Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Truyền thông 2022: Chuyển mình cho nỗ lực bứt phá! (02/01/2023-9:03)
    Năm 2022, bên cạnh dòng chảy sôi sục của sự kiện, bên cạnh những khó khăn của việc sắp xếp, tinh chỉnh đội ngũ và bộ máy, chưa bao giờ báo chí nhắc nhiều đến câu chuyện chuyển đổi số đến thế.

 Chuyển đổi số để bứt phá, chuyển đổi số để bắt nhịp xu thế hay chuyển đổi số để “làm mới”, khởi nhịp cho một hành trình mới với diện mạo hiện đại, sáng tạo hơn… từ đó có những sản phẩm báo chí chuyên nghiệp hơn…

Chuyển đổi số dù là trào lưu hay là một xu thế thì cũng đã và đang tạo ra một sự chuyển mình của nền báo chí nước nhà. Vòng xoáy công nghệ có lẽ chẳng bao giờ có điểm dừng. Báo chí bây giờ và trong tương lai vẫn sẽ từng ngày đối mặt với áp lực buộc mình đổi mới. Nhưng dù có ở nền tảng công nghệ nào, dù kỹ thuật làm báo có phát triển đến đâu, thì có những giá trị cốt lõi của báo chí cũng không thể mất và không được phép mất.

1. Chưa bao giờ, câu chuyện chuyển đổi số và chuyển đổi số báo chí trở nên nóng hổi và bức thiết như hiện nay. Thậm chí, có người còn tuyên bố quyết liệt: “Chuyển đổi số hay là chết?”. Các cơ quan quản lý, nghiên cứu, đào tạo báo chí truyền thông liên tục đưa câu chuyện chuyển đổi số lên các bàn tròn nghị sự. Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam không ít lần khẳng định chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Theo ông, chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới.

Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược chuyển đổi số mang tính gợi mở, gợi ý, và mỗi cơ quan báo chí sẽ triển khai theo nhu cầu tự thân của mình. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (dự thảo), được Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thực hiện, đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng TrisAI để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí.

Đồng thời tối thiểu 20% cơ quan báo chí áp dụng mô hình thu phí bạn đọc với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa, quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân; xây dựng 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực quốc gia và cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực địa phương tự xây dựng nền tảng phân phối nội dung riêng, làm chủ quyền kiểm soát và phân phối nội dung trên không gian mạng, các cơ quan báo chí lớn tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 50% tổng lưu lượng truy cập…

Hoạt động chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhờ quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được nâng lên cấp chiến lược. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã đề ra trong các nhiệm vụ trọng tâm “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

 

truyen thong 2022 chuyen minh cho no luc but pha hinh 2

 

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí”, hỗ trợ 3 nền tảng (nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí) giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số.

Chuyển đổi số hiển nhiên là việc sẽ phải làm theo quy luật của phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự có hiệu quả, thì cần phải thực hiện theo lộ trình, đồng bộ giữa các bộ phận. Vì vậy, nóng ruột và đòi thực hiện chuyển đổi số ngay không phải là một ý kiến đúng đắn.

Đối với báo chí thì nhiệm vụ chuyển đổi số là hết sức cấp bách. Tuy nhiên, trước hay sau khi chuyển đổi số thì bản thân báo chí vẫn phải thực hiện sứ mệnh của mình với công chúng. Và việc thực hiện sứ mệnh ấy đôi khi lại không phụ thuộc vào việc chuyển đổi số hay không, mà nó phụ thuộc vào nội dung của tác phẩm.

Với 851 cơ quan báo chí, gần 20.000 phóng viên, 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí, có thể nói đây là lực lượng hùng hậu của báo chí truyền thông nước nhà. Nhưng sự đổi thay trong cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội, sự lấn lướt của các nền tảng xuyên biên giới…, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang đẩy báo chí vào những sức ép chưa từng có, trong đó sức ép lớn nhất là kinh tế báo chí.

