Thứ năm, ngày 21/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Điều động, luân chuyển - bước đột phá trong công tác cán bộ (16/10/2017-8:19)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng
Đồng chí Trịnh Ngọc Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Minh (Thọ Xuân) thăm cơ sở sản
xuất mộc trên địa bàn xã. Ảnh: Tô Dung
 
Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian qua tỉnh ta đã thực hiện khá đồng bộ công tác luân chuyển cán bộ, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn.

Cán bộ được rèn luyện, cơ sở thêm sức sống mới

Tháng 4-2009, đồng chí Lương Trọng Thành đang làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn được luân chuyển về làm Phó Bí thư Huyện ủy Nga Sơn. Đến tháng 10-2015, được  Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công làm Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh. Ở vị trí công tác mới, đồng chí Lương Trọng Thành đã cùng ban giám hiệu nhà trường và các thầy, cô giáo thực hiện nhiều giải pháp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Trường Chính trị tỉnh được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá là 1 trong những trường top đầu cả nước do có nhiều đổi mới trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo TS. Lương Trọng Thành, nhiều giải pháp đổi mới đang áp dụng tại Trường Chính trị tỉnh đã được rút ra trong quá trình đi luân chuyển công tác ở Nga Sơn. Bởi, trong quá trình được luân chuyển, người cán bộ được gần dân, thấu hiểu được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cũng như của đội ngũ cán bộ cơ sở; từ đó nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với công việc, sự nghiệp, đối với Đảng và nhân dân. Môi trường cơ sở còn là nơi để cán bộ trải nghiệm, nâng cao toàn diện các kiến thức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội..., nhất là kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn.

Là xã thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên xã Thọ Minh (Thọ Xuân) đã dự kiến về đích nông thôn mới trong năm 2020, thuộc nhóm cuối của huyện. Tháng 7-2015, đồng chí Trịnh Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Thọ Xuân được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Thọ Minh. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy xã đề ra các nghị quyết, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đưa xã về đích nông thôn mới vào cuối  năm 2017, sớm hơn 3 năm so với dự kiến trước đó. Đồng chí Trịnh Ngọc Tấn cho biết: “Trước đây, công tác tại LĐLĐ huyện, tôi chỉ chuyên về một nhiệm vụ. Nhưng từ khi được luân chuyển về xã, qua công việc tại cơ sở đã giúp tôi học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm thực tế. Đây cũng là môi trường thử thách, tôi luyện bản lĩnh chính trị, bắt buộc tôi phải “đánh thức”  hết khả năng trong công tác  lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc”.

Đây là 2 trường hợp trong số rất nhiều đồng chí  chứng minh việc điều động, luân chuyển cán bộ đã giúp cán bộ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn, đóng  góp tích cực trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị; đồng thời, nơi cán bộ luân chuyển đến cũng được tăng thêm nguồn lực cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo nên sức sống mới cho cơ sở.

Từ thực tiễn luân chuyển cán bộ ở huyện - xã ...

Thạch Thành là một trong những địa phương của tỉnh đi đầu trong việc triển khai, thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ, quản lý. Năm 2005, huyện đã thực hiện thí điểm luân chuyển cán bộ UBND huyện về thị trấn Kim Tân để bầu bổ sung làm chủ tịch UBND thị trấn và điều động một số chức danh chuyên môn nghiệp vụ của các xã khác. Ban thường vụ huyện ủy đã xây dựng phương án cụ thể; lựa chọn cán bộ ở các phòng, ban, ngành cấp huyện, cán bộ trẻ có triển vọng được quy hoạch làm cán bộ chủ chốt cấp huyện và dự nguồn lâu dài để bố trí luân chuyển về xã để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách... Từ năm 2010 đến nay, huyện Thạch Thành điều động, luân chuyển 110 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý; trong đó nhiệm kỳ 2010-2015 đã điều động, luân chuyển 97 lượt (từ tỉnh về huyện 2 đồng chí, từ huyện về xã 22 đồng chí, từ xã lên huyện 29 đồng chí, từ xã này sang xã khác 44 đồng chí); nhiệm kỳ 2015-2020, đến nay đã điều động, luân chuyển 13 lượt (từ huyện về xã 1 đồng chí, từ xã lên huyện 7 đồng chí, từ xã này sang xã khác 5 đồng chí). Toàn huyện hiện có 26/28 xã, thị trấn có từ 1 đến 3 chức danh cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy quản lý không phải là người địa phương.

