Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Cứ viết bằng cảm xúc - đơn giản nhưng là chân thật nhất (27/06/2019-22:49)
    "Ở quần đảo Trường Sa, cán bộ Mặt trận cũng là chiến sĩ, họ chính là những “cột mốc Mặt trận” cắm ở nơi này, mang tinh thần hoà hợp dân tộc, tinh thần đại đoàn kết hoà chung khát vọng hoà bình ở Biển Đông. Chỉ riêng điều đó thôi, cũng đã là kỳ diệu...", Nhà báo Hoàng Yến nhấn mạnh.
Tác phẩm "Điều kỳ diệu ở Trường Sa" của nhà báo Bùi Hoàng Yến đoạt Giải C tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII-2018. Ảnh: NVCC

Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim

Tác phẩm "Điều kỳ diệu ở Trường Sa" của nhà báo Bùi Hoàng Yến vừa qua đã đoạt Giải C - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII-2018. Báo Nhà báo và Công luận có cuộc trò chuyện với nữ nhà báo về chuyến tác nghiệp đáng nhớ này.

Nhà báo Bùi Hoàng Yến trong thời gian công tác tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: NVCC
Nhà báo Bùi Hoàng Yến trong thời gian công tác tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: NVCC

Đã có rất nhiều bài viết về Trường Sa, và rõ ràng đây không phải là một đề tài mới, nên “Điều kỳ diệu ở Trường Sa” hẳn là không dễ lọt vào “mắt xanh” của Hội đồng giám khảo GBCQG. Theo chị, điều gì ở tác phẩm đủ sức “chinh phục” những người “cầm cân nảy mực” ?

Tôi cho rằng đó chỉ có thể là cảm xúc. Cảm xúc hiện hữu trong tác phẩm là một điều đẹp đẽ xuất phát từ sự chân thành của trái tim. Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Và đó cũng là điều dễ lý giải nhất cho câu hỏi của bạn vì quả thực, đến lúc này, tôi vẫn còn xúc động và bất ngờ khi loạt bài “Điều kỳ diệu ở Trường Sa ” đạt giải C - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII. Đối với một người làm báo, việc được vinh danh tại Giải báo chí Quốc gia luôn là kỷ niệm đẹp trong hành trình của mình.

Nhà báo Bùi Hoàng Yến – Trưởng ban Công tác Mặt trận, Báo Đại Đoàn Kết gặp gỡ các cán bộ Chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: NVCC
Nhà báo Bùi Hoàng Yến - Trưởng ban Công tác Mặt trận, Báo Đại Đoàn Kết gặp gỡ các cán bộ Chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: NVCC

Đúng như chị nói, với tác phẩm gồm loạt ba bài, câu chuyện kể về một hải trình ra Trường Sa với rất nhiều cảm xúc. Chuyến đi ấy, đã được thực hiện như thế nào, thưa chị?

Tôi được Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết phân công theo Đoàn công tác số 7 do Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh làm trưởng đoàn ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK1/8. Với hải trình 11 ngày trên biển, tàu Trường Sa 571 đã đưa 223 thành viên vượt qua hơn 1000 hải lý, đi qua nhiều đảo chìm, đảo nổi từ Đá Lớn B, Sơn Ca, Sinh Tồn, Núi Le A, Đá Thị, đến Cô Lin, Phan Vinh, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát, rồi qua Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1/8.

Để có những cái tên thân thương mang chủ quyền lãnh thổ ấy, biết bao người đã ngã xuống. Nhưng ở giữa khô cằn nắng cháy, giữa bao la biển trời, trên những đảo chìm đảo nổi, không ai, không một người nào ở đây nói với chúng tôi về sự hy sinh, về những gian khổ mà quân và dân Trường Sa đã và đang trải qua, chúng tôi chỉ bắt gặp nụ cười, những cái bắt tay nồng ấm và lời ca tiếng hát yêu đời mà người lính đảo gửi cho chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi càng thấm hiểu hơn sứ mệnh của người lính.

Là phóng viên lần đầu đi tác nghiệp tại nơi này, đâu là khó khăn nhất đối với chị - nữ nhà báo khi thực hiện đề tài này?

Đây là chuyến đi mà tôi đã mong đợi từ rất lâu, vì bạn có thể đi nhiều nơi trên dặm dài đất nước nhưng tới Trường Sa thì không phải “muốn mà được”. Cho nên chỉ riêng việc được ra Trường Sa tác nghiệp đã là “điều kỳ diệu” với tôi rồi. Chuyến hải trình được thực hiện vào tháng 4, biển rất yên ả, không có khó khăn nào cả, một chút say sóng, nôn nao chỉ để thêm “gia vị” cho một chuyến đi đáng nhớ bởi những gì tôi nhận lại chỉ là vô vàn yêu thương.

