Thứ bảy, ngày 12/07/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương (12/10/2017-8:15)
    Ngày 11/10, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tại các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh kiểm tra tình hình
mưa lũ tại huyện Thường Xuân.

Cùng đi có đồng chí Lại Thế Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, lãnh đạo các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân. 

Tại huyện Thường Xuân, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên từ đêm 9-10 đến trưa ngày 11-10, trên địa bàn huyện đã có mưa to đến rất to khiến mực nước các sông dâng cao, gây ngập lụt và chia cắt cục bộ tại nhiều tuyến giao thông chính, gây thiệt hại nặng nề. Trong đó, toàn bộ cây trồng vụ đông bị ngập úng, các tuyến cầu Cửa Đạt, đường quốc lộ 47, tỉnh lộ 519, 519B bị chia cắt, sạt lở; một số cầu tràn, cầu treo trên địa bàn huyện bị hư hỏng. Có 3 người bị chết, 4 người bị thương, 2 người bị mất tích. Mưa lớn cũng khiến 1.825 hộ bị cô lập, 3 nhà bị cuốn trôi, 9 nhà đổ, 1.213 nhà ngập nước; 46 nhà bị đất đá sạt vào.


    
Mưa lớn khiến cho nhiều hộ dân xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) bị cô lập.

Trước tình hình trên, huyện Thường Xuân đã huy động các lực lượng, phương tiện tiến hành di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập lụt. Tuy nhiên, do mưa lớn diễn ra liên tục, tuyến Quốc lộ 47 từ thị trấn huyện Thường Xuân đi xã Bát Mọt đoạn qua xã Ngọc Phụng bị ngập sâu, có điểm lên tới 2m, nên hiện vẫn còn hơn 200 hộ dân ở các thôn  Hưng Long, Xuân Thắng, Hòa Lâm của xã Ngọc Phụng bị cô lập. Điều đáng lo ngại là trong lúc thời tiết phức tạp nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa thấy mức độ nguy hiểm mà cố tình bám trụ tại nhà, không chịu di dời. 


Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và đoàn công tác trực tiếp
xuống các hộ dân bị cô lập ở xã Ngọc Phụng.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trường Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Trọng Hưng cùng đoàn công tác đã trực tiếp mang lương thực vào từng hộ dân, thăm hỏi, động viên các hộ cố gắng khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động cùng chính quyền địa phương di dời tài sản, phương tiện đến những nơi an toàn. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng yêu cầu chính quyền huyện Thường Xuân trong lúc này mục tiêu cao nhất là phải tập trung cứu người; sơ tán mọi người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng sâu trũng; trong đó ưu tiên người già, trẻ em. Với phương châm sơ tán các hộ từ vùng ngập lụt vào ở xen kẽ với các hộ dân không bị ngập, phát huy tinh thần cộng đồng, tương trợ lẫn nhau trong nhân dân.


Các lực lượng tích cực sơ tán dân.

Cùng với việc sơ tán người, cũng cần tập trung sơ tán tài sản, vật dụng sản xuất đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Có phương án đảm bảo an toàn điện lưới, tránh các trường hợp tai nạn đuối nước, điện giật có thể xảy ra. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, nước uống và các nhu cầu thiết yếu cho người dân. Ngay sau khi nước rút, phải nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong các ngày từ 9-10 đến nay trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã có mưa lớn trên diện rộng, gây ngập úng cục bộ, hiện có hàng nghìn hộ dân bị cô lập (trước đó huyện đã di dời 2.321 hộ); 4.100 ha hoa màu vụ đông bị ngập úng;  211 ha ao, hồ nuôi trông thủy sản bị ngập; tuyến đê Cầu Chày xã Xuân Tín sạt lở dài 15m; tuyến đê sông Chu thuộc địa bàn xã Thọ Lập sạt lở dài 25m…


Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh kiểm tra tình hình mưa
lũ tại huyện Thọ Xuân.

Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lũ của huyện Thọ Xuân; đồng thời đề nghị huyện chỉ đạo tất cả các xã thuộc lưu vực các sông trên địa bàn nhanh chóng triển khai phương án di dân lòng sông, tổ chức di dời tài sản, gia súc gia cầm về nơi tránh trú an toàn, trong đó đặc biệt bảo vệ an toàn cho người dân, không để một trường hợp nào bị đuối nước. Cấp ủy, chính quyền tập trung đảm bảo an toàn các tuyến đê, cũng như tài sản cho nhân dân; có phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nước uống và các nhu cầu thiết yếu cho người dân. Khi nước rút, phải nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.                             

http://baothanhhoa.vn/files/images/normal/59ddf439_1507718201.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
chỉ đạo công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Lang Chánh.
 

