Chủ nhật, ngày 05/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Rưng rưng giữa biển, trời Trường Sa (13/07/2016-8:10)
    (NLBTH) - Nghề báo đã cho tôi cơ hội được đặt chân tới nhiều hòn đảo của Tổ quốc, nhưng chỉ khi đến với Trường Sa mới có cảm nhận đủ đầy về sự bao la của biển, trời nước Việt. Để rồi khi ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trên những đảo chìm đảo nổi xa xôi, mới thấy hai từ Tổ quốc sao mà thiêng liêng đến vậy.

Tác giả tại Đảo Song Tử Tây

 Từ Tân Cảng Sài Gòn, sau 3 ngày đêm, con tàu HQ 957 thuộc Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân đã vượt gần 1.000 km đưa  chúng tôi tới đảo Song Tử Tây - điểm cực Bắc của quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Do trời tối cộng với sóng lớn, chúng tôi phải neo tàu ở ngoài khơi, chờ sáng hôm sau mới được lên đảo. Mặc dù rất mệt sau hành trình trên biển, nhưng nhiều người trong đoàn công tác đã thức trắng đêm, háo hức chờ đợi thời khắc ánh dương đỏ rực của ngày mới hiện ra trên biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Lễ Phật giữa biển Đông

Các đảo thuộc chủ quyền nước ta trên quần đảo Trường Sa phân bố rải rác tựa như một cánh cung kỳ vĩ bao bọc và chở che đất liền từ phía biển Đông. Song Tử Tây nằm ở cực bắc của quần đảo. Cũng như các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn…, Song Tử Tây được phủ một màu xanh ngăn ngắt của cây bàng vuông, cây phong ba, bão táp. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đảo với tôi chính là sự kiên cường của quân và dân nơi đây. Họ như những cây phong ba ngoan cường trước bão tố, nắng gió Trường Sa.

Và đặc biệt, tôi thực sự ngỡ ngàng trước hình ảnh ngôi chùa Song Tử Tây uy nghi, trầm mặc, tọa lạc ngay trên thềm sóng Biển Đông. Đứng trên kè chắn sóng trước cổng tam quan, phóng tầm mắt ra phía xa ngút ngàn biển rộng, mới thấy hết được sự thiêng liêng trên từng tấc đất mà bao đời ông cha phải đổ máu xương gìn giữ. Trong âm thanh ầm ào của sóng gió Trường Sa, thi thoảng một tiếng chuông chùa ngân lên, rồi chìm vào không gian bao la của trời biển, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy lòng mình như tĩnh lặng lại và dâng lên niềm xúc động. Tự nhiên, có cảm giác thật bình an, như mình vừa trở về làng sau nhiều năm xa cách, bởi Trường Sa vô cùng gần gũi.


Chùa Song Tử Tây

Ở những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa tất cả hoành phi, câu đối đều được thể hiện bằng chữ Việt với nội dung ca ngợi sự trường tồn của dân tộc, cảnh sắc kỹ vĩ của Vạn lý Trường Sa, sự mênh mông đến khôn cùng của trời biển nước Nam, ví như: “Quần đảo huy hoàng chất ngất Biển Đông ngời thắng cảnh/ Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam” khiến lòng mỗi người đến vãn cảnh chùa không khỏi tự hào trước giang sơn gấm vóc Việt Nam. Ai cũng nguyện cầu Đức Phật phù hộ độ trì cho nước Việt, và bất kỳ ai cũng cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn để góp sức đưa đất nước ngày thêm hưng thịnh…

Sóng gió ở Len Đao

Sau khi rời Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, tàu chúng tôi tới đảo chìm Len Đao tại tọa độ 9°45'40'' Vĩ Bắc, 114°21'0'' Kinh Đông giữa lúc biển động. Tàu bị nhồi lắc dữ dội, khiến hầu hết thành viên trong đoàn công tác đều phải nằm bẹp xuống sàn, chống chọi với những cơn say sóng. Các đầu bếp trên boong không thể chuẩn bị được bữa sáng do sóng gió đã phá tan hoang khu bếp phía sau tàu. Sau khi hội ý, thủ trưởng đoàn công tác quyết định chỉ bố trí một chuyến xuồng cứu hộ với khoảng hơn 10 người được phép vào đảo. Và như thông lệ của mỗi chuyến hải hành, cánh phóng phiên luôn được ưu tiên vào đảo để tác nghiệp, còn lại gần 100 thành viên khác phải ở lại trên tàu.