Ở huyện Thọ Xuân, ban thường vụ huyện ủy đã xây dựng kế hoạch và tiến hành luân chuyển thận trọng, chắc chắn. Trước hết, ưu tiên lựa chọn cho các đồng chí huyện ủy viên, trưởng các phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện trong nguồn quy hoạch ban thường vụ. Tiếp đến là các đồng chí cán bộ trẻ, là phó các ban, phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện. Việc điều động, luân chuyển được tiến hành theo cả 2 chiều “dọc - ngang”. Từ năm 2005 đến nay, toàn huyện đã điều động, luân chuyển được 95 lượt cán bộ, quản lý giữa các cơ quan cấp huyện. Trong đó, từ năm 2010 đến nay đã điều động, luân chuyển được 64 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý (từ huyện về xã 11 đồng chí, từ xã lên huyện 1 đồng chí; xã này sang xã khác 1 đồng chí; giữa các ban, ngành, phòng, đoàn thể  42 đồng chí).

Nhìn chung, thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 2 huyện: Thạch Thành, Thọ Xuân đã khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trì trệ, cục bộ dòng họ của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số địa phương; tăng cường đoàn kết nội bộ ở cơ sở, chấn chỉnh giờ giấc, kỷ luật lao động của cán bộ, công chức; tạo cho đội ngũ cán bộ được điều động có ý thức trách nhiệm cao hơn với công việc; khắc phục được tình trạng bị động, hẫng hụt, khép kín công tác cán bộ... Cán bộ được điều động, luân chuyển đã góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng; phát hiện và giải quyết những tồn tại, bất cập từ cơ sở; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

.... đến bức tranh tổng thể toàn tỉnh

Theo số liệu từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2010 đến 2015, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 703  lượt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó cấp tỉnh về cấp huyện 43 đồng chí (bí thư cấp huyện 14 đồng chí, phó bí thư 12 đồng chí, chủ tịch UBND 8 đồng chí, phó chủ tịch UBND 9 đồng chí). Từ huyện về tỉnh  50 đồng chí (16 đồng chí giữ chức vụ cấp trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; 34 đồng chí cấp phó). Từ huyện này sang huyện khác 5 đồng chí; từ cấp huyện về cấp xã  259 đồng chí; từ cấp xã lên cấp huyện 201 đồng chí; từ xã này sang xã khác 350 đồng chí; điều động, luân chuyển nội bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh 231 đồng chí.

Theo đánh giá của đồng chí Trần Quốc Huy, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức; từng bước khắc phục được tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, có phương án lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, toàn diện hơn. Tại những địa phương cán bộ luân chuyển về làm người đứng đầu (Bí thư hoặc chủ tịch UBND) hoặc nơi bố trí cả 3 chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND), đồng thời không phải người địa phương như: Ngọc Lặc, Như Xuân, Đông Sơn, Lang Chánh, Mường Lát, TP Sầm Sơn... thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều thuận lợi, phong trào của địa phương phát triển rõ nét. Cán bộ điều động, luân chuyển từ cấp tỉnh về cấp huyện, từ cấp huyện về cấp xã nhìn chung đều trong nguồn quy hoạch, trẻ, khỏe, nhiệt tình, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực, tiếp cận nhanh với cơ sở; các đồng chí đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng được uy tín, đoàn kết, nhất trí trong tập thể thường trực, thường vụ cấp ủy, góp phần ổn định tình hình và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở các địa phương.

