định loan tin. Nhiều thông tin không đúng bản chất sự vụ, sự việc, vấn đề gây nhiễu, làm phân tâm niềm tin của người đọc, người nghe, người xem. Cá biệt có nhà báo phai nhạt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; phù họa luận điệu thù địch, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ của chúng ta trên các trang mạng xã hội như blog, Facebook cá nhân.

PV: Bên cạnh những chuẩn mực vốn có của làng báo thì hiện nay, vấn đề đạo đức báo chí đang ngày càng “nóng” hơn bao giờ hết. Trước những vụ nhà báo tống tiền cá nhân, doanh nghiệp, ông có  suy nghĩ gì?

N.U:  Báo chí là một nghề. Đã làm nghề thì phải có đạo đức về nghề. Lâu nay Hội Nhà báo Việt Nam đã có quy định cặn kẽ về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Hiện thời, “đạo đức nghề báo đã được luật hóa”. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành và thực hiện “10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp”. Người làm nghề báo mà vi phạm quy định đạo đức, đương nhiên là nghiêm trọng, là xúc phạm báo giới, xúc phạm lòng tự trọng của những nhà báo chân chính. Quy tắc nghề nghiệp đòi hỏi người làm báo phải công tâm, hết lòng vì lẽ phải và sự công bằng. Không được nói dối, không được nói sai. Không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi cá nhân. Không được để cho cá nhân hay nhóm lợi ích nào “mượn” báo chí để vụ lợi hoặc làm những điều phi pháp...

      Ấy vậy mà vụ việc nhà báo “tống tiền” cá nhân, doanh nghiệp, vẫn liên tiếp xảy ra từ Bắc tới Nam; từ đô thị tới miền núi với số tiền “ra giá” cả trăm triệu, thậm chí nhiều trăm triệu. Người nhận tiền “chui lủi”, “táo tợn” không chỉ đơn độc 1 cá nhân mà là cả “tốp 3, tốp 4 người’; không chỉ nam nhà báo mà còn có cả nữ nhà báo tươi tắn xinh đẹp... sự vi phạm ấy không chỉ là nỗi nhục cho họ, mà còn “làm nhục” cả chính giới báo chí của chúng ta!

http://hoinhabaovietnam.vn/data/data/ngokhiem/nha%20bao%20tac%20nghiep%202%281%29.jpg
 Các nhà báo đang tác nghiệp ở một sự kiện (ảnh internet)

PV: “Sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ” là chiêu thức “vòi tiền” đã trở thành “bệnh làm tiền” của nhiều tờ báo điện tử. Phía sau sự “đăng, gỡ bài” ấy hẳn là có một câu chuyện dài kì. Ông có ý kiến gì về hiện tượng này?

N.U: Sự ra đời của báo điện tử là bước tiến vô cùng lớn lao về công nghệ thông tin. Tất nhiên người hưởng lợi đâu chỉ báo chí mà đông đảo hơn chính là cư dân mạng trên khắp hành tinh. Không dưới một lần tôi đã nói rằng: “Lợi ích, tiện ích thời kỷ nguyên số lớn lao vô kể, nhưng những tai ương, phiền toái cũng không hề nhỏ; lỗi gây nên không do công nghệ mà chính là con người thiếu trách nhiệm xã hội khi tham gia thông tin

     Trở lại với lời vấn đặt ra: “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” tôi nghĩ là cả một vấn đề dài dài, cần thấu đáo, không dễ quy chụp, áp đặt. Đại thể, nếu thông tin liên quan đến một cá nhân, đơn vị nào đó không chính xác, đối tượng có thể tìm gặp; ý kiến của họ có căn cứ, chính xác... thì việc gỡ thông tin là chính đáng, cần thiết và đúng Luật Báo chí. Đó là lợi thế của thông tin mạng. Tôi thiết nghĩ: khi gỡ thông tin cần có lời với cư dân mạng, ấy là văn hóa báo chí.

      Tuy nhiên, chuyện dài dài phía sau, thì hiện tượng “nhử mồi”, “làm luật”; “dằn mặt” cá nhân, đơn vị “có vấn đề” ở đôi ba trang báo điện tử cũng không phải hiếm. Thông tin của họ chỉ cốt đẩy đối tượng “có vấn đề” phải gặp, và yêu cầu của phía thông tin được đáp ứng thì “gỡ bỏ” như là lẽ đương nhiên. Chỉ buồn nỗi, nguyên do gỡ bỏ cư dân mạng chẳng hề hay biết. Đây là lối làm báo “chụp giật”; phi đạo đức, phi nhân tính, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí và đạo đức của người làm báo.

PV: Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam vừa đưa vào sử dụng thiết bị theo dõi việc đăng, gỡ của các báo điện tử để báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền tìm cách giải quyết. Ông đánh giá thế nào về việc này?

N.U: Cũng là một cách để bắt lỗi nếu ghi nhận được chính xác. Nhưng, dẫu sao thì cũng là chuyện đã rồi. Đối với báo điện tử, tốc độ lan truyền, lan tỏa rất nhanh. Nửa ngày, một ngày mới “gỡ bỏ” là quá dài. “Gỡ bỏ” thì vẫn không mất đi, không xóa nổi trong mắt, trong lòng những người đã đọc... Cho nên, liều thuốc đặc dụng nhất, hữu hiệu nhất là phải “ngăn chặn” từ xa với hiện tượng xấu xa này ở một số báo điện tử. Muốn vậy phải chủ động, nghiêm túc khắc phục những bất cập trong công việc chỉ đạo, quản lý báo chí. Không đâu khác, chính đây là nơi phải tìm ra cách kiểm tra, giám sát hữu hiệu nhất đối với báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng. Khi bắt được những hiện tượng kể trên, cần xử lý thật nghiêm, kịp thời với người đứng đầu tờ báo, bất kể họ là ai. Họ phải là người thượng tôn luật pháp, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp báo chí. Tuyệt nhiên không có đặc quyền cho ai hết. Người đứng đầu tờ báo phải thực sự là “Tư lệnh trưởng”. Tướng tài, quân giỏi thì “đánh đâu, thắng đấy” là cầm chắc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông đã tâm huyết trao đổi!

Theo Ngô Khiêm/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • Lồng ghép nhiều hoạt động trong việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của người làm báo (25/08/2017-8:58)
  • Sẽ không có bao che cho sai phạm vì tính tập thể đa ngành của Hội đồng (21/08/2017-8:35)
  • Chủ động tăng cường bồi đắp, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho hội viên (11/08/2017-7:12)
  • Những người đã chết vì họ và vì các anh! (18/07/2017-7:41)
  • Không để lửa bùng lên mới dập! (07/07/2017-7:48)
  • Vai trò của Hội Nhà báo trong ngăn chặn, xử lý vi pham đạo đức báo chí (29/06/2017-10:12)
  • Ngày hội của báo giới xứ Thanh (21/06/2017-9:14)
  • Ấn tượng Tiếng hát Người làm báo trên quê hương Bác Hồ (20/06/2017-10:17)
  • Báo Thanh Hóa vô địch Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 2 - năm 2017 (18/06/2017-7:48)
  • Khai mạc Giải bóng đá Người làm báo Thanh Hóa lần thứ 2 (14/06/2017-8:37)