Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Qua hơn hai năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp (06/09/2017-14:53)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

Bài 1: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển động tích cực

Cán bộ huyện Thiệu Hóa thăm, kiểm tra lúa chiêm xuân năm 2017. Ảnh: Quốc Hương

(THO) - Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là sản phẩm kết tinh trí tuệ, thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, từng bước đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Với phương châm “Đưa nghị quyết vào cuộc sống, gắn với thực tiễn địa phương”, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân đã xây dựng chương trình hành động toàn khóa; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo các địa phương sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị; định hướng cho các xã, ngành đưa ra các giải pháp sát với thực tế của từng địa phương, đơn vị. Qua đó, hướng đến việc mỗi cấp, ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân phát huy được vai trò, trách nhiệm, thực hiện thành công từng phần việc, nhiệm vụ, tạo nền tảng để từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp đề ra. Đơn cử như  Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 08 về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng tả ngạn sông Chu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025, giao UBND huyện xây dựng đề án để tổ chức thực hiện. Các xã trong vùng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao, ổn định và bền vững. Lấy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch là chủ lực của ngành kinh tế và sản xuất nông nghiệp là nền tảng phát triển. Trọng tâm là quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, bao gồm: Vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng cao; giảm diện tích mía nguyên liệu xuống còn  800 ha vào năm 2020; vùng sản xuất thâm canh, công nghệ cao tại các xã Quảng Phú, Xuân Thiên... tập trung quy hoạch, hình thành cụm công nghiệp, làng nghề, tập trung may mặc, vật liệu xây dựng, cơ khí tại xã Xuân Lai với diện tích 16,8 ha... Đồng thời, huyện cũng xây dựng cơ chế, chính sách, các cơ chế đặc thù để tạo điều kiện hỗ trợ các xã trong vùng phát triển một cách toàn diện, đồng bộ và bền vững.

Triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, BCH Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng Nghị quyết số 04-NQ/HU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh. Để hiện thực hóa mục tiêu nghị quyết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Trong đó, đã ban hành Đề án “Chuyển đổi một phần diện tích lúa kém năng suất sang cây trồng khác có giá trị cao hơn”; Đề án “Phát triển đàn bò, khôi phục và phát triển đàn dê”; ban hành cơ chế khen thưởng 10 triệu đồng/1 cánh đồng mẫu lớn đạt tiêu chuẩn. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tiếp tục mở rộng diện tích lúa chất lượng cao; tích cực phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hình thành những mô hình cánh đồng khép kín, cánh đồng liên kết.

Trên cơ sở quyết định phê duyệt của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc cũng đã linh hoạt, sáng tạo trong việc chỉ đạo UBND huyện điều chỉnh quy hoạch thị trấn; xây dựng bến xe du lịch tại thôn Phố Mới, xã Vĩnh Tiến và xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích đất lúa trong nội Thành Nhà Hồ sang trồng các loại hoa nhằm thu hút du lịch; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cho nhân lực phục vụ du lịch... Với việc xây dựng chương trình hành động bằng những giải pháp cụ thể, sát thực đã và đang tạo niềm tin, động lực để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện thi đua lao động sản xuất, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

Đối với xã Vĩnh Khang tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong sản xuất nông nghiệp, đảng bộ xã đề ra nghị quyết thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là trọng tâm trong phát triển kinh tế. Theo đó, các hộ dân trong xã đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm. Xã chủ động phối hợp với các đoàn thể, các phòng chức năng của huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi nhằm nâng cao kiến thức cho người dân, tăng hệ số sử dụng đất, bố trí cây trồng hợp lý, tạo ra sản phẩm chất lượng. Các giống lúa, ngô, ớt xuất khẩu, cây màu cho năng suất cao được đưa vào thay thế những giống cũ của địa phương. Đặc biệt, mô hình trồng cây khoai tây, nghệ vàng cho hiệu quả kinh tế cao đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương nơi đây. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, đến nay, lúa chất lượng cao đưa vào gieo cấy chiếm 85% diện tích canh tác của xã. Chăn nuôi trên địa bàn xã cũng ngày một phát triển và có nhiều mô hình tiên tiến.