Có lẽ, băn khoăn duy nhất của tôi không phải là việc sẽ viết gì mà viết như thế nào về Trường Sa khi trước đó đã có hàng ngàn bài viết của các đồng nghiệp. Tôi đã từng như bơi trong những tác phẩm đồ sộ, ngồn ngộn thông tin ấy. Cuối cùng tôi lựa chọn cho mình một phương án, cứ viết bằng cảm xúc. Đơn giản nhưng là chân thật nhất.

"Bất cứ ai, nếu là người Việt Nam yêu nước, khi đến với Trường Sa, trái tim sẽ rung lên ở cung bậc cao nhất. Khi những cảm xúc cùng cộng hưởng sẽ càng bồi đắp thêm giá trị cho tinh thần dân tộc, tinh thần đại đoàn kết" - nhà báo Hoàng Yến chia sẻ - Ảnh: NVCC

Cán bộ Mặt trận - những “cột mốc Mặt trận”

Trong bài viết có nêu rằng, những thành viên trong Đoàn công tác số 7 đã nhận ra rằng “chỉ cần đến Trường Sa một lần thôi, bạn sẽ có cảm xúc mà không ai có được và nó sẽ theo ta suốt cuộc đời”. Điều gì khiến chị quyết định lựa chọn góc nhìn này đưa tới cho bạn đọc?

Tôi nghĩ rằng, bất cứ ai, nếu là người Việt Nam yêu nước, khi đến với Trường Sa, trái tim sẽ rung lên ở cung bậc cao nhất. Khi những cảm xúc cùng cộng hưởng sẽ càng bồi đắp thêm giá trị cho tinh thần dân tộc, tinh thần đại đoàn kết. Vì vậy, không có lý gì tôi lại không lựa chọn cách tiếp cận này để triển khai đề tài. Nhất là khi chúng tôi được ngắm nhìn sự phát triển lớn mạnh của quần đảo Trường Sa càng thêm trân quý hơn những giá trị chiến công đã đi vào lịch sử, thêm khâm phục những người chiến sĩ vẫn đang canh gác biển trời quê hương và thêm yêu tổ quốc mình vì luôn có những con người kiên trung sẵn sàng hy sinh đời mình cho tổ quốc.

Có thể thấy, đây là một tác phẩm đầy xúc động bởi sự lựa chọn những chi tiết nhỏ, những câu chuyện rất thật, gần gũi của những người lính, những “ông Mặt trận”...Kỷ niệm, hình ảnh khó quên nhất của chị trong chuyến hành trình mang lại nhiều cảm xúc này là gì?

Đại Đoàn Kết là cơ quan trung ương của MTTQ Việt Nam và là tờ báo đồng hành của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận trên cả nước. Cho nên trong rất nhiều câu chuyện cảm động mà tôi được chứng kiến ở Trường Sa, thì điều bất ngờ nhất là được gặp người Mặt trận. Vì quả thực, tâm thế của tôi khi đến với Trường Sa là sẽ gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ, người dân đang sinh sống trên quần đảo này, hoàn toàn không nghĩ tới việc sẽ gặp được những vị Trưởng ban Công tác Mặt trận ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Và ở quần đảo Trường Sa, cán bộ Mặt trận cũng là chiến sĩ, họ chính là những “cột mốc Mặt trận” cắm ở nơi này, mang tinh thần hoà hợp dân tộc, tinh thần đại đoàn kết hoà chung khát vọng hoà bình ở Biển Đông. Chỉ riêng điều đó thôi, cũng đã là kỳ diệu.

Trong thời gian tới, nếu có cơ hội, chị sẽ trở lại quần đảo Trường Sa chứ?

Tôi luôn mong ước được quay trở lại vì chúng tôi đã trở thành một phần của Trường Sa rồi. Không chỉ là chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa mà chúng tôi được Hải quân Việt Nam trao tặng mà còn vì những tình cảm tốt đẹp đã được nhân lên, nối tiếp, vẫn theo bước những con tàu, vượt biển đến với Trường Sa. 

Vâng, xin cảm ơn chị !

Hoàng Huy (thực hiện)/ Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Đăng Khoa và hành trình lật tẩy trường “ma” GWIS (25/06/2019-22:47)
  • Một số xu hướng nghiệp vụ, nhìn từ Giải Báo chí Quốc gia năm 2018 (22/06/2019-22:02)
  • "Vì bạn đọc, chúng ta phải thay đổi" (22/06/2019-21:58)
  • Trao niềm tin, nhận yêu thương (19/06/2019-20:50)
  • Chuyện tác nghiệp nơi vạn dặm biển khơi (19/06/2019-22:47)
  • Bức tranh' sống động về đất nước (19/06/2019-13:01)
  • Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và văn hóa (19/06/2019-12:58)
  • Nhà báo đi tìm câu trả lời về chính sách giảm nghèo (11/06/2019-15:05)
  • Nhà báo Chu Minh Khôi và sự “ăn may” trong nghề báo (06/06/2019-7:59)
  • Báo chí cần phải làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong giáo dục (30/05/2019-16:05)