Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Gỡ khó cho công tác phát triển Đảng ở Quan Hóa (16/10/2017-7:52)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

Phát triển đảng viên mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, góp phần trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế ở các thôn bản trên địa bàn huyện Quan Hóa những năm gần đây, việc phát triển đảng viên mới ở các chi bộ Đảng cơ sở trong huyện đang gặp không ít khó khăn.

Sequence 03.Still036.jpg

Toàn huyện Quan Hóa hiện có 4.016 đảng viên sinh hoạt ở 42 chi, đảng bộ cơ sở. Đến nay, 100% thôn, bản trên địa bàn huyện đều có chi bộ, chỉ tiêu kết nạp đảng viên hằng năm hầu hết đều đạt và vượt kế hoạch. Dù vậy, công tác phát triển Đảng của Quan hóa vẫn còn không ít khó khăn, nhất là việc tạo nguồn kết nạp đảng viên trẻ, xu hướng “già hóa” đảng viên đang là thực trạng đáng lo ngại trong công tác xây dựng Đảng ở các chi bộ thôn bản trên địa bàn huyện. Tình trạng “ly nông”và “ly hương” đang diễn ra ở nhiều địa phương. Chính điều này làm cho các cơ sở đảng ở thôn bản thiếu nguồn phát triển đảng và ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.

Chi bộ bản Thu Đông xã Thanh Xuân được thành lập từ năm 1960, trong suốt 57 năm qua, số lượng đảng viên gần như duy trì “ổn định” từ 10 - 12 đảng viên. Việc tìm nguồn phát triển đảng viên gặp không ít khó khăn, nhiều năm, chi bộ không phát triển được đảng viên mới.

Không chỉ ở Chi bộ bản Thu Đông mà nhiều chi bộ thôn bản khác của xã Thanh Xuân cũng gặp khó trong việc tìm nguồn phát triển Đảng. Qua kết quả khảo sát trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2010 - 2015 ở các chi bộ cơ sở, cho thấy, từ trước đến nay, nguồn phát triển Đảng vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ... Nhưng trên thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, tạo điều kiện, giúp đỡ phát triển Đảng rất hiếm, bởi không có nguồn do các em học hết THPT thì lại tiếp tục phấn đấu vào học các trường chuyên nghiệp; một số đi làm ăn xa, hoặc ít khi ở tại địa phương; Ngoài ra, công tác tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục quần chúng để họ có chí hướng phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ vẫn chưa được quan tâm sát sao, dẫn đến nhiều quần chúng chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ khi được vào Đảng. Một nghịch lý là trong khi nguồn phát triển bị hạn chế, nhưng yêu cầu công tác phát triển Đảng vẫn phải nâng cao đã đặt các chi bộ nông thôn vào tình thế "loay hoay" tìm nguồn.

Do khó khăn từ nguồn phát triển Đảng ở đoàn viên thanh niên nên tình trạng "già hóa" đảng viên ở các thôn bản ngày một cao. Qua tìm hiểu ở các chi bộ nông thôn huyện Quan Hóa cho thấy: Thực trạng già hóa đảng viên là khá phổ biến. Ở nhiều chi bộ, đảng viên có độ tuổi trung bình trên 40, thậm chí có chi bộ độ tuổi trung bình của đảng viên lên đến trên 50 tuổi. Việc “già hóa” đội ngũ đảng viên ở các chi bộ đang khiến cho nhiều Đảng bộ không khỏi lo lắng. Ví dụ như chi bộ bản Sắng xã thiên phủ có 24 đảng viên, 60% đảng viên trong chi bộ là đảng viên cao tuổi, do đó đã ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo và triển khai các Nghị quyết của chi bộ, đảng bộ.

Thực trạng "già hóa" đảng viên đang là băn khoăn, lo lắng của nhiều chi bộ ở nông thôn hiện nay. Mặt tích cực của đội ngũ đảng viên cao tuổi là có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Thế nhưng phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, đa phần đảng viên cao tuổi là những người đã xa rời đồng ruộng từ lâu, do đó việc lãnh đạo trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Thực tiễn công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ, khỏe có đủ năng lực tiếp nhận và ứng dụng tri thức khoa học, kỹ thuật mới để lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các chi bộ thôn, bản đang rất cần được "tiếp sức" để nâng cao năng lực lãnh đạo và cũng rất cần có thêm sức trẻ để đảm đương những công việc mới.

