Phóng viên Nguyễn Hường (giữa) cùng các đồng nghiệp tại đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang
Đó là những ngày cuối năm 2016, phóng viên Đài PT&TH Thanh Hóa đã đặt chân những hòn đảo phía Tây Nam của Tổ Quốc. Một chặng hành trình dài với biết bao cảm xúc. Và hơn hết là chúng tôi đã cảm nhận đầy đủ hương vị của cái Tết của những người lính đảo.
Đúng 10h đêm, đoàn cán bộ, chiến sỹ tư lệnh vùng 5 Hải quân; đại diện lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cùng các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí trong cả nước đã có mặt tại bãi Vòng Phú Quốc để chuẩn bị cho hành trình đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Vượt qua một chặng hành trình dài, cả những điều kiện thời tiết bất thuận phải dùng cả thuyền nhỏ và ghe, chúng tôi đã đến được với Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Và để lên đến trạm ra đa Hòn Khoai trên độ cao 380m so với mực nước biển, chúng tôi phải dùng đến cả phương tiện dã chiến là chiếc xe cũ của đơn vị trạm Ra đa Hòn Khoai.
Ngoài gạo tẻ, gạo nếp, hàng hóa chủ lực trong dịp này tàu chở ra cho các đơn vị đóng trên các đảo đón Xuân là bánh, mứt, kẹo các loại. Song cán bộ, chiến sĩ hải quân, Biên phòng ở đây mong ngóng nhất lại chính là báo Tết của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương gửi tặng. Nên ở đơn vị nào cũng vậy, khi hàng hóa được tập kết đầy đủ, món quà Tết đầu tiên mà cán bộ, chiến sĩ dùng làm "tiệc tất niên" là những tờ báo được anh em chuyền tay nhau đọc một cách say sưa thích thú.
Và đặc biệt, những câu hát của một nữ nghệ sỹ của đoàn Cải Lương Tây Đô đã khiến những chiến sỹ nơi đây thêm ấm lòng như đang có cả người thân và hậu phương cùng đón xuân mới nơi khơi xa. Thiếu úy Nguyễn Đình Phúc, Trạm phó trạm ra đa Hòn Khoai tâm sự: lâu lắm rồi mới thấy phóng viên của tỉnh Thanh Hóa ra thăm các đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc. Còn Trung tá Đỗ Đình Thành, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng hòn Khoai khi biết nhóm phóng viên chúng tôi là người cùng quê thì vui mừng khôn xiết, có lẽ với các anh chỉ cần nghe giọng nói và những tâm tư từ phía hậu phương đất liền trong những ngày giáp Tết là đã thấy ấm lòng hơn rất nhiều.
Chia tay các anh, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với các hòn đảo khác, vẫn mang theo một niềm tin ấm áp, họ vẫn luôn chắc tay súng, canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi đối với họ, tình yêu Tổ quốc đã hòa quyện với tình yêu gia đình và người thân.
Tết nơi đảo xa có khác gì so với đất liền? Đó là câu hỏi thường trực của nhóm phóng viên chúng tôi khi đi tác nghiệp trong suốt chặng hành trình. Và chúng tôi đã có câu trả lời, Tết ở đảo xa thật gần, thật giống với đất liền, nhưng vẫn mang những nét riêng biệt.
