Những con đường không tắc quá nhiều về mặt cơ học, nhưng lại đang rất tắc về mặt ý thức của những người tham gia giao thông trên con đường ấy.
Giao thông đường bộ ở Việt Nam chịu sự áp dụng chung của một thứ pháp luật, đó là Luật An toàn giao thông đường bộ. Mới đây Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông thay thế cho các nghị định trước đó đã quy định khá chi tiết những hành vi bị cấm, nhưng có vẻ như nhiều người tham gia giao thông vẫn không hề biết đến hoặc biết nhưng vẫn cho mình cái quyền ứng xử theo thứ luật riêng, đó là vượt xe ở bất cứ chỗ nào có thể và đậu đỗ xe ở cả những chỗ không có thể.
Những chiếc biển báo đường cấm, cầu yếu, cấm rẽ, cấm vượt, không dùng còi… gần như chẳng mấy tác dụng với nhiều lái xe.
Người tham gia giao thông đang đi theo thói quen, và còn thói quen khác, đó là khi bị dừng phương tiện để xử lý vi phạm việc thường thấy là họ gây áp lực với lực lượng chức năng hoặc sử dụng các mối quan hệ có thể để được bỏ qua.
Vì sao nhiều người tham gia giao thông cứ tự làm phiền mình bởi chính sự ứng xử tùy tiện và hành vi thiếu tôn trọng pháp luật của mình. Trong nhiều trường hợp họ cũng chấp nhận tự hạ thấp mình mà lẽ ra họ không đáng phải thế?
Chúng ta đã nói nhiều, đề cập nhiều đến văn hóa giao thông. Chúng ta cũng đã có pháp luật mạnh trong lĩnh vực này, nhưng tình trang vi phạm giao thông vẫn không giảm, nhất là vào mỗi dịp tết, lễ hội mùa xuân. Điều đó được lý giải bởi sự thiếu tự trọng đến mức trầm trọng của nhiều lái xe. Đằng sau tay lái là cuộc sống là thông điệp mà Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đưa ra để nhắc nhở, cảnh báo lái xe khi lưu thông trên đường. Nhưng cuộc sống ấy đang bị nhiều lái xe vô cảm để phục vụ những lợi ích riêng mình. Lái xe tải thì chạy nhanh để dôi dư nhiên liệu, lái xe khách, lái xe taxi thì vượt ẩu để giành khách, một số lái xe khác thì phóng nhanh, vượt ẩu cốt thể hiện đẳng cấp tay lái của mình.
Chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường không chỉ là sự thượng tôn pháp luật, còn là sự tôn trọng chính mình. Thay cho tham gia giao thông bằng thói quen tùy tiện, sự bất chấp để thể hiện cái tôi của người cầm lái, chúng ta nên đi đường bằng lòng tự trọng để bớt đi những con đường ồn ào, ùn ứ và đau khổ. Đó là sự cần thiết để văn hóa giao thông đi vào thực chất cuộc sống chứ không còn là sự hô hào.
Anh Vũ