Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo “hóa thân” (31/05/2018-8:22)
    Nhà báo, nghề được xem là “hot” mà người dân mỗi khi nghe và gặp là vô tư trình bày “ước nguyện” như những người thân, khi ấy nhà báo là người bạn.
Nhà báo “hóa thân”

Đối với những sự việc có tính chất phức tạp hơn, nhà báo lại hóa thân thành những thương buôn, khách hàng,... thậm chí họ sẵn sàng hóa thân thành những “điệp viên”. Để làm tròn nhiệm vụ một vai diễn, nhà báo trước hết phải là những người yêu nghề, có tâm, còn cả sự hy sinh và dũng cảm.

Khó tiếp cận hiện trường

Tháng 3/2018, nhóm phóng viên Báo Cà Mau đề xuất cùng Ban Biên tập thực hiện điều tra tình hình mua bán đất ruộng để san lấp mặt bằng. Nói theo ngôn ngữ chuyên nghiệp của ngành Tài nguyên môi trường là khai thác khoáng sản. Nhưng thực tế, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cà Mau chưa cấp phép cho một đơn vị, cá nhân nào khai thác lĩnh vực này. Vì thực hiện các công văn, quy định của Chính phủ, tỉnh đã ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt về bảo vệ và khai thác khoáng sản.

Nhưng phải thâm nhập bằng cách nào để có được hình ảnh, thông tin cho tác phẩm báo chí đa phương tiện?
Đóng vai người cần san lấp và liên hệ mua đất? Xin hành nghề lái xe ben, xe cuốc?... Nhiều những dự tính để bằng mọi cách phóng viên phải thâm nhập vào khu vực đang khai thác đất hoạt động rầm rộ tại ấp 4, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau.

Hai phóng viên tiền trạm về tòa soạn bàn cùng nhóm “khó tiếp cận”. Nhóm người khai thác đất ruộng này rất cảnh giác. Họ thuê cả đội quân canh đường và chỉ nhận nhân công là người địa phương. Còn việc mua bán phải thông qua một công ty chuyên san lấp mặt bằng ở phường 8, thành phố Cà Mau. Nhưng liên hệ giao dịch với khối lượng lớn mới hợp đồng. Mà ký hợp đồng, phía công ty sẽ đo đạc thực địa để tính khối lượng và ngã giá. Vậy là kế hoạch ban đầu không thực thi.

Ngày cuối tuần, nhóm lại mon men về xã An Xuyên, lúc này đi với “mác” là những đại gia đi thả diều. Hóa thân thành những người thành thị về vùng ruộng (An Xuyên tuy là phường của thành phố nhưng vùng này thuần túy nông nghiệp, giáp ranh với các địa phương thuần nông khác của huyện Thới Bình và huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu), trên tay nhóm phóng viên lúc này là những cánh diều đầy màu sắc và có cả chiếc flycam.

Những đứa trẻ vùng nông thôn đã giúp nhóm phóng viên qua được sự cảnh giác của những người canh đường. Chúng quấn quýt và hối thúc phóng viên ra đồng như những người thân thuộc.

Diều cất cánh cùng chiếc flycam. Kế hoạch ghi hình thực địa bước đầu hoàn tất.

Nhưng, khai thác đất ruộng họ thường thực hiện vào đêm. Những chuyến xe ben băng đồng, trực chờ sẵn là xe cuốc chuyên dụng. Nắm được quy luật hoạt động, nhóm phóng viên lại cùng lũ trẻ và những phụ huynh đi lại trên con đường làng, cách khu khai thác đất ước chừng 2km. Tối 20/3, nhóm phục kích vào công trường bằng cách thoát mình vào màn đêm tối sẫm và mò mẫm trên đất ruộng cày ải. Hơn 1 giờ cuốc bộ với nước suối, máy quay tia hồng ngoại,... nhóm đã tiếp cận, chỉ cách những chuyến xe đang gầm rú xẻo thịt ruộng, chừng 100m phía bên đây bờ kênh thủy lợi.

Vì đêm tối, tài xế xe ben thì tắt đèn rồi lù lù theo đường mòn ra đến công trường. Xe cuốc trực chờ cũng tắt đèn, khi “giao hàng” tài xế xe cuốc bật đèn pha nhưng cường độ ánh sáng vừa phải và chỉ hướng đúng về phía cuốc múc. Do vậy, tài xế chỉ nhìn vào vùng sáng duy nhất này mà không thể nhìn thấy xung quanh màn đêm, nơi đó có 4 phóng viên đang tác nghiệp.