Đặt chân lên đảo Hòn Chuối, phóng viên chúng tôi đã được nghe một câu chuyện ấm tình quân dân vào những ngày giáp Tết. Tàu cá của 9 ngư dân ở Bình Thuận gặp nạn khu vực đảo Hòn Chuối và đã được chính người dân ở đây cùng các lực lượng hải quân vùng 5 cứu giúp. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Bao gạo nghĩa tình nhận được khi hoạn nạn khiến cái Tết của những ngư dân càng thêm ấm lòng.Ở Hòn Chuối quân với dân là một. Vượt qua đoạn đường dốc vài cây số, mỗi khi có dịp lễ tết, hơn 50 hộ dân ở Hòn Chuối lại lên chung vui cùng các chiến sỹ trên đảo. Những bữa cơm cuối năm đông đủ mọi người đều có bàn tay thu vén của các chị em trên đảo Hòn Chuối.Vị trí trang trọng nhất của đơn vị đã được các chiến sỹ trang trí thật đầy đủ, ấm cúng. Mai vàng. Bánh chưng xanh. Mâm ngũ quả. Một nén hương kính cẩn tưởng nhớ Bác Hồ. Giây phút ấy, với họ nghĩa là Tết đã về.
Trong hành trình đến thăm các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc, phóng viên chúng tôi đã gặp rất nhiều người con quê ở Thanh Hóa. Tuy ở nhiều cương vị công tác khác nhau nhưng ở họ đều có một điểm chung cần cù lao động, nỗ lực trách nhiệm và tận tụy với công việc, đóng góp xứng đáng vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Hơn 20 năm công tác tại các đảo Tây Nam Tổ quốc và năm nay anh Bùi Văn Ba quê xã Hoằng Thanh huyện Hoằng Hóa ăn Tết tại đơn vị Trạm ra đa 600 đóng ở quần đảo Nam Du. Gặp phóng viên chúng tôi là người cùng quê, anh Ba vui lắm. Anh say sưa kể về ước mơ được làm người lính hải quân của mình ngay từ còn nhỏ và cả những buồn vui trong năm tháng đóng quân tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Tại đảo Thổ Chu - hòn đảo tiền tiêu, cách đất liền khoảng 56 hải lý, chúng tôi đã gặp Đại úy Bùi Khắc Hoàn, quê huyện Tĩnh Gia, chính trị viên, cụm chiến đấu 3, trung đoàn 152. Chúng tôi đã về thăm tổ ấm của anh ngay tại Đảo. Có vợ là người cùng quê, hai anh chị đã lập nghiệp tại đảo Thổ Chu hơn 10 năm. Chị là cô giáo dạy Lịch sử tại trường THCS Thổ Châu. Trong căn nhà công vụ cấp 4 đơn sơ nơi đảo xa này, tổ ấm luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Tết đến xuân về càng gợi nhắc về những tình cảm thiêng liêng với quê nhà trong lòng những người con xa xứ.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, khó khăn và thiếu thốn, nhưng với tâm niệm đảo là nhà, biển cả là quê hương; tất cả cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quê Thanh Hóa vẫn đang ngày đêm kiên cường bám trụ, hăng say lao động, vững vàng tay súng canh giữ, bảo vệ từng tấc đất, hải lý của vùng biển đảo quê hương. Được gặp họ giữa biển trời Tây Nam Tổ Quốc, chúng tôi càng thêm xúc động, tự hào bởi họ đã làm đẹp thêm hình ảnh người Thanh Hóa giữa thời bình.
Một hành trình đặt tại các đảo Tây Nam của Tổ quốc tuy chưa dài nhưng cũng đã đủ để những nhà báo trẻ như chúng tôi cảm nhận thế nào là sự khắc nghiệt và khó khăn trong cuộc sống của người lính đảo. Nhưng chúng tôi cũng đã hiểu thế nào là sự lạc quan, là tinh thần thép của những chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió. Nụ cười rạng rõ bên ánh mai vàng khi xuân sang của các anh khiến chúng tôi thêm vững tin vững lòng, bên cạnh các anh luôn có hậu phương nồng ấm, để các anh có thêm nghị lực hoàn thành nhiệm vụ canh gác, bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Xin cảm ơn cuộc hành trình đầy ý nghĩa. Và cảm ơn tất cả những chiến sỹ trên tàu HQ 637- con tàu mà tất cả phóng viên, nhà báo chúng tôi đã gọi trìu mến là con tàu chở xuân ra đảo xa.
Nguyễn Hường