Dằn bụng bằng một thỏi lương khô, khoác áo phao và bọc máy ảnh vào chiếc túi nilon của bộ đội, tôi và một số thành viên được bố trí xuống xuồng. Đã nhiều lần lên xuống xuồng cứu hộ để tiếp cận các đảo, nhưng quả thực lần này là cam go nhất. Nhiều thành viên đã không dám bước xuống, khi chiếc xuồng hình quả trứng với thiết kế dựa trên nguyên lý hoạt động của con lật đật, bị quăng quật trong sóng dữ. Chỉ cần một động tác bất cẩn trong tích tắc, ta có thể bị hất văng xuống biển. Sự căng thẳng lộ rõ trên từng khuôn mặt, và may mắn, nhờ sự trợ giúp của những thủy thủ chuyên nghiệp, chúng tôi đã tiếp cận được đảo chìm Len Đao trong gió mưa, sóng dữ.  

Đảo Len Đao như một pháo đài kiên cố, được xây dựng trên một dải san hô chạy dài gần 1 hải lý. Khi thủy triều rút, cả bãi cát san hô sẽ nhô lên khỏi mặt nước chừng 0,5m. Đây là một trong những điểm đảo cực kỳ trọng yếu nằm cách đảo Gạc Ma 5,5 hải lý bị Trung Quốc xâm chiếm sau trận thảm sát đẫm máu ngày 14/3/1988 giết hại 64 chiến sỹ của Việt Nam. Gạc Ma được ví như người tráng sỹ kiêu dũng ưỡn ngực, hiên ngang trước nanh vuốt của bầy thú dữ. Gạc Ma chính là tiền đồn ngăn chặn sự xâm lấn tham lam của kẻ thù hung bạo ở Vạn lý Trường Sa.

Mỗi lần ra công tác, thăm và kiểm tra ở quần đảo Trường Sa tầu chở các đoàn công tác đều dừng lại ở khu vực cụm đảo Len Đao, Gạc Ma và Cô Lin để thả những vòng hoa xuống biển, tưởng niệm những người con kiên dũng đã bỏ mình vì chủ quyền của Tổ quốc. Được nghiêng mình trước anh linh của họ giữa biển trời Trường Sa, thả những cành hoa xuống vùng biển có máu các anh hòa trong biển mặn khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy nhói lòng đau buốt. Nước mắt cứ thế tuôn rơi nhạt nhòa trên từng khuôn mặt…

Chợt thấy hai tiếng Tổ quốc sao mà gần gũi, thân thương. Tổ quốc trong tôi là căn nhà giàn kiên gan giữa mênh mông trời nước. Là người lính mình trần giữa nắng gió Trường Sa. Là điệu hát chèo bị đứt quãng bởi tiếng nấc nghẹn ngào của những người con gái giữa ngày biển động. Và Tổ quốc là thẻ hương cháy dở trên chiếc bè hoa tưởng nhớ những người con kiên dũng bỏ mình vì tấc đất thiêng liêng mà bao đời ông cha để lại…

Ngọc Minh

 

Các tin khác:
  • Nhân lên tình yêu, trách nhiệm với biển, đảo quê hương (09/07/2016-11:15)
  • Hình ảnh biển, đảo trên ấn phẩm báo chí Thanh Hóa (08/07/2016-11:36)
  • Ngư dân vẫn chủ quan trong mỗi chuyến ra khơi (05/07/2016-14:00)
  • Với biển, tôi đã đi, và vẫn muốn đi (05/07/2016-13:20)