Hiệu quả  rõ nét

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã hoàn thành Chương trình công tác toàn khóa, xây dựng Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ tỉnh, xây dựng Chương trình hành động với những công việc cụ thể. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh... Các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên  đi cơ sở, tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc trực tiếp với các cấp ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị để nắm bắt tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, đơn vị, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, hướng khắc phục. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội của cấp mình, các cấp ủy đảng đã xây dựng các kế hoạch, nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động... theo hướng thiết thực, rõ việc, rõ người, dễ hiểu và dễ triển khai. Đồng thời, mở nhiều kênh tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Chú trọng đối thoại trực tiếp tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ các nút thắt, những vấn đề mới nảy sinh; chú trọng công tác dân vận, xây dựng cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng... Qua đó, bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ.

Mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Như Thanh lần thứ XXII đặt ra là huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thoát nghèo bền vững, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện Như Thanh đã đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Huyện còn thực hiện hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, như: Hỗ trợ máy gặt lúa, máy cấy; hỗ trợ mô hình nuôi lợn nái ngoại; mô hình trồng rau an toàn... Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, thay thế các giống lúa, ngô kém năng suất, chất lượng bằng những giống lúa lai, ngô lai có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, vận động bà con nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, huyện Như Thanh đã chuyển đổi được trên 100 ha đất lúa kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước sang trồng mía nguyên liệu, rau màu. Trong đó, chuyển sang trồng mía 32 ha, trồng ớt xuất khẩu 29 ha và chuyển sang các loại rau màu có giá trị kinh tế cao 36 ha, tập trung ở các xã Yên Thọ, Xuân Du, Phú Nhuận... Nhờ chú trọng triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của huyện tăng rõ rệt, năng suất lúa bình quân đạt 61,2 tạ/ha.

Với việc triển khai một cách đồng bộ, khoa học, sáng tạo và quyết tâm chính trị cao để từng bước hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ, việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp của các địa phương đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng. Công tác lãnh, chỉ đạo được quan tâm thường xuyên, sát sao hơn. Công tác giám sát của HĐND, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của UBND có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, tạo cơ chế thông thoáng để người dân được tham gia đóng góp vào các hoạt động của chính quyền, đồng thời tạo điều kiện phục vụ các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch nhằm tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kinh tế, xã hội phát triển, chuyển dịch đúng hướng. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu khắp các lĩnh vực, trong đó ấn tượng và nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 9,05%, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. 6 tháng đầu năm 2017 là 7,32%, cao hơn so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, du lịch có bước tăng trưởng đột phá cả về số lượng khách, doanh thu và số ngày khách kinh doanh... Những kết quả quan trọng đó là động lực, tạo đà cho tỉnh tăng tốc, bứt phá trong những năm tiếp theo.

 

 

Bài 2: Lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng chương trình hành động sát thực

Trường THCS xã Hà Châu được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Phan Nga

Bám sát nghị quyết (NQ) đại hội đảng các cấp, quá trình triển khai xây dựng chương trình hành động, các cấp ủy, chính quyền huyện Hà Trung đã lựa chọn, xác định, chỉ đạo thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm.

Nâng cao năng lực lãnh đạo

Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015 – 2020), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hà Trung đã xây dựng chương trình hành động thực hiện NQ đại hội; cổ vũ, động viên đảng viên, nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi NQ đại hội đảng bộ các cấp.

Với phương châm hành động: Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng triển khai học tập, quán triệt NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện NQ đại hội đảng các cấp; chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục phát động phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các địa phương tiếp tục vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.

Bí thư Huyện ủy Hà Trung Đào Xuân Yên cho biết: Mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đặt ra là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, phát huy mọi nguồn lực, xây dựng Hà Trung phát triển toàn diện, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành huyện nông thôn mới (NTM). Huyện xác định 4 chương trình trọng tâm, gồm: Phát triển nông nghiệp, XDNTM; phát triển đô thị; phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và phát triển nguồn nhân lực. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu NQ đề ra, ngay sau đại hội, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch, Ban Tuyên giáo Huyện ủy ban hành hướng dẫn về tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ, các cơ quan, ban, ngành cấp huyện học tập NQ theo hình thức tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức hội nghị học tập quán triệt cho toàn thể đảng viên trong đảng bộ, sau đó triển khai tổ chức học tập đến đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. MTTQ và hội, đoàn thể các cấp vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; giao UBND huyện chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, cải cách thủ tục hành chính cho cả nhiệm kỳ.

