Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tự trọng bằng cấp (03/06/2019-7:56)
    (NLBTH) - Thông tin cùng lúc có 7 cán bộ ở một Trung tâm dân số cấp huyện sử dụng chứng chỉ chuyên môn giả để xét tuyển viên chức vừa bị khởi tố điều tra đang tạo ra làn sóng bất bình trong dư luận. Câu chuyện về lòng tự trọng trong việc sử dụng bằng cấp qua đó thêm lần nữa dấy lên, xót xa hơn.
Tranh minh họa, từ internet

Thời gian gần đây, khi mà yêu cầu về bằng cấp của cán bộ ngày càng trở nên khắt khe, thì sự gian dối cũng xuất hiện nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu trang bị bằng cấp siêu tốc của một bộ phận cán bộ.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao những chuyện gian dối ấy vẫn cứ tồn tại dù rằng cơ quan nào cũng có một “hàng rào” kiểm soát là những cán bộ làm công tác tổ chức, nhân sự, chưa kể đến cơ quan chức năng thường xuyên có những cuộc kiểm tra hành chính liên quan đến công tác cán bộ?

Cách đây chừng mươi năm, mỗi lần nghe thông tin tố cáo cán bộ nào đó sử dụng bằng giả chúng tôi liền đến tận nơi để xác minh. Thế nhưng bây giờ thì không còn đủ thời gian để thực hiện đầy đủ yêu cầu đó, vì thông tin quá nhiều.

Gần như đường dây tiếp nhận thông tin của cơ quan báo chí, cơ quan thanh tra, kiểm tra, tổ chức, nội vụ nào cũng tiếp nhận được những thông tin cán bộ dùng bằng giả, cán bộ đăng ký rồi cử người thân đi học thay, thậm chí chỉ đăng ký, nộp tiền rồi lấy bằng. Đồng nghĩa với điều đó là nỗi lo về sự băng hoại nhân cách.

Cách đây chưa lâu có số điện thoại công khai xưng tên nhắn tin với nội dung chào bán bằng cấp, gồm cả bằng đại học, giao bằng mới nhận tiền. Đem câu chuyện thông tin lại mới biết có nhiều người nhận được những tin nhắn như thế.

Thật sự là chưa bao giờ thứ được gọi là “bằng cấp” lại trở nên rẻ rúng và dễ dàng đến thế. Điều đó chả khác nào như việc gọi điện thoại đến trung tâm thương mại, shipper sẽ giao hàng tận nhà.

Sự công khai rao bán bằng cấp và sử dụng bằng cấp giả không chỉ là hành động xem thường kỷ cương, mà còn tạo ra “bệ phóng” cho những chủ nhân của những tấm bằng ấy thăng tiến, và càng trở nên coi thường phép tắc hơn.

Bằng cấp luôn có giá trị và đều gắn với đồng tiền, nhưng cách tiếp cận và đường đi thì khác nhau. Người chính trực sẽ đầu tư công sức, tiền bạc để học hành đàng hoàng. Kẻ cơ hội thì chọn con đường ngắn hơn, và phi pháp.

Những cán bộ trong hệ thống chính trị chấp nhận sự phi pháp đó, thì khó để chờ đợi ở học sự thẳng ngay, trung thực trong việc làm.

Phân biệt bằng cấp thật giả phải cần đến sự giám định của cơ quan chức năng. Còn sự thật giả trong cách tiếp cận bằng cấp của mỗi người thì lại cần đến sự giám sát từ lương tâm chính họ.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Nâng cao trách nhiệm về thuế (31/05/2019-20:27)
  • Tư tưởng đánh đổi (29/05/2019-9:16)
  • Hành động thực sự (27/05/2019-8:35)
  • Phải thay đổi lề lối, tác phong (25/05/2019-17:27)
  • Căn bệnh hình thức (21/05/2019-21:51)
  • Bình tĩnh trước thông tin (19/05/2019-23:24)
  • Hướng nghiệp sính ngoại (13/05/2019-16:49)
  • Cái kết của hư danh (12/05/2019-20:01)
  • Để bớt đi nỗi đau con trẻ (10/05/2019-16:42)
  • Hài hòa lợi ích (09/05/2019-21:32)