Thứ sáu, ngày 10/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tư tưởng đánh đổi (29/05/2019-9:16)
    (NLBTH) - Ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng đe dọa đến đời sống nhiều khu dân cư, nhất là lưu vực những dòng sông có nhà máy chế biến hai bên bờ.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet


Đi cùng chúng tôi đến một cơ sở chế biến giấy vàng mã ở một huyện miền núi nơi có dòng sông Mã chảy qua là một cán bộ công tác trong lĩnh vực xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.

Sau khi thâm nhập thực tế sản xuất, tôi đưa ra ý kiến rằng việc xử lý nguồn nước thải ở đây có phần đơn giản, quá ít bể lắng, và đặt câu hỏi là liệu quy trình xử lý nguồn nước thải cũng như xả thải ra môi trường như thế có đảm bảo không?

Không khẳng định vấn đề tôi đặt ra là đúng hay sai, anh cán bộ này kể về sự đổi thay của đời sống đồng bào trong huyện. Câu chuyện minh họa về sự ổn định sinh kế của đồng bào ở đây chính là nghề trồng luồng.

Nếu không có cây luồng thì đời sống của đồng bào khó khăn lắm. Đầu ra cho loại cây được xem là xóa đói, giảm nghèo này chính là những cơ sở chế biến lâm sản như tôi vừa thị sát. Một huyện chỉ cần có dăm bảy nhà máy như thế là ổn rồi, nên cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất.

Có lần cách đây gần 30 năm, chứng kiến bên vạt rừng còn âm ỉ khói những lâm dân đang dọn dẹp đất mới để canh tác. Đem sự băn khoăn hỏi một cụ già có biết đốt rừng là vi phạm pháp luật không, ông bảo tao biết làm như thế này sẽ đưa lũ về, đất đai bạc màu dẫn đến cái chết lâu dài, cán bộ tuyên truyền rồi, nhưng không đốt rừng thì không có cái để ăn, cả nhà tao chết ngay bây giờ à.

Bây giờ thì tôi lại nghe một cán bộ nói đến chuyện sinh kế của đồng bào gắn liền với môi trường. Dù cách lý giải không giống nhau, nhưng cho tôi một sự liên hệ.

Đó là dù biết xả thải không đúng quy trình sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước, nhất là cho những địa bàn ở hạ lưu, nhưng nếu làm một cách khắt khe, thì việc sản xuất của các cơ sở chế biến lâm sản sẽ khó khăn, thậm chí phải dừng sản xuất. Mà như thế thì cây luồng sẽ thiếu đầu ra.

Ô nhiễm môi trường đe dọa về những cái chết lâu dài, nhưng nhà máy không sản xuất thì rất có thể người trồng luồng sẽ chết đói ngay lập tức.

Một cách suy nghĩ có phần hướng nhiều về lợi ích của người dân bản địa, cho ta thấy một sự chấp nhận đánh đổi tình thế và ít nhiều cực đoan.

Đã nhiều lần chúng ta lên tiếng cam kết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng với những gì mà tôi nghe và thấy, ít nhiều cho tôi một suy nghĩ rằng trong những hoàn cảnh nào đó chúng ta vẫn phải chấp nhận có những ngoại lệ.


An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Hành động thực sự (27/05/2019-8:35)
  • Phải thay đổi lề lối, tác phong (25/05/2019-17:27)
  • Căn bệnh hình thức (21/05/2019-21:51)
  • Bình tĩnh trước thông tin (19/05/2019-23:24)
  • Hướng nghiệp sính ngoại (13/05/2019-16:49)
  • Cái kết của hư danh (12/05/2019-20:01)
  • Để bớt đi nỗi đau con trẻ (10/05/2019-16:42)
  • Hài hòa lợi ích (09/05/2019-21:32)
  • Click chuột bằng trái tim (08/05/2019-12:36)
  • Những chiếc “đầu” rác (02/05/2019-22:35)