Tinh gọn bộ máy sẽ làm tăng hiệu quả công việc, giảm áp lực lên ngân sách
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Theo đó, hội nghị thống nhất sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của MTTQ và các đoàn thể. Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án, ban chăm sóc sức khỏe cán bộ và các cơ quan phối hợp liên ngành...
Đây là vấn đề rất được chờ đợi bởi bộ máy của ta lâu nay cồng kềnh, dư thừa gây áp lực rất lớn lên ngân sách với mức chi chi cho hoạt động thường xuyên hiện chiếm tới 70% ngân sách Nhà nước.
Chưa kể tổ chức biên chế trong lực lượng vũ trang và khu vực doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta hiện có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu viên chức, bên cạnh đó còn có tới hàng trăm nghìn công chức. Theo tính toán Bộ Tài chính, nếu giai đoạn 2018 - 2020 giảm được 10% biên chế hành chính như mục tiêu đặt ra thì sẽ giảm được 0,7% chi thường xuyên tương ứng khoảng 20.000 tỷ đồng. Con số cho chúng ta mơ mộng, không chỉ có thể tăng lương cho cán bộ, còn dùng đầu tư cho phát triển, nhưng rõ ràng đây không phải là chuyện dễ. Đằng sau việc tinh giản, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, cơ cấu lại một số cơ quan là chằng chịt quan hệ, là tình người, sẽ khó tránh khỏi phản ứng, tác động gây áp lực. Đây chính là lý do mà lâu nay chúng ta vẫn hô hào gọn nhẹ bộ máy, nhưng trên thực tế ở nhiều địa phươngn nhiều ngành số lượng cơ quan, đơn vị vẫn cứ phình ra.
Phải xem việc tinh gọn bộ máy như một cuộc cách mạng, để thực hiện thành công phải vượt lên những rào cản, chấp nhận sự hy sinh.
Thời gian qua chúng ta đã thí điểm nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền ở địa phương; quy định người đứng đầu đơn vị của Nhà nước là Bí thư cấp ủy đơn vị đó, chưa kể thực hiện kiêm chức, kiêm việc ở một số chức danh chuyên môn. Một người làm việc của hai, quyền lực tập trung hơn, từ đó sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, lại giảm chi phí.
Hiện nay chỉ nhìn vào một xã, một đơn vị cơ sở đã thấy bất cập về con người, câu thúc sắp xếp lại, tinh giản bớt chứ chưa nói đến những cấp cao hơn.
Thành công từ mô hình nhất thể hóa đã thực hiện cộng với “làn gió mới” từ Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) sẽ là động lực để chúng ta thực hiện cuộc cách mạng trong bộ máy mạnh mẽ hơn vực lại niềm tin của nhân dân.
Anh Vũ