Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Duyên với nghề (29/03/2018-20:46)
    Công tác ở Báo Khánh Hòa được hơn 3 năm, tôi vẫn cho rằng mình ít nhiều có duyên với nghiệp làm báo. Thi thoảng gặp vài người bạn cấp ba, đại học, lại được hỏi “Ông có học báo đâu mà viết được thế”, “Mày làm báo thiệt hả”...
Thực tình, với những câu hỏi của mọi người, tôi chỉ biết gật gật, cười cười, chứ không
biết trả lời ra sao. Bởi vì, với bản thân, tôi được làm báo như một cái “duyên”

Bước ngoặt và... kỷ niệm vào nghề

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng, không lâu sau, tôi được vào làm tại một cơ quan hành chính Nhà nước, một công việc ổn định như nhiều người mơ ước. Nhưng, với bản tính thích “bay nhảy”, trải nghiệm như tôi, một công việc đầu giờ đến văn phòng ngồi làm, hết giờ đi về, không thể phù hợp.

Tròn một năm ngồi ghế văn phòng, tôi xin nghỉ việc với mong muốn thử sức trong môi trường truyền thông. Nhiều người quen nói tôi còn trẻ suy nghĩ bồng bột, bỏ công việc an nhàn để làm một công việc mà áp lực dí sau lưng mỗi ngày, chưa kể kinh nghiệm và cả kiến thức nữa. Biết sao được, đam mê rồi. Dấn thân thôi!

Tôi được nhận về tập sự tại Báo Khánh Hòa. Mối lương duyên với nghề bắt đầu từ đó. Còn nhớ, ngày đầu bước chân vào tòa soạn, gặp đồng chí Tổng Biên tập, tôi được Tổng Biên tập căn dặn duy nhất một điều: với người làm báo, quan trọng nhất chưa phải là kỹ năng viết lách, mà là chữ “Tâm”. Một cây bút không có tâm, không thể là phóng viên giỏi. Điều đó, đã trở thành hành trang cho tôi trong những ngày đầu bước chân vào nghề.

Tuần đầu tiên tập sự, công việc là đọc báo mỗi ngày. Đọc để biết được văn phong của báo, cách triển khai vấn đề... Sau đó, tôi được phân công phụ trách mảng giáo dục thay một đồng nghiệp nữ đang nghỉ sinh và tiếp cận dần mảng thanh thiếu niên. Là phóng viên trẻ nhất của tòa soạn, tôi luôn nhận được sự động viên, khích lệ của Ban Biên tập, anh chị trong cơ quan. Nhờ đó, có thêm niềm tin và lòng say mê nghề để vươn lên.

Khoảng thời gian tập sự không có gì đặc biệt, nếu không có việc một phóng viên mới chập chững vào nghề lại được giao nhiệm vụ đi công tác Trường Sa.

Còn nhớ như in, hôm ấy, nhà báo Hải Yến, Trưởng Phòng Phóng viên (bây giờ là Trưởng Phòng Kinh tế - Xây dựng Đảng) gọi tôi, bảo: “Tòa soạn cử một phóng viên đi Trường Sa để tuyên truyền về biển, đảo và không khí Tết ở đảo. Thời gian đi hơn 20 ngày, các anh chị muốn cử em đi, em đảm nhận được nhiệm vụ này không?”.

Quả thật, lúc đó tôi không nhớ đã trả lời như thế nào, chỉ nhớ là đã rất hào hứng nhận nhiệm vụ. Bước ra khỏi phòng, tôi bấm điện thoại gọi thông báo ngay cho mọi người trong nhà về việc sắp được đi Trường Sa. Ai cũng vừa mừng vừa lo, riêng tôi lại thấy háo hức tột cùng. Với một phóng viên còn non về tuổi đời lẫn tuổi nghề như tôi, đó là một vinh dự không phải ai cũng được nhận.

