Lễ hội Chá Chiêng của người Thái, xã Trung Hạ (Quan Sơn).
Xã Trung Hạ có 860 hộ dân, với 4.100 khẩu, cộng đồng người Thái chiếm hơn 95%. Hàng năm vào dịp đầu xuân khi cây mạ đã xanh, bén rễ, hoa ban đơm nở, cộng đồng người Thái, xã Trung Hạ lại tổ chức Lễ hội Chá Chiêng. Ông Mo (thầy Mo), người có uy tín trong cộng đồng và am hiểu các phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc đứng ra tổ chức các nghi lễ trong Lễ hội Chá Chiêng. Không gian của lễ hội được diễn ra trong ngôi nhà sàn của cộng đồng hoặc nhà ông Mo và được trang trí rực rỡ bằng các loại vải thổ cẩm. Chính giữa ngôi nhà sàn đặt một cây hoa, được làm bằng cây tre, đục nhiều lỗ để cắm những cành hoa nhuộm đủ màu sắc với các hình hài ếch, nhái, cá, chim... tượng trưng sự sinh sôi, nảy nở trên trần gian. Trong không gian ngôi nhà sàn, nơi linh thiêng nhất được đặt mâm cỗ, với các món ăn đặc sản, truyền thống của chủ tế là 8 bà Môột (người chữa bệnh cho các con nuôi) cùng các con nuôi là Lục mày góp, soạn mâm mang đến. Mâm cỗ này để cúng tổ tiên che chở cho con cháu, sau đó là mời các thần linh ban cho mưa thuận, gió hòa, sức khỏe, may mắn, mùa màng tươi tốt cho cộng đồng.
Trong phần diễn xướng (nhặt hoa), các bà Môột tay cầm quạt, đi quanh cây chá, cầm từng cành hoa của từng đứa con nuôi hát, nhắc nhở về cách cư xử, khuyên răn đạo đức, ca ngợi cuộc sống yêu thương, tình nghĩa. Có thể coi đây là những bài học, những buổi lên lớp thấm thía đối với tất cả mọi người. Ngoài ra, Lễ hội Chá Chiêng còn có lễ cầu mưa. Người Thái xin với trời mưa thuận, gió hòa để cho cây lúa lên xanh, cây trồng được đâm chồi, nảy lộc. Lễ cầu mưa có 20 nam nữ trong bản, vừa đi vừa hát bài “xin mưa”.
Không gian Lễ hội Chá Chiêng còn lan tỏa ra bên ngoài sân nhà sàn, nơi diễn ra nhiều trò chơi cùng lúc hòa nhịp với lời của thầy mo. Các bà Môột mời mọi người mường trên, bản dưới uống rượu cần và múa Chá Chiêng. Uống rượu cần đang vui thì bà bắt đầu hát khặp có đệm trống chiêng, khua luống nhịp nhàng vui nhộn. Các cô gái múa khăn, còn các thanh niên thì múa kiếm làm các động tác chém, chặt, xẻo thịt, thể hiện sức mạnh của con người trước ma quỷ. Sau những phần diễn trên là phần hát nhặt hoa, chống nhà, trò phát quang bờ bụi, trò người què, người lành..., già trẻ, gái trai cùng nhau nhảy múa Chá Chiêng làm vui bản, vui mường, chúc nhau một năm mới ai cũng khỏe mạnh để xây dựng bản mường của ta ngày càng đẹp hơn.
Không gian Lễ hội Chá Chiêng chỉ diễn ra trong phạm vi 1 ngôi nhà sàn nhưng lại trở thành ngày hội văn hóa của cộng đồng. Tuy được duy trì tổ chức hàng năm, nhưng kinh phí chủ yếu do nhân dân tự nguyện đóng góp. Thiết nghĩ, để công tác bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái nói chung, Lễ hội Chá Chiêng nói riêng, tỉnh và huyện cần hỗ trợ kinh phí cho chính quyền và nhân dân địa phương.
Theo Trần Thanh/Báo Thanh Hóa điện tử