Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Sửa Nghị định bịt kẽ hở cổ phần hóa (09/10/2017-7:53)
    Cho dù cuộc thanh tra quá trình cổ phần hóa (CPH) tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) theo yêu cầu của Chính phủ có chỉ ra nhiều sai phạm thì cũng không thể cứu vãn được nguy cơ xóa sổ VFS bởi quyền định đoạt doanh nghiệp (DN) lúc này thuộc về các cổ đông. Vấn đề đặt ra cấp bách là làm thế nào để bịt kẽ hở gây thất thoát tài sản Nhà nước khi vẫn còn hàng trăm “ông lớn” với khối tài sản khổng lồ có kế hoạch CPH trong thời gian tới?

Dự kiến trong tháng 10-2017, hành lang pháp lý về CPH sẽ được hoàn chỉnh khi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 95/NĐ-2011 về CPH doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và các Nghị định liên quan (Nghị định 189/2013/NĐ-CP; Nghị định 116/2015/NĐ-CP) được thông qua.

Ngăn thâu tóm “đất vàng”

Hơn 20 năm thực hiện CPH DNNN, khúc mắc lớn nhất luôn là xác định giá trị đất đai. Theo đúc kết của GS Đặng Hùng Võ, hành lang pháp lý về CPH DNNN cứ khoảng một năm rưỡi lại có một Nghị định, do chính sách không nhất quán, và do việc thừa nhận đất thuê trả tiền hằng năm không đưa vào giá trị CPH, không tính giá trị lợi thế kinh doanh liên quan đến địa điểm vào giá trị thuê đất đã tạo kẽ hở lớn để nhiều DN lách. Theo đó, DN chọn hình thức thuê đất để được định giá đất bằng 0, kéo giảm giá trị DN. Trong trường hợp DN được giao quyền sử dụng đất thì tài sản đất đai cũng chỉ được định giá “bèo” vì giá đất tính theo khung giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định, không sát giá thị trường. Với kẽ hở luật pháp như vậy, không chỉ có Công ty vận tải thủy biết lách luật để thâu tóm 1,4 ha “đất vàng” ở VFS bằng cách chi ra 33 tỷ đồng mua lại 65% vốn điều lệ VFS. Trước đó, đã có những vụ thâu tóm chung kịch bản… “đúng quy trình” tại kem Tràng Tiền, khách sạn Phú Gia, bánh tôm Hồ Tây...

Chính sách mới làm gì để lấp lỗ hổng trên? Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, dự thảo mới quy định các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm quyết định CPH. Thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013, cụ thể là đưa giá trị đất (đất thuê và đất giao) tính vào giá trị DN, trong đó gồm cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất. Những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch sẽ bị thu hồi. Các DN nắm giữ đất sau CPH sẽ chuyển qua hình thức thuê đất trả tiền, Nhà nước điều chỉnh tiền thuê đất 5 năm một lần...

Siết tiêu chí cổ đông chiến lược

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, 96,5% DNNN đã được CPH nhưng tỷ lệ bán vốn chỉ đạt 8%. Như vậy, mục tiêu chuyển đổi nguồn lực từ khu vực kinh tế kém hiệu quả sang khu vực tư nhân, nâng cao năng lực quản trị của DNNN của CPH chưa thành công.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định: Sự sôi động của CPH thời gian qua thực chất chỉ là nhờ vào các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản Nhà nước được bán ra do cách thức và quy trình CPH, đặc biệt là quy trình cung cấp thông tin định giá lỏng lẻo một cách có chủ đích để các nhà đầu tư ít tham gia. Thêm nữa, các thị trường nguồn lực đầu vào như đất đai, lao động, tài sản DN rất chậm chuyển sang hoạt động đầy đủ theo nguyên tắc thị trường khiến cho quá trình CPH bị các cá nhân am hiểu kinh tế thị trường lợi dụng và trục lợi.

Hiện Bộ Tài chính cũng đang đề nghị Chính phủ thanh tra hàng loạt dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu NSNN. Tài sản Nhà nước không chỉ có nguy cơ thất thoát trước khi CPH mà vẫn có thể “bốc hơi” sau khi DN chuyển đổi mô hình.

Để ngăn chặn tình trạng nói trên, dự thảo mới về CPH bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Cụ thể, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực tài chính, có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi, không có lỗ lũy kế. Đặc biệt, phải có văn bản cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất 3 năm, không chuyển nhượng cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm và phải có phương án hỗ trợ DN sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực…và phải bồi thường nếu vi phạm cam kết. “Quy định siết tiêu chí cổ đông chiến lược nhằm hạn chế tình trạng đại gia bỏ tiền mua DNNN chỉ vì nhắm tới đất”, ông Đặng Quyết Tiến phân tích.

Thu hút nhà đầu tư thực chất

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), thị trường nhất là các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến thông tin về việc thoái vốn của 12 “ông lớn” như Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 DN, trong đó có Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Do đó không quan ngại khả năng ế vốn nếu công khai, minh bạch và sớm công bố thông tin tại các DN bán vốn. Chỉ khi công khai, minh bạch mới có thể thu hút được các nhà đầu tư thực chất.

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng bên cạnh các quy định “bịt kẽ hở”, dự thảo nghị định CPH đã mở thêm cửa cho DN và nhà đầu tư. Cụ thể là cho phép DN bán vốn dưới giá trị vốn đầu tư, bán cổ phần dưới mệnh giá với điều kiện phải công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động, tình hình tài chính, tài sản DN. Đây là một giải pháp quan trọng góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong CPH vì từ quý II-2017, tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã chững lại do bắt đầu chạm đến các khoản đầu tư mà khi thoái bị lỗ, DN sợ bị truy trách nhiệm.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước có 34/44 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Trong đó có 11 DN thuộc diện phải hoàn thành CPH năm 2017, số còn lại phải triển khai CPH theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2016. Như vậy, năm 2017 có thể tiếp tục là một năm không hoàn thành kế hoạch CPH. Câu hỏi đặt ra, “siết” quy định CPH có làm ỳ ạch thêm tốc độ bán vốn ở các DNNN thua lỗ?

Theo Tô Hà/Báo Nhân Dân

 

Các tin khác:
  • Tăng cường giao thương, mở rộng kết nối để tiêu thụ sản phẩm (07/10/2017-21:53)
  • Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ tiêm thuốc an thần vào heo (06/10/2017-19:59)
  • Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa gặp mặt doanh nghiệp tại thành phố Heidelberg, CHLB Đức (06/10/2017-14:23)
  • Chính phủ yêu cầu xóa bỏ ít nhất 1/3 điều kiện kinh doanh (05/10/2017-23:12)
  • Các bộ sẽ hết “vừa đá bóng, vừa thổi còi” (05/10/2017-11:41)
  • Phơi bày bộ mặt thật của “Kiến nghị cải cách chính trị” (05/10/2017-11:34)
  • Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng (04/10/2017-23:06)
  • Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động (04/10/2017-23:04)
  • Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa tại thành phố Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức (04/10/2017-13:08)
  • Lần đầu trong lịch sử ngành y, Viện trưởng về hưu cả bệnh viện bật khóc (03/10/2017-20:52)