Thứ tư, ngày 08/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Đinh Bích Ngọc:
Làm nghề chuyên nghiệp sẽ không cần phân vai (22/12/2017-8:37)
    Xu hướng các nhà báo kiêm nhà truyền thông trong mọi lĩnh vực nhiều năm nay đang được coi là phát triển mạnh. Làm báo và làm truyền thông liệu có giẫm chân nhau, người làm công việc hai trong một này liệu có cản trở nhau phát triển không? NB&CL đã cùng trò chuyện với nhà báo Đinh Bích Ngọc (Báo Nhân Dân) - một nhà báo đồng thời là một người có thâm niên làm truyền thông, để hiểu hơn về góc hậu trường và quan điểm làm nghề của chị.
NB Đinh Bích Ngọc

Nếu khả năng là 1 thì sự cố gắng của tôi luôn là 10, thậm chí 100

+ Nhiều năm làm báo, Ngọc đã được trải nghiệm nhiều vị trí làm nghề, từ viết, biên tập cho đến việc làm chủ biên cả cuốn tạp chí (tạp chí Nam Châm, tạp chí Người Đẹp). Với chị quãng thời gian ấy có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi thấy mình may mắn vì đã luôn nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo cũng như đồng nghiệp để chinh phục đam mê của mình một cách đầy hứng khởi, chủ động và đáng tự hào. Nếu tính từ bài báo đầu tiên được đăng tải, tôi đã viết báo được 18 năm rồi, chính thức làm nghề cũng 15 năm. Đó là quãng thời gian tôi hoàn toàn được chủ động trong công việc, được sáng tạo và phát huy hết nội lực để chứng minh với bố – người đàn ông quan trọng nhất cuộc đời tôi, rằng con đường tôi đi là đúng đắn.

+ Ngoài công việc chính làm báo, chị còn có “nghề tay trái” là đồng hành với nhiều hoa hậu, ca sĩ, cầu thủ bóng đá, để hỗ trợ họ về nghề hoặc truyền thông. Đây là thế mạnh của riêng chị mà không phải nhà báo nào cũng làm được.

Có khi nào công việc bị chồng chéo, cái nọràng buộc cái kia khiến chị làm mảng nào cũng phải rụt rè?

- Với tôi, mọi công việc đều toàn tâm toàn ý, không có việc nào là phụ cả. Bởi tôi nói điều này chị tin không, tôi không bao giờ lấy “tiền” là mục đích ban đầu. Khi tôi đang là sinh viên, một người bạn lớn của tôi - anh hiện vẫn đang là Chủ tịch một công ty nổi tiếng về phần mềm, có dạy tôi một cách làm việc rất hay: “Muốn kiếm tiền chẵn thì đừng bao giờ đi nhặt tiền lẻ. Màmuốn không phải nhặt tiền lẻ thì đừng bao giờ chỉ dừng lại ở những việc mình có thể làm tốt”. Tôi đã giữ định hướng đó trong suốt ngần ấy năm để không bao giờ bán rẻ trí tuệ của mình và luôn cố gắng vượt qua thử thách trong những việc tưởng như rất khó. Đổi lại, đó là những gói trí tuệ đáng giá để các đối tác sẵn sàng mua nó. Nếu khả năng là 1 thì sự cố gắng của tôi luôn là 10, thậm chí 100. Tôi vốn là dân nghiên cứu thị trường, thời sinh viên của tôi gắn bó với công ty nổi tiếng của Pháp trong lĩnh vực này. Chị thấy đấy, tôi có thể vừa đi học vừa đi làm, vì thế, tôi vẫn vừa làm nghề báo vừa đồng hành được với nhiều người nổi tiếng trong công việc truyền thông. Tuyệt đối không bao giờ dùng thời gian làm báo để làm việc riêng. Vì thế, tôi rất ít khi được ngủ quá 4 tiếng/ngày. Tôi không đánh đồng công việc làm báo và truyền thông, cái nào ra cái đấy.