Qua phân tích, tình trạng “già hóa” đảng viên là do thiếu nguồn kết nạp; Tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể chưa có nhiều giải pháp triển khai phong phú, hấp dẫn lôi kéo quần chúng trẻ tham gia các phong trào, hoạt động. Không để hạn chế kéo dài, Đảng bộ huyện xác định cần phải “trẻ hóa” đội ngũ đảng viên. Có như vậy mới nâng cao được năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

Để đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, góp phần tăng cường sinh lực cho Đảng, hiện nay các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ huyện Quan Hóa đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bổ sung kịp thời vào hàng ngũ của Đảng những quần chúng ưu tú, từng bước khắc phục tình trạng "già hóa" đảng viên, tăng sức trẻ cho các chi bộ. Ban Thường vụ Huyện Ủy đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, trong đó coi trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới ở chi bộ nông thôn. Theo đó, đối với những chi bộ gặp khó khăn trong phát triển Đảng, Ban chấp hành đảng bộ phân công các đồng chí Huyện ủy viên trực tiếp phụ trách, chỉ đạo Chi bộ xây dựng Nghị quyết về công tác phát triển Đảng; giao chỉ tiêu cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho Đảng, coi đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá, xếp loại hàng năm. Quan tâm tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ tại địa phương, để thanh niên tham gia làm kinh tế, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm thu hút đoàn viên thanh niên tham gia, từ đó phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng.

Cùng với việc quan tâm tạo nguồn, các chi bộ thôn, bản cũng đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, nâng cao tính chiến đấu, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên từ đó "hấp dẫn" được giới trẻ, thôi thúc thanh niên phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Với nhiều cách làm cụ thể, trong 5 năm (2010- 2015) Đảng bộ huyện Quan hóa đã kết nạp được 1.224 đảng viên mới; trong đó đảng viên trẻ có tuổi đời từ 18 - 30 là 986 đảng viên, đảng viên có tuổi đời từ 31 - 40 là 218 đảng viên. Nhìn chung số lượng, chất lượng đảng viên mới kết nạp bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần bổ sung nguồn đảng viên cần thiết trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, từ đó bài toán về công tác phát triển đảng viên vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số của Quan Hóa đã từng bước được tháo gỡ. Việc tạo nguồn phát triển đảng viên mới không còn là nỗi lo thường trực như trước đây; không còn là "nút thắt" làm giảm hoặc tắc nghẽn sự lưu thông của mạch máu nuôi dưỡng sức thanh xuân của Đảng.

Theo Hoàng Hải – Ngọc Anh/ Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Quan hóa

 

Các tin khác:
  • “Luân chuyển, điều động cán bộ: Rèn luyện để trưởng thành!” (16/10/2017-7:51)
  • Huyện Cẩm Thủy với công tác phát triển đảng viên (16/10/2017-7:49)
  • Nhất thể chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND các xã, phường ở Thanh Hóa (13/10/2017-14:43)
  • Dân vận khéo giúp dân thoát nghèo (13/10/2017-14:41)
  • Nghị quyết 09 và kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện miền núi (05/10/2017-14:36)
  • Cần những giải pháp đồng bộ (05/10/2017-14:32)
  • Tâm huyết của người chiến sỹ quân hàm xanh kết nạp 107 đảng viên người dân tộc Mông (05/10/2017-14:29)
  • Thực hiện sắp xếp lại công đoàn giáo dục cấp huyện (02/10/2017-14:36)
  • Xây dựng thôn, bản nông thôn mới ở miền núi: Khi “ý đảng hợp lòng dân” (25/09/2017-8:59)
  • Xóa bản trắng đảng viên ở đồng bào Mông Mường Lát (25/09/2017-8:56)