Để tồn tại và phát triển, báo chí đã, đang “buộc mình đổi mới”, nỗ lực tìm cho mình một lối thoát và lối thoát chung nhất, đang được nhiều cơ quan báo chí hướng tới ấy là chuyển đổi và “nâng cấp” chính mình, vừa để thích nghi với những nhu cầu thông tin mới vừa giữ cho mình lợi thế riêng biệt trong biển sóng cạnh tranh thông tin ngày càng dữ dội.

Lợi thế ấy là những bài viết chất lượng cao, thông tin sâu, mang chính kiến riêng của tòa soạn dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, đặt lên trên mọi suy diễn chủ quan, vượt qua những mưu đồ trục lợi của cá nhân. Nhiều tòa soạn đã đạt được thành công bước đầu với sự đổi mới này. Thậm chí, từ lợi thế ấy, đã manh nha một hướng đi mới - dù thực chất đã là xu hướng tất yếu từ lâu của báo chí thế giới- thu phí truy cập ấn bản điện tử.

2. Hành trình “buộc mình đổi mới”, tìm đến và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí hôm nay cũng chính là hành trình trở về với sứ mệnh, mục tiêu và những giá trị cốt lõi của nền báo chí cách mạng suốt gần trăm năm qua. Giá trị cốt lõi ấy, trong bối cảnh thời cuộc đất nước hiện nay, như kỳ vọng mà các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ gửi đến những người làm báo cả nước trong năm qua, là thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, dẫn dắt, định hướng thông tin; là khơi dậy khát vọng xây dựng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng của mỗi người dân đất Việt; là lan toả năng lượng tích cực, lấy cái tốt, dẹp cái xấu, để ở đâu cũng thấy, chân trời rộng mở ngay dưới chân mình…

Năm 2022, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức với mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo đã lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan báo chí, trong tự thân những người làm báo.

 

truyen thong 2022 chuyen minh cho no luc but pha hinh 3

 

Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”“động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…

Phong trào thi đua là cơ hội để các cơ quan báo chí và tự thân mỗi nhà báo lắng lại, sửa mình. Vì xét cho cùng, những người làm báo không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan lỏa những giá trị tốt đẹp đó mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi.

Do vậy, trong từng bài báo, trên mỗi chuyên mục, mỗi nhà báo cần có nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa, thắp lên ngọn lửa tri thức. Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, góp phần bồi đắp ý chí, nhuệ khí cách mạng và khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân ta.

Văn hóa của người làm báo nói một cách giản dị là hướng tới 4 chữ “TÂM SÁNG, BÚT SẮC”“Tâm sáng” là phẩm chất quan trọng hàng đầu, phản ánh cái đức của người làm báo. Chỉ khi nhà báo có tâm sáng thì mỗi tác phẩm báo chí của họ mới thật sự có ích cho xã hội. Chỉ khi có tâm sáng, bài viết của nhà báo mới bảo đảm tính trung thực, chính xác, giàu tính chiến đấu, làm tròn sứ mệnh “phò chính, trừ tà” với tinh thần xây dựng; đấu tranh với cái xấu phải luôn song hành bảo vệ cái đúng, khơi dậy điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khi nhà báo suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, khi tâm không còn sáng, sẽ vô cùng nguy hại, không chỉ cho tờ báo, mà cho cả xã hội, thậm chí còn ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Báo chí ngay từ khi ra đời đã mang trong mình sứ mệnh cao cả là thông tin, phản ánh đúng sự thật. Vì vậy, sức mạnh của báo chí trước hết là ở sự thật, nằm trong sự thật. Không thông tin, phản ánh những gì sự thật vốn có, báo chí không còn lý do để tồn tại. Khi báo chí chủ động định hướng dư luận, tạo dựng “bệ đỡ tinh thần” cho công chúng có niềm tin tích cực, đồng thuận về tư tưởng và hành động, sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tiến lên.

3. Sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là sự phát triển của mạng xã hội đã đặt các nhà báo vào thế cạnh tranh thông tin theo tốc độ bão lốc. Mạng xã hội trở thành một nơi cung cấp nguồn tin ban đầu và không ít nhà báo đã “chết chìm” trong “biển thông tin” đó. Cũng chưa bao giờ, khái niệm “quyền lực thứ tư” của báo chí được nhắc đến nhiều như lúc này. Tất cả biến thành một mê cung khiến những nhà báo ngộ nhận, thiếu bản lĩnh lạc bước trong hành trình tác nghiệp.