Nếu chuyên nghiệp, người như tôi sẽ không cần phân vai

+ Xét về mặt tích cực, chị không phủ nhận sự tin cậy và tương hỗ lẫn nhau trong công việc làm truyền thông và làm báo?

- Nếu chỉ viết mấy bài báo hay nhờ đồng nghiệp đăng tin bài hỗ trợ người nổi tiếng mà nghĩ đã là làm truyền thông thì không đủ đâu. Tạo dựng và phát triển hình ảnh cho một người nổi tiếng cũng giống như khi định vị và phát triển bất cứ một thương hiệu trong lĩnh vực nào. Người nổi tiếng chỉ là một góc nhỏ trong quá trình chinh phục con đường làm marketing của tôi nhiều năm qua, chỉ là mọi người chưa biết thôi. Còn sự hỗ trợ tích cực như chị đề cập là đúng nếu tìm được một nhà báo hỗ trợ chuyên nghiệp, hiểu nghệ sĩ và định hướng đúng.

+ Về mặt không tích cực, đôi khi ở vai nhà báo lại phải bớt đi một quan điểm, ở vai người làm truyền thông phải lo “che đậy” hoặc đánh lạc hướng sang một chuyện khác để nhân vật mình hỗ trợ không rơi vào khủng hoảng nặng nề?

- Ồ không, nếu chuyên nghiệp, người như tôi sẽ không cần phải phân vai hay mập mờ cảm xúc cũng như kiến thức để thay đổi hay lừa gạt bạn đọc. Lý do rõ ràng lắm: Đức tính quan trọng nhất của người làm báo là Trung thực. Tôi đã được rèn luyện đức tính đó như một kỹ năng từ khi còn làm nghiên cứu thị trường. Nếu nghiên cứu thị trường là một trong những bước đầu tiên của quá trình phát triển thương hiệu thì truyền thông là bước cuối cùng. Điểm mở và điểm thắt đều cần Trung thực. Chị tin không, ví dụ như này nhé, nếu tôi quản lý truyền thông cho ca sĩ Bằng Kiều, Đông Hùng hay cầu thủ Mạc Hồng Quân, khi thấy họ sai, không dám viết, hoặc viết che đậy, bảo vệ lấy được, thì hệ luỵ có khi còn tệ hơn nhiều. Truyền thông không có nghĩa là ca ngợi bằng được, báo chí cũng không phải chỉ vạch lá tìm sâu. Tôi chưa từng “nhẹ tay” nếu chính ngôi sao của mình sai. À mà phải nói chính xác thế này: Nếu đó là người không đủ tử tế và nghiêm túc với nghề thì tôi cũng không bao giờ hợp tác.

+ Rất nhiều năm theo sát các ngôi sao, chứng kiến mọi chuyển dịch của showbiz, hẳn chị đãvừa phải sống trong vai nhà báo, vừa trong vai người hỗ trợ nghệ sĩ. Có khi nào chị phải từ chối vì không đồng quan điểm?

- Tôi muốn chia sẻ điều này: Nghề báo giúp tôi sống khỏe. Tôi kiếm tiền nghìn đô từ lúc sinh viên, hồi ấy là kinh khủng khiếp lắm. Khi ra trường vẫn quyết định làm báo với mức lương vài triệu đồng. Ngay ở tờ báo “tư nhân” đầu tiên, nhà đầu tư ăn chặn của tôi cả trăm triệu đồng (hồi 2002, tầm 200 đến 300 triệu là mua được nhà đất để ở rồi) nhưng tôi cũng bỏ qua, không khởi kiện gì. Chẳng phải tôi hiền đần hay không hiểu luật, nhưng tôi cho đó là lỗi của mình đã không biết cách nắm giữ tiền công cho chuẩn, hơn nữa đấy là mồ hôi nước mắt. Ngay từ lúc đó tôi đã nghĩ họ dại khi quyết định ăn xổi và để mất mình. Sau đó tôi thi vào VietNamNet, một trong hai tờ báo điện tử lớn nhất thời điểm đó và chính thức làm nghề, không còn lo kiếm tiền quảng cáo như trước. Kể dài như thế để nói rằng, tôi không bao giờ nhận lời làm với ai vì tiền. Cái gì mua được bằng tiền là rẻ nhất rồi. Mà tôi nghĩ sự nỗ lực và sáng tạo của mỗi người đều khó định giá.