Tồn tại và hướng giải quyết

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Ở Thạch Thành, một số cán bộ điều động từ huyện về xã, thị trấn đến nay chưa có điều kiện trở về huyện do chưa có chỗ “trống”. Một số cán bộ được điều động đến đơn vị xa nơi cư trú, một số cán bộ được điều động, luân chuyển nhiều lần, nhiều địa phương, đơn vị trong một thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, đồng thời khó khăn trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Một số đồng chí bí thư kiêm chủ tịch HĐND cấp xã được điều động đi đơn vị khác đã không thể đảm nhiệm chức danh chủ tịch HĐND do không phải là đại biểu HĐND tại đơn vị mới. Vì vậy, một số đơn vị khuyết chức danh chủ tịch HĐND. Một số cán bộ được điều động luân chuyển chưa phù hợp với chuyên môn được đào tạo nên tiếp cận công việc, nắm tình hình còn chậm, phương pháp làm việc chưa khoa học, quá trình làm việc mang lại hiệu quả chưa cao.

Ở huyện Hậu Lộc, vẫn có trường hợp cán bộ không muốn đi cơ sở vì ngại khó khăn, va chạm. Có trường hợp muốn lựa chọn vị trí khi được điều động, luân chuyển hoặc tìm cách để không phải luân chuyển. Một vài cán bộ được điều động, luân chuyển xuống cơ sở còn khép kín, chưa có tính cạnh tranh, có biểu hiện trông chờ thời gian, giữ mình, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo nhất là giải quyết những vướng mắc, yếu kém từ cơ sở...

Bên cạnh đó, có một thực tế phổ biến là bản thân cán bộ luân chuyển không tránh khỏi băn khoăn sau khi hết thời gian điều động, luân chuyển thì sẽ quay về đơn vị nào, chức danh gì để công tác.

Những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý thời gian qua của 2 huyện nêu trên cũng là tồn tại chung trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ của toàn tỉnh.

Trước thực tế đó, thiết nghĩ tỉnh cũng như các địa phương cần thể chế hóa công tác luân chuyển cán bộ thành các quy định, quy chế, tiêu chí, chính sách cụ thể để thực hiện. Cần có lộ trình luân chuyển cụ thể để người được luân chuyển yên tâm hơn. Ngoài ra, cần chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác quản lý Nhà nước, xây dựng Đảng cho phù hợp với vị trí sẽ luân chuyển. Bên cạnh đó, nếu luân chuyển nhằm mục đích tạo nguồn cán bộ “tầm xa” thì có thể đưa đi làm cấp phó. Còn nếu để tạo “nguồn gần” thì nên bố trí vào vị trí chủ chốt, vừa để cán bộ có điều kiện thể hiện, khẳng định mình, vừa giúp tổ chức đánh giá chính xác về cán bộ luân chuyển để tính toán những bước đi tiếp theo.

Có thể khẳng định, công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh ta thời gian qua đã được thực hiện bài bản, đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn một số khó khăn, tồn tại và những băn khoăn khó tránh khỏi. Vì vậy, rất cần có những giải pháp khả thi hơn nữa để nâng cao hiệu quả của công tác điều động, luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Theo Tô Dung/Báo Thanh Hóa

 

Các tin khác:
  • Bừng sáng phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa (16/10/2017-8:14)
  • Thanh Hóa: Hành trình về đích NTM (16/10/2017-8:08)
  • Tôi là Bộ đội Cụ Hồ (16/10/2017-8:02)
  • Chuyện làm đường ở thôn Thắng (16/10/2017-7:55)
  • Gỡ khó cho công tác phát triển Đảng ở Quan Hóa (16/10/2017-7:52)
  • “Luân chuyển, điều động cán bộ: Rèn luyện để trưởng thành!” (16/10/2017-7:51)
  • Huyện Cẩm Thủy với công tác phát triển đảng viên (16/10/2017-7:49)
  • Nhất thể chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND các xã, phường ở Thanh Hóa (13/10/2017-14:43)
  • Dân vận khéo giúp dân thoát nghèo (13/10/2017-14:41)
  • Nghị quyết 09 và kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững ở các huyện miền núi (05/10/2017-14:36)