Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tính mạng, tài sản và căn bệnh vô cảm (07/12/2017-7:56)
    (NLBTH) - Đến giờ tôi vẫn rợn tóc gáy mỗi khi nhớ lại bài báo viết về tâm sự của một lái xe tải ở khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam.
Khi xảy ra tai nạn, lái xe thường quan tâm trước tiên đến tài sản của mình
(ảnh chỉ có tính minh họa)

Lái xe này cho biết khi được nhận vào làm việc chủ xe yêu cầu nếu chẳng may gây tai nạn thì thà để nạn nhân chết hẳn rồi đền bù một thể, chứ dở sống dở chết thì vừa tốn tiền, lại mất công.

Khi đồng tiền được coi trọng hơn tính mạng con người thì dễ nảy sinh sự tính toán, thậm chí đến mức vô lương.

Tưởng như điều đó đã thuộc về quá khứ, khi mà pháp luật trong lĩnh vực giao thông chưa đầy đủ và hoàn thiện nên sự răn đe chưa nhiều.

Gần đây, khi xem một số Clip chia sẻ trên mạng xã hội tôi lại không khỏi giật mình về cách ứng xử của một số lái xe. Đó là những Clip ghi lại hình ảnh lái xe gây tai nạn trên đường hay ở những ngã tư có đèn tín hiệu.

Nạn nhân bị lái xe không làm chủ được tốc độ hoặc không quan sát đèn tín hiệu giao thông nên đâm vào. Có nạn nhân nằm bất động trên đường, có người cố gắng để thoát khỏi chiếc xe máy đang đè lên người mình. Thế nhưng việc đầu tiên lái xe bước xuống đường là nhìn xem, thậm chí dừng lại kiểm tra xem đầu xe ô tô của mình thế nào. Có lái xe còn vô cảm đứng nhìn nạn nhân, thậm chí chửi bới, chỉ đến khi người đi đường phản ứng hoặc có cảnh sát giao thông đến họ mới thay đổi thái độ. Điều đó cho thấy sự vô cảm, vô đạo đức của người lái xe, lo cho tài sản của mình hơn tính mạng, sức khỏe nạn nhân.

Tài sản hư hỏng có thể sửa chữa, nhưng tính mạng con người nếu không đươc xử lý kịp thời thì không thể sửa sai.

Tình trạng này đang góp phần gia tăng sự lo lắng. Các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn giao thông được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ngày một nhiều hơn bằng nhiều hình thức phong phú. Lực lượng chấp pháp cũng đông hơn với công cụ hỗ trợ đắc lực, nhưng sự vi phạm vẫn gia tăng. Điều đó chỉ có thể lý giải bởi đâu đó vẫn còn tình trạng xử lý không nghiêm minh dẫn đến đối tượng nhờn luật.

Khi mà trong cuộc sống còn có người dùng đồng tiền để điều khiển công việc như ý muốn của mình, thì căn bệnh vô cảm, sự bất chấp vẫn còn đất sống.

Chỉ khi nào việc xử lý không còn theo kiểu luật khôn nhìn người mà xử, mới hy vọng căn bệnh vô cảm, sự bất chấp được hạn chế, đẩy lùi.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Không thể xuyên tạc, bóp méo sự thật về nhân quyền Việt Nam (05/12/2017-7:30)
  • Để “tấm áo” mới không quá rộng (03/12/2017-23:13)
  • Không để trong “nóng” ngoài “lạnh” (03/12/2017-10:12)
  • Để không còn những tờ giấy vô hồn (27/11/2017-10:48)
  • Cần có chiếc thang ý thức (25/11/2017-22:32)
  • Quyết tâm lành mạnh môi trường thông tin (24/11/2017-8:01)
  • Diệt trừ tệ “báo cáo không trung thực” (23/11/2017-9:34)
  • Căn bệnh xé rào (21/11/2017-14:38)
  • Hai mặt của tấm huy chương (19/11/2017-19:41)
  • Người “chèo đò” trên dòng sông tri thức (18/11/2017-12:04)