+ Vậy chị xử sự ra sao khi thấy các câu chuyện bất cập cần lên tiếng mà mình lại ở trong tình cảnh quen nên không tiện nói?

- Không có chuyện đó. Khi đã là người đồng hành, tôi ít khi để các ngôi sao của mình mắc sai lầm. Nếu có, tôi sẽ thẳng thắn góp ý. Vai trò của báo chí là góp phần làm xã hội tốt lên cơ mà?

+ Chị từng khẳng định không hề có sự giẫm chân, cản trở nhau giữa vai nhà báo và người làm truyền thông?

- Không có gì là tuyệt đối cả và tôi cũng không nói hộ số đông, tôi chỉ nói về cá nhân mình. Tôi không e ngại chuyện cản trở nhau vì mình đã làm hết ở từng góc độ rồi.
Thế mạnh của tôi: Nỗ lực không có điểm dừng…

+ Chị tự thấy thế mạnh của mình ở sự sắc sảo, dễ chia sẻ, dễ đồng cảm, nhiệt tình cố gắng hết sức hay tính cách mạnh mẽ...?

- Mỗi người có một sở thích, sở thích của tôi là được làm việc. Bởi vậy tôi nghĩ thế mạnh của bản thân là sự nỗ lực không bao giờ có điểm dừng. Tôi cũng rất thẳng tính, điều đó khiến nhiều người nghĩ tôi chịu thiệt thòi nhưng tôi lại nghĩ khác: Điều gì cũng có hai mặt. Tôi luôn có suy nghĩ rất tích cực và lạc quan ngay cả trong bi kịch.

+ Lý do nào khiến chị đến giờ vẫn tiếp tục đeo đuổi nghề báo?

- Nghề báo là đam mê duy nhất và mạnh nhất trong cuộc đời tôi. Nghề còn là nghiệp. Tôi không bao giờ bỏ nghề vì bất cứ lý do gì, dù nhiều người vẫn nghĩ tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu không làm báo nữa. Lại nói đến tiền đấy. Nhưng, nhà cũng cần một cái để ở, giường cũng cần một cái để ngủ. Tôi có hơn một căn nhà và hơn một cái giường rồi, nghề cho tôi đủ lửa để cháy, vì thế tôi sẽ không làm điều gì tổn hại đến hai chữ cao quý ấy. Nhà báo, với cá nhân tôi, mãi mãi là mơ ước mà tôi luôn nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng và cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày.

Theo Linh Linh/Báo Nhà báo và Công Luận

 

Các tin khác:
  • Báo chí Thanh Hóa đấu tranh, phản bác góp phần làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” (21/12/2017-8:29)
  • Báo chí và mạng xã hội trong môi trường truyền thông số (18/12/2017-14:40)
  • TTXVN tăng cường quan hệ với một số cơ quan báo chí lớn ở châu Âu (18/12/2017-14:35)
  • LHTHTQ lần thứ 37 là động lực lớn cho Đài PT&TH Thanh Hóa (17/12/2017-16:12)
  • Đài PT&TH Thanh Hóa thắng lớn tại LHTHTQ lần thứ 37 (17/12/2017-9:00)
  • Hội thảo "Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới" (16/12/2017-9:58)
  • Khi báo chí thiếu nhậy cảm về quyền riêng tư của trẻ em (15/12/2017-9:12)
  • Nhiều hoạt động tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37 (15/12/2017-8:06)
  • Khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37 (14/12/2017-12:42)
  • Nhà báo giả lộng hành (13/12/2017-13:49)