Kỷ niệm lớn nhất khi mới chập chững vào nghề báo đó là, ở tòa soạn, tôi nhỏ tuổi nhất. Đến khi bước lên tàu đi Trường Sa, tôi cũng vậy. Các anh chị đồng nghiệp từ nhiều báo trên cả nước cứ bảo “còn trẻ, khỏe, xông pha được cứ xông pha”. Mới đó thôi, mà tới nay, 3 năm làm báo, tôi đã được đi Trường Sa 3 lần. Mỗi lần đi là một lần trải nghiệm, tích lũy thêm cho mình nhiều hành trang hơn trên con đường làm báo.

Những chuyến đi tác nghiệp tại Trường Sa luôn mang đến nhiều cảm xúc cho các phóng viên trẻ.
Ảnh: TGCC

Càng làm càng “nghiện”

Hơn 3 năm làm báo, cùng với thời gian, áp lực công việc cũng tăng theo. Có những ngày làm tin nóng như vụ sạt lở núi làm sập nhà dân, gây thương vong ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang); vụ cháy hàng chục nhà dân ở cồn Nhất Trí (TP. Nha Trang)... Và gần nhất là tác nghiệp trong cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa rạng sáng ngày 4/11/2017.

Phải ở hiện trường liên tục, có khi đói run chân, chia nhau từng hộp cơm với các đồng nghiệp, chờ từng thông tin cập nhật. Ấy vậy, không chỉ mình tôi, mà nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa đều bảo nhau, những lần thử sức như vậy mới giúp mình trưởng thành được, không ai buông một lời ca thán.

Dường như càng làm càng có cảm giác “nghiện nghề”, mỗi lần ngồi trên xe đi làm xa, với tôi, chưa bao giờ chỉ là đi làm. Đó còn là được đi, được tiếp xúc với những con người mới, viết những câu chuyện hay, vấn đề cần được chuyển tải đến bạn đọc. Có người từng nói với tôi, nếu chưa từng nghĩ tới công việc nào khác ngoài nghề mình đang làm, dù có được trả mức lương cao hơn, thì tôi đang có công việc phù hợp nhất với bản thân.

Với tôi, để gắn bó với nghề, bản thân luôn tự nhắc mình, nghề là đam mê, được sống với đam mê là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng chỉ chừng đó chưa đủ, là phóng viên trẻ, tôi luôn phải cố gắng nhiều hơn các anh chị đồng nghiệp, những người đi trước với kinh nghiệm dày dặn. Lấy nghề dạy nghề, mỗi lần tác nghiệp là mỗi lần tôi tự đúc rút ra nhiều kinh nghiệm mới, để mỗi bài viết của mình đều được nâng cao chất lượng.

Công việc đôi khi là cái duyên. Dù gặp không ít sai sót, vô vàn khúc mắc, khó khăn, nhưng khi mọi thứ đi qua, nhìn nhận lại, tôi vẫn muốn gắn bó lâu dài với nó. Cái duyên giúp tôi đến với nghề, đi liền đó là tình yêu và đam mê, nên đôi khi, dù có rủi ro, nhưng để làm tròn nhiệm vụ, đôi khi chấp nhận cả sự trả giá./.

Theo Vĩnh Thành/Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Báo chí với công cuộc phòng, chống nạn mua bán người (26/03/2018-20:17)
  • Luật chưa đủ mạnh (26/03/2018-10::29)
  • Bài báo ít giá trị thông tin không trở nên xuất sắc nhờ “phụ kiện” đi kèm (21/03/2018-16:12)
  • Đặt tiếp những “viên gạch hồng” cho sự phát triển Báo Thanh Hóa (20/03/2018-9:19)
  • Cụm HNB các tỉnh Bắc miền Trung đoạt giải B gian trưng bày ấn tượng đặc sắc (18/03/2018-21:53)
  • Bế mạc Hội báo Toàn quốc 2018 (18/03/2018-20:47)
  • Phó Chủ tịch Thường trực HNB Việt Nam tiếp Phó Chủ tịch Liên Đoàn báo chí Thái Lan (18/03/2018-15:00)
  • Khi nhà báo nữ là Tổng Biên tập (18/03/2018-14:55)
  • Hội Báo toàn quốc 2018: Tọa đàm về làm báo trong thời đại 4.0 (17/03/2018-22:00)
  • Nhiều nét mới tại Hội báo toàn quốc 2018 (17/03/2018-13:15)