Hình ảnh rồng giống "Pikachu" ở T.P Hải Phòng
Nhiều người muốn thể hiện sức mạnh, nhưng lại thiếu nhận thức, những yêu cầu khắt khe về mỹ thuật đã khiến họ phải trả giá. Con rồng lai căng chềnh ềnh giữa thành phố Cảng những ngày áp tết Đinh Dậu 2017 đã bị “ném đá” tơi bời, phải tháo dỡ, tốn không ít tiền bạc, và dư âm thì còn mãi.
Rồng là linh vật huyền thoại, được dùng để thể hiện sức mạnh và quyền uy, thường gắn với bậc đế vương xưa. Ở mỗi triều đại con rồng được thể hiện khác nhau về hoa văn, nhưng đều bám vào hình ảnh chung đại diện. Người ta không thể tùy tiện sử dụng tượng rồng, tranh rồng vào công việc bình thường, gắn với những người bình thường, dù hình ảnh con rồng mạnh mẽ và đẹp đẽ gần như ai cũng muốn.
Bây giờ thì còn rồng được cách điệu một cách tùy tiện xuất hiện ở nhiều nơi, trên trang phục, đồ gia dụng, đồ thờ cúng... Có tiền người ta có thể mua rồng tiến cúng tổ tiên, đặt để... “trông nhà”. Rồng ở mộ, ở từ đường bây giờ nhiều vô kể. Nếu xét ở góc độ đại diện, thì cứ nhìn vào tượng rồng ở mộ, nhiều người dễ nghĩ đó là mộ vua, chúa, công hầu.
Những con “rồng” liệu có thực sự là rồng, đại diện cho sức mạnh?
Sự tùy tiện đến mức bát nháo đang thể hiện dễ dãi trong nhận thức, một khoảng trống mỹ thuật sâu thẳm.
Đành rằng mỗi giai đoạn lịch sử đều sáng tạo ra những con rồng gắn với thức kiến trúc thời đại, nhưng không thể biến rồng thành “Pikachu”.
Có lần về quê họp bàn trùng tu đình làng, cuộc họp ngoài bàn việc đóng góp công của, nóng bỏng không kém là bàn về kiến trúc, mỹ thuật của ngôi đình. Mỗi người một ý, mỗi người hiến một hình ảnh rồng vào bậc tam cấp đình làng. Khi về dự hưng công chúng tôi không thể nhịn được cười với đôi rồng béo ú như cặp cá trê lai trước cửa đình vô cảm nhìn khách.
Mỹ thuật cần sự sáng tạo, nhưng phải có tính kế thừa. Một đất nước muốn phát triển phải dựa trên nền tảng văn hóa, trong đó có kiến trúc, mỹ thuật, nhưng kiến trúc, mỹ thuật phải có bẳn sắc, không thể tùy tiện lai căng.
Tôi không thể quên những di tích mới trùng tu mà tôi đến, trông giống như người đội khăn xếp, đi guốc mộc lại mặc com lê, quần tây, ngồ ngộ gây cười. Những công trình văn hóa thể hiện khát vọng sức mạnh của cư dân, sự phô diễn hiểu biết nửa mùa của những... kiến trúc sư làng.
Chuyện tôn tạo, trùng tu di tích đã được nói nhiều, câu thúc trách nhiệm của cơ quan quản lý về di sản văn hóa. Họ có quyền cấp phép, thẩm định, giám sát, thậm chí xử phạt, yêu cầu tháo dỡ... nhưng dường như những công trình kiểu như “rồng pikachu” lại đang xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Một khát vọng sức mạnh tùy tiện làm xấu đi hình ảnh văn hóa đất nước.
Lam Vũ