Hơn 5.000m2 đất được đào sâu 5 - 6m, đồng nghĩa đã có trên 25.000m3 đất ruộng chuyên lúa được chuyển đi bằng cơ giới về nội ô thành phố. Mỗi xe trung bình giá 600.000 đồng, lợi nhuận bạc tỷ. Trong khi những người khai thác này gạ mua của nông dân mỗi công chỉ ngót nghét 100 triệu. Thấy lợi trước mắt, nhiều người đã “thoát kiếp nông dân”, cầm trong tay khoản tiền rủng rỉnh ra thành thị tập làm thương buôn. Không ngăn chặn kịp thời, thì khu vực gần 4ha này sau khi đào bới sẽ là hố sâu giữa cánh đồng 100ha lúa 2 vụ. Có cung, ắt có cầu. Người mua, người bán đều “thuận mua vừa bán”. Thấy lợi trước mắt để đổi lại cánh đồng mẫu lớn An Xuyên vừa quy hoạch, đầu tư khép kín thủy lợi hàng trăm tỷ đứng trước nguy cơ bị “vỡ”.

Nhà báo trước hết phải là những người yêu nghề, có tâm, còn cả sự hy sinh và dũng cảm

Sự bất ngờ của những người trong cuộc

Khi bài điều tra được đăng, chính quyền xã An Xuyên tức tốc báo cáo nhanh về UBND thành phố. Để có cơ sở, phóng viên liên hệ làm việc với UBND thành phố, đơn vị thừa nhận “chưa hay” vụ khai thác này. Phía xã An Xuyên thì báo cáo có hay nhưng chưa xử phạt. Trong khi khu vực hơn 4ha, có 2 xe cuốc và 10 xe ben liên tục hoạt động về đêm trong hơn 15 tháng ròng trên địa bàn.

Một người gọi, hai người gọi,... tất cả những cuộc điện đều được cẩn thận ghi âm tạo thêm chứng cứ. Trong đó, khi “rượu mời” bị khước từ thì chúng lại quay sang “rượu phạt” nhưng biết đâu mà lần?!

Bị những “vị khách không mời” ghé thăm, mang theo cả hình ảnh, thông tin và quy luật hoạt động. Những người quản lý, ông chủ của khu vực khai thác đất cuống lên, lồng lộn và mở “chiến dịch” truy tìm phóng viên để “giao dịch”.

Đến hết tháng 3, sự vụ đang được ngành Tài nguyên và môi trường điều tra làm rõ. Trong khi đó, UBND thành phố Cà Mau đã có văn bản xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng. Một mức phạt “quá thân tình”, bởi theo ước tính giá bán đất, thì một đêm những người khai thác đất bán thu lợi ít gì cũng tầm 70 triệu đồng. Xử phạt hành chính 15 triệu coi như “kinh phí xã giao”. Cũng trong quá trình này, phóng viên đặt vấn đề: hơn 15 tháng xe ben cày Quốc lộ 63 đem theo khoáng sản ra nội đô nhưng tất cả những chuyến xe đều trót lọt qua lực lượng CSGT thành phố, CSGT tỉnh và cả Thanh tra GTVT. Có chăng là do chúng hoạt động ngoài khung giờ hành chính?

Bạn đọc, công chúng thì náo nức hoan nghênh. Chính quyền địa phương thì loay hoay bởi đây là sự việc “bất ngờ” trước giờ báo địa phương ít thực hiện “mạnh” đến thế. Cuộc hóa thân lần này của nhóm phóng viên đã vạch thêm hướng mở về đẩy mạnh vai trò của báo chí, tốt hơn là cầu nối, diễn đàn của nhân dân. Đó ắt hẳn là sự cần thiết không chỉ riêng ở báo địa phương Cà Mau./.

Theo Phong Phú/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Chuyện kể của “nhà báo say Trường Sa” (24/05/2018-20:35)
  • Báo chí đã thực hiện tốt vai trò tuyên truyền về BHXH, BHYT (18/05/2018-10:26)
  • Kim chỉ nam cho nhà báo trẻ hôm nay vẫn là tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh (18/05/2018-10:22)
  • 'Đường vào phóng sự báo chí' (15/05/2018-15:58)
  • Bloomberg: Thay đổi báo chí bằng công nghệ, áp dụng thu phí tin chất lượng (15/05/2018-15:52)
  • Bồi dưỡng kỹ năng phát hiện đề tài, xử lý thông tin sáng tạo tác phẩm báo chí (15/05/2018-15:47)
  • “Phát thanh Việt Nam có thể trở thành một điển hình cho sự đổi mới của báo chí” (14/05/2018-7:41)
  • Có một guồng máy đang chạy với công suất cao... (11/05/2018-10:00)
  • Không tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức, phát thanh sẽ mất vị thế (07/05/2018-10:00)
  • Võ Quý Cầu đoạt giải đặc biệt cuộc thi phóng sự - bút ký (04/05/2018-15:05)