Thứ sáu, ngày 17/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
"Quả đấm thép" của ảnh báo chí (29/01/2019-7:48)
    Một số tờ báo thường hay sử dụng những tấm ảnh ấn tượng, căng to hơn giữa vị trí trang nhất để làm “ảnh đinh” và “tít đinh” của số báo. Đây là phong cách trình bày “vỗ vào mặt” bạn đọc vào giây phút đầu tiên khi nhìn qua trang báo. Buộc bạn đọc phải cầm tờ báo lên xem và lật vào trang trong để xem ngay lập tức.
Tấm ảnh đặc tả ông Võ Văn Phúc - TP. Nha Trang, bị cụt cánh tay, nhưng vẫn làm thuyền trưởng lái chiếc tàu mành chụp dài 30m, công suất máy gần 1.000 mã lục, hoạt động ở vùng biển Trường Sa - (Ảnh: Hải Luận)

Áp máy thật sát chủ đề

Những tờ báo lớn sẽ có phòng hoặc ban ảnh riêng, ở đó có những phóng viên ảnh chuyên đi theo các sự kiện hoặc đi cùng phóng viên viết thực hiện điều tra và phỏng vấn nhân vật quan trọng. Đa phần các tờ báo loại vừa vừa và nhỏ không có phóng viên ảnh chuyên trách. Một thực tế hiện nay, cả tờ báo lớn đến báo nhỏ, số lượng lớn ảnh đăng trên tất cả các trang bào, vẫn trông chờ chất lượng  ảnh của phóng viên viết là chính. Nhiều phóng viên viết họ chỉ chăm chăm vào khai thác chi tiết, thông tin để viết bài cho hấp dẫn. Còn chụp ảnh luôn đặt hàng “thứ yếu”, gọi là cho có ảnh để minh hoạ theo bài tăng độ tin cậy. Dẫn đến nhiều tờ báo vẫn đăng những tấm “ảnh chết” hoặc chủ đề nhỏ li ti, không nỗi bật được “chứng” và “lý” của tấm ảnh, chưa làm lay động lòng người.

Thời chụp ảnh máy phim phải luôn tiết kiệm tần suất “bắn”, vì sợ lỗ vốn ăn vào cuộn phim, khi chụp xong tác giả mù tịt không biết chất lượng, hình ảnh như thế nào, chờ đến khi rọi ảnh ra mới biết sự thật. Hiện nay, các nhà báo đã 100% số hoá máy ảnh, cho phép “bắn” liên thanh và “bắn” nhiều lần không cần đắn đo và đếm lần bấm.

Muốn có ảnh báo chí hấp dẫn, việc đầu tiên bạn đưa máy ảnh áp sát, thật sát, sát hơn nữa vào chủ đề, nội dung muốn phản ảnh, bấm máy liên tục, liên tục. Nếu bạn cầm loại máy cỡ lớn, giữ “cò” để xả liên thanh, đồng thời bạn có thể di chuyển qua phải hoặc qua trái chụp, lùi về phía sau 1-2 bước chụp. Trong một thời gian rất ngắn, bạn đã chụp nhiều tấm ảnh ở nhiều gốc độ, đặc tả nội dung làm nỗi bật “chứng” - “lý” và bắt được “cái thần” của nhân vật hoặc cử chỉ hoạt động sự kiện. Bạn làm nhuần nhuyễn tất cả các động tác này, chắc chắn bạn sẽ chọn được những tấm hấp dẫn nhất. Trong tất cả mọi trường hợp, nếu bạn hà tiện hoặc lười biếng, chỉ chụp vài tấm ảnh, thì xác suất ảnh đạt chất lượng thông tin báo chí đúng nghĩa rất ít, thậm chí có lúc chẳng có tấm ảnh nào đăng được báo.

Ảnh báo chí là ảnh “động”, phóng viên nên chọn thời điểm, góc đứng, đôi khi còn căn me chụp bất ngờ, để lột tả cái tự nhiên, cái hoạt động của sự việc, của vấn đề. Hạn chế tối đa và “nói không” với ảnh giàn dựng, bởi vì nhìn tấm ảnh loại này nó cứ trơ trơ, thật giả lẫn lộn.