Ngoài làm tốt việc quán triệt và triển khai thực hiện NQ, một trong những giải pháp mà Đảng bộ huyện Hà Trung quan tâm và nhanh chóng triển khai thực hiện đó là sắp xếp, bố trí cán bộ, sớm ổn định bộ máy tổ chức. Bên cạnh đó, đảng bộ huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề từng năm gắn với thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, NQ số 04, 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cuộc vận động toàn dân chung tay xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ban hành Chỉ thị số 05-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và BVMT. Ban Chấp hành Huyện ủy đã xây dựng NQ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025... Những vấn đề được nhân dân trên địa bàn huyện quan tâm như: Chương trình XDNTM, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vấn đề ô nhiễm môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân... được Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo, giải quyết kịp thời thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại hàng tháng tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Chương trình hành động cụ thể, sát thực

Hà Bắc là một trong những xã sớm bắt tay vào thực hiện NQ của đảng bộ huyện, mục tiêu quan trọng nhất là đến cuối năm 2018 xã sẽ “cán đích” NTM. Đến nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí về XDNTM. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, người dân nơi đây đang tích cực góp công, góp của để hoàn thành lộ trình XDNTM đúng thời gian. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Vị cho biết: Hiện nay, đảng bộ, chính quyền xã đang dồn mọi nguồn lực “tăng tốc” thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Xã đã xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể cho từng tiêu chí để có biện pháp thực hiện hiệu quả; lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn. Cùng với đó, xã cũng chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao trên diện tích 163 ha; phát triển kinh tế trang trại, gia trại; tập trung vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường với chủ đề “Vì môi trường xanh – sạch – đẹp, vì sức khỏe chính mình, vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước”, phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong năm 2017.

Đối với Đảng bộ xã Hà Sơn, bước vào thực hiện NQ đảng bộ huyện lần thứ XXI có nhiều thuận lợi hơn, bởi đây là địa phương đã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2016. Bên cạnh đó, tình hình chính trị ổn định, người dân đã được tiếp cận với phương pháp tổ chức sản xuất hàng hóa, cơ sở vật chất tương đối đồng bộ. Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ xã Hà Sơn đã xây dựng chương trình hành động toàn khóa và chương trình hành động cụ thể cho từng năm. Một trong những nội dung xuyên suốt mà chương trình hành động của đảng bộ xã đề cập đó là: Xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh và nhiệm vụ quan trọng không kém là giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí XDNTM; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội; chăm lo phát triển nguồn lực con người; phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường đoàn kết trong đảng và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Hà Sơn thành đơn vị giàu và mạnh trong thời kỳ đổi mới.

Có thể nhận thấy, việc xây dựng chương trình hành động với những giải pháp cụ thể, sát thực đã và đang tạo niềm tin, động lực để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện thi đua lao động sản xuất, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Minh chứng rõ nhất, kết thúc năm 2016 - năm thứ 2 thực hiện mục tiêu NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, đảng bộ huyện đã lãnh đạo hoàn thành và hoàn thành vượt mức 27/30 chỉ tiêu chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 16,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng/năm. Chương trình XDNTM tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện, bình quân toàn huyện đạt 15,7 tiêu chí/xã, có 62 thôn và 7 xã đạt chuẩn NTM. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm. Năm 2016, có 3 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020, nâng tổng số đơn vị đạt chuẩn quốc gia về y tế xã lên 16 đơn vị. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng vững mạnh. Công tác tuyên truyền, triển khai quán triệt đưa NQ Đại hội XII của Đảng và đại hội đảng các cấp vào cuộc sống được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, tạo khí thế và tiền đề quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

 

 

 

Bài cuối: Chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo

Khu vực trồng rau an toàn xã Thành Hưng (Thạch Thành). Ảnh: Lê Hà

Với tinh thần quyết tâm, chủ động bằng nhiều cách làm sáng tạo, thời gian qua tại nhiều địa phương, vai trò cấp ủy, người đứng đầu đã được phát huy rõ nét, tạo nên những chuyển động tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Song những chuyển động từ thực tiễn, đòi hỏi cần phải quyết liệt hơn trong ý chí, quyết tâm hơn trong hành động để đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân.