* Sáng 11/10, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã đi chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Lang Chánh. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân Sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Theo báo cáo nhanh của huyện Lang Chánh, áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa to đến rất to khiến mực nước tại tất cả sông, suối trên địa bàn dâng cao, nước chảy xiết. Trong ngày hôm qua và buổi sáng ngày hôm nay, toàn bộ các tuyến giao thông chính đến trung tâm các xã, thôn bản bị chia cắt. Mưa lớn và nước lũ đã làm nhiều nhà dân bị ngập trong nước, 2 nhà dân bị lũ cuốn trôi, 9 nhà bị sập, hư hỏng do sạt lở đất đá. Mưa lũ đã làm sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông, gây hư hỏng nhiều công trình công cộng khác, tổng thiệt hại ước tính trên 3 tỷ đồng. Đến sáng nay (11-10), huyện Lang Chánh đã tổ chức di dời 68 hộ dân với 317 nhân khẩu cùng tài sản ra khỏi vùng nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vào lúc 18h45 phút ngày 10-10, có 2 cán bộ thuộc đồn biên phòng Yên Khương đi trên xe ô tô biển kiểm soát 36B - 1156 trên đường làm nhiệm vụ trở về đồn, qua đập tràn bản Bôn, xã Yên Khương bị nước lũ cuốn trôi. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ đội biên phòng tỉnh đã điều động 60 cán bộ chiến sỹ, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh điều động 10 cán bộ chiến sỹ cùng công an huyện Lang Chánh phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân nỗ lực tìm kiếm. Đến sáng 11-10, lực lượng tìm kiếm chia thành 5 tổ, tìm kiếm dọc theo 10km bờ suối, tuy nhiên do nước lớn lại liên tục mưa to nên công tác tìm kiếm chưa có kết quả.
 

https://scontent.fhan3-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/22365333_1119154268219107_741454747240654124_n.jpg?oh=42136110b56840c143331debd855fab4&oe=5A768A24
Lực lượng Bộ đội Biên phòng báo cáo công tác triển khai phương án ứng phó với mưa lũ.

Làm việc với lãnh đạo huyện Lang Chánh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền thông tin: Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa lớn, do đó, huyện Lang Chánh cần tập trung triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ. Huyện cần rà soát lại các hộ sống trong vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc sơ tán người và tài sản, bảo đảm an toàn cho nhân dân và hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra; cử thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện xuống địa bàn được phân công phụ trách chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai phương án ứng phó với mưa lũ; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo ngành giáo dục thông báo cho học sinh nghỉ học; các xã cử lực lượng canh gác tại các điểm giao thông bị ngập và chỉ cho các phương tiện đi qua khi bảo đảm an toàn; tuyên truyền, khuyến cáo người dân không vớt củi, gỗ và đánh bắt cá khi nước sông, suối lên cao, tránh xảy ra thiệt hại về người.

Về công tác tìm kiếm cứu hộ 2 cán bộ Bộ đội biên phòng bị mất tích, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Bộ đội biên phòng tỉnh làm đầu mối chỉ huy thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Trước mắt, chỉ huy động lực lượng trong tỉnh tham gia tìm kiếm cứu nạn. Do hiện tại vẫn có mưa lớn, mực nước tại các sông suối lên cao nên việc tìm kiếm được thực hiện 2 bên bờ sông, suối. Việc tìm kiếm phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng và người dân tham gia tìm kiếm, do đó cần trang bị các phương tiện bảo đảm an toàn cho các lực cứu hộ, chủ động chuẩn bị hậu cần cho lực lượng tham gia tìm kiếm theo phương châm, lực lượng của đơn vị nào, đơn vị đó bảo đảm. Việc tìm kiếm ở khu vực lòng suối chỉ thực hiện khi nước rút và phải bảo đảm an toàn.

 

http://baothanhhoa.vn/files/images/normal/59ddd96c_1507711340.jpg
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình khắc
phục mưa lũ tại xã Thọ Trường (Thọ Xuân).

Sáng 11/10 đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh đã đến kiểm tra, khẩn trương chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục các sự cố do mưa lũ tại huyện Thọ Xuân.

Đến kiểm tra đoạn đê bị sạt trên bờ tả sông Chu thuộc địa phận xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân và một số điểm sụt lún dọc tuyến đê, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Văn Tuấn đã chỉ đạo huyện Thọ Xuân tăng cường cán bộ, nhân lực và phương tiện theo tinh thần 4 tại chỗ để xử lý các tình huống theo đúng quy định. Tại các vị trí bị sạt, lực lượng dân quân tự vệ và các đơn vị quân đội trên địa bàn huyện cần tiếp tục thả rọ đá hộ chân đê với khối lượng bảo đảm. 


https://scontent.fhan3-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/22309087_1119131171554750_1789630572310630859_n.jpg?oh=c6e44b131e0ff708d29299525c4fe6f4&oe=5A8382AE
Nhiều hộ dân sống ven đê sông Chu xã Thọ Trường (Thọ Xuân) vẫn đang bị ngập lụt.