Tư duy phóng sự ảnh

Hiện nay, gần như tờ báo nào cũng sử dụng phóng sự ảnh, có những tờ báo thường xuyên sử dụng 1-2 trang phóng sự ảnh liền nhau, như báo An ninh biên giới (phụ trương) Tuổi Trẻ (chủ nhật) Lao Động (cuối tuần),... Để thực hiện trọn vẹn bộ phóng sự ảnh đúng nghĩa, thì hơi khó đối với ai ít đam mê ảnh, ít nỗ lực “công phá”,... Vậy làm sao chơi được bộ phóng sự ảnh đây? Thực hiện phóng sự ảnh cũng giống như thực hiện bài phóng sự viết.  Phải biết cách chọn đề tài, chọn chi tiết, chọn câu chuyện để viết. Phóng sự ảnh là mô tả sự kiện, đề tài bằng hình ảnh. Theo kinh nghiệm của tôi qua nhiều năm thực hiện phóng sự ảnh trên Báo Tuổi trẻ, sẽ có hai cách làm. Thứ nhất, gặp đề tài nóng, thì thực hiện ngay lập tức, không chậm trễ, vừa chụp vừa quan sát xung quanh, vừa phỏng vấn nhân vật, người trong cuộc để “mở ra” thêm hình ảnh mới. Máy ảnh của bạn lúc nào cũng ở chế đố sẵn sàng, giống như “đạn đã lên nòng”, đôi mắt quan sát liên tục mọi ngõ ngách, để “tia” được các hình ảnh đang chuyển động, ảnh lạ mắt xuất hiện. Tất cả phải đưa máy lên chụp ngay. Thứ hai, loại đề tài có thể chuẩn bị trước, bạn nên sử dụng tờ giấy A3 hoặc A4, kẻ từng ô ảnh và điền nội dung ảnh vào, giống như một biên tập viên trình bày trang báo. Chính việc này sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện, về cơ cấu một bộ phóng sự ảnh hoàn chỉnh, gồm có ảnh cảnh toàn, ảnh cận cảnh đặc tả, ảnh chụp trục đứng, ảnh chụp trục ngang. Nội dung của từng tấm ảnh nó phải liên kết chặt chẽ, mang tính lô rích với nhau.

Trong tất cả mọi trường hợp đang thực hiện tại hiện trường, bạn kiểm tra máy và sắp đặt trong đầu đủ đầy đủ một bộ phóng sự ảnh chưa? Tiếp tục mở rộng vấn đề để chụp, thà chụp thừa chứ đừng để chụp thiếu thì không còn cơ hội chụp lại được, vì sự kiện chỉ diễn ra có một lần. Thực tế khi thực hiện phóng sự ảnh, tôi có thể chụp trên ngàn tấm ảnh, nhưng khi gửi đến Báo Tuổi trẻ chỉ 25-50 ảnh, các biên tập viên chọn 5-15 ảnh đăng báo, nhưng nó đầy đủ câu chuyện lúc khởi đầu đến kết thúc. Ví dụ, chuyện mua bán sản phẩm, ảnh kết thức phải có người bán - người mua trao tiền cho nhau.

Công tác chuẩn bị vô cùng quan trọng, máy ảnh lúc nào cũng mang theo 3-5 thẻ nhớ, pin xạc đầy và có pin dự phòng. Bạn luôn nhớ một điều, chụp thật nhiều ảnh sẽ có những tấm ảnh đắt giá và bộ ảnh để đời./.

                                                                                         Theo Hải Luận/Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • Năm 2019 tiếp tục nỗ lực, tạo môi trường báo chí phát triển lành mạnh (19/01/2019-16:31)
  • Một sự chuyển dịch không thể khác được (17/01/2019-5:03)
  • Ảnh báo chí phải có nội dung, khơi gợi cảm xúc (16/01/2019-10:46)
  • Nhà báo có phong cách chính là một thứ tài sản của tòa soạn (16/01/2019-10:44)
  • Phải đổi mới và đổi mới liên tục, đó là điều cốt lõi trong truyền hình hiện đại (16/01/2019-10:42)
  • Báo chí thời số hóa - thách thức báo chí địa phương (14/01/2019-12:10)
  • Nữ nhà báo áo lính và "'túi kinh nghiệm" về nghề (10/01/2019-11:23)
  • Phóng sự và Đỗ Doãn Hoàng (07/01/2019-1:22)
  • Khẳng định vai trò và trách nhiệm của người làm báo (02/01/2019-11:35)
  • Trí tuệ nhân tạo và báo chí: Ngồi chờ hay hành động ngay bây giờ? (02/01/2019-11:29)