Phát huy vai trò cấp ủy, người đứng đầu

Nếu như năm 2016 là năm tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa các nghị quyết (NQ) đại hội đảng các cấp, thì năm 2017 là năm “hành động” đưa NQ đại hội Đảng đi vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, việc lựa chọn xác định đúng nội dung để xây dựng chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tiễn sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của dân, tạo được những chuyển biến rõ nét trong thực hiện NQ của Đảng.

Nhiều năm trước, đời sống người dân xã Thành Tâm (Thạch Thành) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thuần túy nên gặp nhiều khó khăn. Thực hiện NQ đại hội đảng các cấp về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, Đảng bộ xã Thành Tâm đã cụ thể hóa bằng việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, làm điểm tại 2 thôn để rút kinh nghiệm triển khai rộng 15 thôn trên địa bàn xã. Sau thời gian ngắn, từ chỗ đồng đất manh mún, không đồng nhất, đến nay xã Thành Tâm chỉ còn 1 đến 1,5 thửa/hộ. Cùng với đó, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện quyết liệt.  Phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Khương cho biết, NQ đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đặt mục tiêu phấn đấu đạt giá trị thu nhập trên một diện tích từ 80 đến 120/ha/năm, nhưng hiện nay, theo đánh giá sơ bộ, nhiều vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn của xã, như: Trồng dứa, thanh long, ổi, cây có múi (bưởi, mít Thái...) có giá trị kinh tế đạt từ 200 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Việc cụ thể hóa thực hiện NQ 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo nhanh, bền vững đã giúp xã Thành Công (Thạch Thành) có nhiều chuyển biến nổi bật trên lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Trong đó có yếu tố quan trọng quyết định sự thành công đó là phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, những người có tác động đến việc đưa NQ của Đảng vào cuộc sống một cách tích cực và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, MTTQ, các hội, đoàn thể thông qua sinh hoạt đã truyền đạt nội dung cốt lõi của NQ đến đoàn viên, hội viên, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nhiều đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng đã tiên phong trong tổ chức các mô hình sản xuất mới theo hướng tập trung, hàng hóa, như: Xây dựng cánh đồng mẫu lớn; phát triển chăn nuôi đại gia súc (dê, trâu, bò); tích cực đóng góp công sức, vật liệu, hiến đất để xây dựng nông thôn mới tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Hiện tại đời sống người dân trong xã được cải thiện đáng kể. Hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 40,78% (năm 2016), trình độ dân trí được nâng lên, chất lượng giáo dục của xã xếp thứ 2 tốp các xã khó khăn nhất của huyện. Theo đánh giá của Thường trực Huyện ủy Thạch Thành, đưa NQ của Đảng vào cuộc sống bằng việc chú trọng quán triệt sâu sắc tinh thần cơ bản, cốt lõi của NQ đến cán bộ, đảng viên, đồng thời cụ thể hóa thành NQ chuyên đề, hoặc đề án, xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát thực, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy... đã giúp nhiều xã trên địa bàn huyện thực hiện có hiệu quả NQ đại hội đảng các cấp, đặc biệt thực hiện 3 nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững. Hiện nay, Thạch Thành đang đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả từ 500 đến 700 ha, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

Nếu chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh quán triệt và triển khai thực hiện NQ thì chưa đủ mà kèm theo đó là việc ban hành các cơ chế, chính sách kích cầu giúp các địa phương vận dụng linh hoạt để NQ của Đảng thực sự đi vào cuộc sống với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Với cách làm này, huyện Yên Định đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực và là đơn vị đầu tiên của tỉnh đã về đích xây dựng huyện nông thôn mới. Huyện đã cụ thể hóa NQ đại hội đảng các cấp bằng việc thực hiện các NQ chuyên đề, đề án... trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp bằng cơ chế hỗ trợ các xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn, kênh mương, giao thông nội đồng, cây con giống mới, cơ giới hóa... Hiện nay, huyện đang thực hiện hỗ trợ các xã 20% kinh phí đầu tư/lò xử lý rác thải (không quá 200 triệu đồng) để thực hiện NQ 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác vệ sinh môi trường”.