Với tình hình mực nước liên tục dâng cao, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Thọ Xuân cần có chế độ báo cáo thường xuyên với Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có giải pháp xử lý hiệu quả. Huyện cần tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại các thôn, các xã để kịp thời gia cố đê phía đồng bằng biện pháp đắp mở rộng thân đê. Khẩn trương huy động vật tư đến các điểm xung yếu khác trên dọc tuyến sông Chu để kịp thời ứng phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Quản lý chặt số phương tiện và người dân sinh sống trên sông. Đối với các đơn vị thủy nông và đơn vị thi công kênh chính Nam thuộc dự án Bắc Sông Chu - Nam Sông Mã cần theo dõi lượng mưa, tích cực thực hiện tháo nước trên kênh và mặt ruộng để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Ngay trong thời điểm này, địa phương phải thành lập lực lượng cứu hộ tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu, triển khai các phương án phòng chống với diễn biến của mưa bão đạt kết quả cao.

 

http://baothanhhoa.vn/files/images/normal/59ddd393_1507709843.jpg
Đồng chí Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mực nước tại hồ Cửa Đạt.

* Sáng 11/10, đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Thường Xuân.

Theo báo cáo nhanh của huyện Thường Xuân, từ 20h tối 9-10, trên địa bàn huyện mưa to liên tục kéo dài, gây ngập lụt, sạt lở tại nhiều điểm và gây thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Theo thống kê sơ bộ, huyện Thường Xuân hiện có 3 người chết, 2 người mất tích và 4 người bị thương. Toàn bộ cây trồng vụ đông bị ngập úng. Cầu Cửa Đạt hiện đã bị xói lở hai đầu cầu, dọc mái sông bị sạt lở. Hồ Chiềng đang có nguy cơ vỡ và 100 hộ có nguy cơ ngập lụt. Quốc lộ 47, tỉnh lộ 519 và 519B sạt lở taluy dương và chia cắt nhiều đoạn. Ngoài ra, cầu treo Thanh Xuân (thuộc địa bàn xã Xuân Cẩm) đã bị đứt dây néo thăng bằng và hư hỏng. Cầu thép dân sinh tại thôn Nhồng (xã Vạn Xuân) đã bị nước cuốn gãy cầu. Toàn huyện Thường Xuân có 1.825 hộ dân ở các xã Lương Sơn, Yên Nhân, Bát Mọt, Luận Khê, Luận Thành và Thọ Thanh bị cô lập.
 

https://scontent.fhan3-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/22406091_10208148874434540_7944824719397839053_n.jpg?oh=cbbbc0eb315b897a69bdf8ee443db652&oe=5A42E0A1
Một điểm sạt lở tại khu vực hồ Cửa Đạt .

Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn yêu cầu UBND huyện Thường Xuân, Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu và Ban Quản lý hồ chứa nước Cửa Đạt thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm an toàn tuyệt đối hồ chứa và các phương án phòng chống lụt bão. Việc điều tiết xả lũ phải thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn giao Sở Giao thông - Vận tải  nhanh chóng huy động xuồng để hỗ trợ việc đi lại ở những nơi ngập lụt, giúp kết nối với các khu vực đang bị chia cắt. Đối với các điểm sạt lở, UBND huyện Thường Xuân phải có các giải pháp ổn định giao thông, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời có hướng xử lý. Đồng thời yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải nhanh chóng triển khai các biện pháp tu sửa, giải tỏa giao thông, bảo đảm việc đi lại cho nhân dân. Đối với các thôn, xã đang bị chia cắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn chỉ đạo UBND huyện Thường Xuân và Sở Công Thương nhanh chóng cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm đời sống, tuyệt đối không để người dân bị thiếu đói.

Theo Báo Thanh Hóa

 

Các tin khác:
  • Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động xây dựng hội CCB trong sạch, vững mạnh (12/10/2017-7:00)
  • “Làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” . (11/10/2017-16:49)
  • “Cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy: Chắc chắn phải có sự hy sinh (11/10/2017-8:11)
  • Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ (09/10/2017-7:58)
  • Sửa Nghị định bịt kẽ hở cổ phần hóa (09/10/2017-7:53)
  • Tăng cường giao thương, mở rộng kết nối để tiêu thụ sản phẩm (07/10/2017-21:53)
  • Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ tiêm thuốc an thần vào heo (06/10/2017-19:59)
  • Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa gặp mặt doanh nghiệp tại thành phố Heidelberg, CHLB Đức (06/10/2017-14:23)
  • Chính phủ yêu cầu xóa bỏ ít nhất 1/3 điều kiện kinh doanh (05/10/2017-23:12)
  • Các bộ sẽ hết “vừa đá bóng, vừa thổi còi” (05/10/2017-11:41)