Phóng viên Đài PT – TH Tiền Giang tác nghiệp tại Nhà giàn DK1
Nhờ vậy trong nhiều năm qua, lực lượng báo chí Tiền Giang chưa có trường hợp sai phạm nào về vấn đề đạo đức của người làm báo. Trong thành tích đó, vai trò của Thường trực Hội trong việc rèn luyện đạo đức của người làm báo là yếu tố vô cùng quan trọng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Văn Phước Cường – UVBCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang cho rằng: cùng với nhiều người làm báo trong cả nước, những nhà báo của Tiền Giang đã và đang hằng ngày, hằng giờ thâm nhập vào thực tiễn cuộc sống sôi động, vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống đời thường để có những tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn, mang đầy hơi thở cuộc sống… Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo trên toàn quốc thời gian qua đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng về nghiệp vụ, về đạo đức khiến dư luận bất bình, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của giới báo chí. Đây là việc vi phạm nghiêm trọng đạo đức người làm báo cần phải nhanh chóng được khắc phục.
Chủ tịch HNB Tiền Giang Nguyễn Văn Phước Cường cho biết, cũng chính từ những thách thức ấy, nhìn lại vai trò của Thường trực Hội trong việc rèn luyện đạo đức của người làm báo mới thấy trọng trách to lớn và nặng nề của Hội Nhà báo đối với hoạt động báo chí tại địa phương.
Vì vậy, để làm tốt chức năng và trọng trách của mình góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên, thời gian qua, Thường trực và Ban Chấp hành HNB tỉnh Tiền Giang đã chủ động phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí đề ra các kế hoạch bồi dưỡng thường kỳ cho các phóng viên, hội viên như: Tổ chức và tham gia đầy đủ việc học tập chính trị, nghiên cứu quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ do T.Ư Hội phối hợp tổ chức nhằm từng bước nâng cao tay nghề cho từng phóng viên, hội viên, thì việc sinh hoạt chuyên đề về đạo đức và lối sống của người làm báo trong các cơ quan báo chí cũng được quan tâm, lồng ghép vào các cuộc họp giao ban, họp công đoàn và sinh hoạt tại các chi bộ cơ quan.
Từng Chi hội và Liên Chi hội cũng phát động nhiều đợt sinh hoạt chuyên đề về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và quan điểm về báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, về Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, quán triệt thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 của BCH T.Ư Đảng khóa XII, do Hội Nhà báo Việt Nam phát động; tổ chức các buổi tọa đàm về đạo đức của người làm báo; phát động đăng ký thi đua và chấm điểm, xét thi đua vào mỗi quý, tháng, 6 tháng và thi đua cả năm.
Từ những buổi sinh hoạt lồng ghép này, Lãnh đạo các cơ quan báo chí đã kịp thời uốn nắn, sửa chữa các biểu hiện tiêu cực nếu có trong đội ngũ phóng viên. Nhờ vậy trong nhiều năm qua, lực lượng báo chí Tiền Giang chưa có trường hợp sai phạm nào về vấn đề đạo đức của người làm báo. Đây là điều phấn khởi cần phải phấn đấu giữ gìn!
Bên cạnh đó, Thường trực Hội cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh và Sở thông tin – Truyền thông tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên đề về vấn đề đạo đức của người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin, về học tập và làm theo Bác, về người làm báo trong thời hội nhập; tọa đàm về chủ đề “Báo chí trong đấu tranh chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa”… trong giới báo chí ở địa phương, trong đó có việc phối hợp với Cụm thi đua 6 tỉnh Bắc sông Hậu tổ chức hội thảo liên tỉnh về các chủ đề này. Qua việc triển khai tổ chức Hội thảo về các vấn đề liên quan đến đạo đức báo chí để mong tìm ra một tiếng nói chung hay nói cách khác là một sự đồng thuận về mặt đạo đức nghề nghiệp của nhà báo khi tác nghiệp trong bối cảnh sự phát triển ngày càng lớn mạnh của kỷ nguyên truyền thông số.
“Qua các đợt sinh hoạt chuyên đề, lãnh đạo các cơ quan báo chí trong tỉnh cũng đã động viên và nhắc nhở các phóng viên, hội viên của mình rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá từ những sai phạm của các đồng nghiệp để từng bước rèn luyện, trao dồi đạo đức, lối sống cho chính bản thân mình trong bước đường tác nghiệp để từ đó nhận thức đúng đắn về cái hay, cái đẹp cũng như sự vinh quang của người làm báo chân chính. Dùng ngòi bút để điểm tô cho sự phồn vinh của xã hội và sự lớn mạnh của nền báo chí nước nhà. Đó là trọng trách to lớn của những người làm báo chân chính và cũng là đạo đức của người làm công tác báo chí”, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang – Nguyễn Văn Phước Cường bày tỏ niềm vui và sự tin tưởng…
Theo Ngọc Lành/Báo Nhà báo và Công luận