Quyết liệt hơn trong ý chí, quyết tâm hơn trong hành động

Năm 2017 được xem là năm có nhiều điều kiện thuận lợi để các địa phương, đơn vị đưa NQ của Đảng vào cuộc sống có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, do xuất phát điểm và điều kiện phát triển sản xuất của mỗi địa phương khác nhau. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những hạn chế: Một số đơn vị truyền đạt NQ chưa sâu, cách thức tuyên truyền ít sáng tạo, đổi mới, thường là tuyên truyền một chiều từ trên xuống mà ít có thông tin phản hồi từ cơ sở; nội dung, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa NQ đại hội đảng các cấp, nhất là ở cơ sở, có đơn vị còn chung chung, chưa thật sát với tình hình cơ sở; có nơi vai trò cấp ủy chưa được phát huy rõ nét, một số đơn vị do luân chuyển công tác cán bộ nên việc triển khai thực hiện NQ bị gián đoạn...

Để khắc phục những hạn chế, đưa NQ của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải thật sự thấm nhuần, nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, cốt lõi và những vấn đề mới của NQ, từ đó tạo tiền đề, quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra các giải pháp khắc phục cụ thể có tính khả thi cao với tinh thần rõ việc, rõ thời gian.  Cùng với đó, các cấp ủy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện NQ của Đảng, đồng thời biểu dương động viên kịp thời các đơn vị, địa phương, các tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả. Phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời những đơn vị, địa phương chậm khắc phục hạn chế, yếu kém để kéo dài trì trệ. Đồng chí Hoàng Trung Hưng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Định cho biết: Hàng năm, Thường vụ Huyện ủy tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát từ 6 đến 7 tổ chức đảng cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện NQ đại hội đảng các cấp, trong đó có Đảng bộ xã Định Long và Đảng bộ thị trấn Quán Lào. Sau kiểm tra, đoàn kết luận: Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ xã Định Long và thị trấn Quán Lào xây dựng chương trình hành động thực hiện NQ của Đảng còn lúng túng, chưa sát với thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông... Đoàn đã gợi mở, định hướng cho đơn vị khắc phục hạn chế. Đến nay, các đơn vị đã cơ bản khắc phục được những hạn chế trên. 

Xây dựng chương trình hành động đã khó, việc lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm để thực hiện chương trình càng khó hơn, do vậy, các đơn vị phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị, ưu tiên giải quyết những vấn đề có tính cấp bách, bức thiết, nhân dân đang quan tâm.  Để đưa NQ đi vào cuộc sống thành công, yếu tố quan trọng quyết định nữa là cần phát huy tốt vai trò cấp ủy, người đứng đầu, đề cao trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với ý chí quyết liệt hơn, quyết tâm hành động mạnh mẽ hơn, sáng tạo hiệu quả hơn.

 

Theo Nhóm PV Phòng Xây dựng Đảng-Nội chính/Báo Thanh Hóa


 

Các tin khác:
  • Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (06/09/2017-14:40)
  • Phát triển Đảng viên vùng đồng bào công giáo (06/09/2017-14:36)
  • Một chi bộ 15 năm liên tục đạt danh hiệu vững mạnh trong sạch (06/09/2017-14:34)
  • ‘Lửa’ Thành Công tôi luyện nên tập thể, cá nhân điển hình (06/09/2017-14:33)
  • Chuyện ‘Chi bộ lim xanh’ (06/09/2017-14:31)
  • Hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa (06/09/2017-14:29)
  • Người Mông trên đỉnh Hin Phăng (06/09/2017-14:26)
  • Thanh Hóa sắp xếp trường, lớp học, giáo viên (06/09/2017-14:17)
  • Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (06/09/2017-14:12)
  • Kế hoạch Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) (06/09/2017-14:04)