Và vì vậy, đây là thời điểm đòi hỏi mỗi nhà báo, người tác nghiệp báo chí ở Việt Nam phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, vai trò của mình trong xã hội. Báo chí cũng là lĩnh vực, ngành nghề; nhà báo cũng là người lao động, do đó phải chấp hành Luật Báo chí cùng những quy định khác của pháp luật khi hành nghề. Thượng tôn pháp luật là cách tốt nhất để các nhà báo thực hiện quyền tự do sáng tạo của mình.

Ở nước ta không còn “vùng cấm” trong báo chí nhưng nhà báo không được phép sống “hai mặt”, nghĩa là những gì nhà báo viết trên trang báo phải thống nhất với nhận thức, suy nghĩ, tình cảm mà nhà báo bộc lộ trên mạng xã hội hay các kênh truyền thông đại chúng khác.

 

truyen thong 2022 chuyen minh cho no luc but pha hinh 4

Ðại diện lãnh đạo các báo ký cam kết thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí.

 

Hành trình “buộc mình đổi mới” của Báo chí Việt Nam sẽ còn dài, sẽ còn không ít những thách thức, trở ngại phía trước. Và trong vòng xoáy thay đổi liên tục đó, vẫn có những giá trị bất biến đối với các cơ quan báo chí. Đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao chưa bao giờ được đặt ra bức thiết như hiện nay mà ở đó, phóng viên, toà soạn đóng vai trò trung tâm, quyết định để gây dựng lòng tin cho công chúng, bạn đọc.

Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng khi chúng ta làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình. Nó quan trọng hơn nhiều các giải thưởng báo chí mà ta gặt hái được. Mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là gợi nên một cảm xúc thẩm mỹ và nhân văn, giúp con người bớt u ám và thêm một chút lạc quan về cuộc sống... đó là sứ mệnh cao cả nhất của các bài báo.

Chính xác, công bằng và khách quan, suy cho cùng, cũng từ lương tâm của người làm báo. Tâm sáng thì được độc giả tin yêu và lòng tin cùng sự hợp tác của bạn đọc sẽ gia cường sức mạnh cho báo chí.

Nhà thơ - nhà báo Trần Đăng Khoa đã từng nhận xét: “Chỉ một bước, tác giả đã đến thẳng với bạn đọc thế giới… Bây giờ thì ở đâu cũng là “chân trời” cả. Chân trời ngay dưới chân mình. Chỉ có điều, mình có đủ sức để mà bay hay không?”.

Theo Khánh An/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/truyen-thong-2022-chuyen-minh-cho-no-luc-but-pha-post229086.html

 

Các tin khác:
  • Làm truyền hình dịp Tết: Vất vả một, niềm vui mười... (02/01/2023-8:48)
  • Chuyển đổi số báo chí: Chẳng nên vì khó mà đứng ngoài cuộc! (02/01/2023-8:40)
  • Sứ mệnh cao cả của báo chí còn là nỗ lực hướng đến tính nhân văn (31/12/2022-9:06)
  • Báo chí và công chúng: Niềm tin tạo nên sức mạnh (28/12/2022-15:55)
  • Ra mắt cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng (28/12/2022-15:50)
  • Người làm báo đồng hành cùng người dân vượt qua thử thách thiên tai năm 2022 (27/12/2022-13:08)
  • Năm 2023, công chức – viên chức được nghỉ lễ, Tết khoảng 19 ngày (27/12/2022-9:42)
  • 110 tác phẩm được xét chọn vào chung khảo Giải Búa liềm vàng lần thứ VII (27/12/2022-9:38)
  • Phát động Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch" (27/12/2022-9:31)
  • Xây dựng môi trường văn hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển cơ quan báo chí và tổ chức hội các cấp (26/12/2022-9:13)