Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Ngõ nhỏ, phố nhỏ… (08/04/2017-20:08)
    (NLBTH) - “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó”… Những ca từ đằm thắm, nghe đã lâu, và giờ, đi qua những ngõ nhỏ nơi thành phố quê mình, tôi lại lẩm nhẩm.

Người dân phố 2, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa phải sinh hoạt trong nhà văn hóa chặt hẹp.

Những ngõ nhỏ chỉ đúng phần nào theo nghĩa đen, không còn sự sâu lắng như những gì nhạc sỹ Lê Vinh đã chuyển tải vào bài hát

Mấy năm trước thành phố Thanh Hóa có chủ trương phủ kín nhà văn hóa ở tất cả các phố. Thành phố hỗ trợ kinh phí và có cơ chế đổi đất để các phố xây dựng thiết chế văn hóa này.

Một chủ trương không tồi, và đã có hàng trăm nhà văn hóa phố được xây dựng trong mấy năm qua. Một thành phố năng động và đổi mới, sự hiện đại với nhiều khu mua sắm, giải trí thật đáng mặt.

Thế nhưng, những khu thương mại, điểm vui chơi ồn ã ấy cơ bản chỉ phù hợp với những người có thu nhập cao và giới trẻ. Có gì đấy vẫn xa lạ với đối tượng dân cư còn lại. Họ sẽ phải sinh hoạt ở mái nhà nào, điểm đến nào? Câu trả lời chỉ có thể là nhà văn hóa cộng đồng. Mấy trăm nhà văn hóa phố được gấp rút xây trong mấy năm qua, cái rộng cũng khá rộng, nhưng cái nhỏ lại quá nhỏ. Cái rộng thì nhiều phố vận dụng vào việc bán bia, kinh doanh nhiều thứ khác từng gây ầm ĩ cách đây vài năm. Còn cái bé thì sẽ phát huy công năng như thế nào trước những yêu cầu lớn của khu dân cư với những cuộc họp, kỷ niệm của biết bao đoàn thể, tổ chức, còn hát múa, dưỡng sinh cho các cụ già? 

Mấy trăm nhà văn hóa phố thật đáng nể trong báo cáo, nhưng phát huy công năng đến đâu, vẫn là câu hỏi

Tôi là người thích phong trào nên thường đến nhà văn hóa phố vào mỗi dịp lễ, tết. Nhưng con đường đến nhà văn hóa phố Bắc, phường Đông Thọ mà tôi đang sinh sống phải đi qua đường sắt để ra bãi tha ma, khiến cũng rờn rợn, nhất là về đêm. Nhưng không thể khác được, cả khu dân cư đến được, lẽ nào mình không đến. Muốn hòa vào cộng đồng phải gạt bỏ đi sự sợ hãi.

Câu chuyện đất đai ở phố phường là vậy. Khi mà ở nhiều con phố tấc đất đang quý như tấc vàng, và nhận thức về khai thác, phát huy tác dụng quỹ đất của nhiều người trong bộ máy quản lý đô thị vẫn còn những quan điểm khác nhau, thì có nhà văn hóa để đến sinh hoạt đã là may mắn. Dẫu biết là vậy, nhưng đúng là khó để mà chấp nhận cái sự may mắn ấy, khi mà ở diễn đàn nào việc xây dựng đời sóng văn hóa cũng được đề cao.

Một môi trường văn hóa lành mạnh và đích thực khó để mà sống khỏe, phát huy sự sáng tạo của người dân trong căn nhà chật hẹp nơi ngõ nhỏ.

Tôi thường ghé qua chợ Điện Biên nên biết đến một thiết chế văn hóa chặt hẹp tút hút trong ngõ sâu sau chợ, đó là Nhà văn hóa phố Điện Biên 1. Nó khiêm tốn, cách biệt và xa lạ với sự sầm uất của phố thị bên ngoài.

Những thiết chế văn hóa như thế, ở thành phố này không phải là ít. Nhưng dù sao nó cũng là một sự cố gắng lắm rồi. Để được sinh hoạt văn hóa, người dân ở đây có lẽ cũng đã tạm hài lòng.

Thế nhưng, khi mà thành phố vẫn còn biết bao khu đất vàng bị bỏ hoang trong những dự án treo, những khu đất khác đang được dùng vào mục đích phi văn hóa, thì những thiết chế văn hóa khiêm tốn như thế, khiến không khỏi buồn lòng.

Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, đã được đưa vào nghị quyết của Đảng, nhưng xem ra sự đối đãi với văn hóa vẫn là một sự nao lòng. Người dân đô thị có lẽ vẫn đang mơ đến giấc mơ về một nhà văn hóa đúng nghĩa.

Hạnh Nhiên

 

 

 

Các tin khác:
  • Sức “đề kháng” văn hóa! (03/04/2017-10:44)
  • Hiểu biết để sống (31/03/2017-8:42)
  • Lối sống và lòng tự trọng (27/03/2017-14:34)
  • Tắt đèn để bật sáng tương lai (26/03/2017-19:40)
  • Cần thay đổi tư duy “ngắt ngọn” (24/03/2017-7:35)
  • Trả lại vỉa hè cho người đi bộ (23/03/2017-7:58)
  • Mệnh lệnh đấu tranh với “cát tặc” (21/03/2017-15:15)
  • Cẩn trọng với bàn phím (20/03/2017-8:39)
  • Rượu và quyền của người tiêu dùng (16/03/2017-22:44)
  • Con người, súc vật và pháp luật (14/03/2017-8:23)