Ghi chép của Xuân Hùng
Bí thư 2 trong 1
Có mặt tại thôn 5, làng Hoàng Giang, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn chiều 8/10, dù đã hẹn trước với bà Trần Thị Tịnh - Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nhưng chúng tôi cũng đành phải chờ, dự khán vì bà Tịnh đang chủ trì cuộc họp với các đoàn thể triển khai một số vấn đề cấp bách của thôn, đặc biệt chuẩn bị đối phó áp thấp nhiệt đới.
Bà Tịnh năm nay 52 tuổi, người thấp, nhỏ và nhanh nhẹn. Bà làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã 10 năm. Ngay từ năm 2007, bà Tịnh được tín nhiệm làm bí thư kiêm trưởng thôn 5. Và từ đó, qua 3 kỳ đại hội chi bộ, bà đều được chi bộ và nhân dân tín nhiệm kiêm chức.
Dự khán cuộc họp thôn mới hiểu vì sao đảng viên và nhân dân tín nhiệm bà Tịnh như vậy. Bà ngồi nghe tất cả các ý kiến, ghi chép. Đa số thành viên cuộc họp là đàn ông, nhiều phát biểu rất hăng say, có khi gay gắt. Khi bàn chuẩn bị nhân sự phụ trách chi hội nông dân tập thể, có nhiều ý kiến căng thẳng.
Cuối cùng, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Trần Thị Tịnh đứng lên phân tích, lý giải chủ trương và thực tế tình hình thôn, đồng thời thuyết phục ông Lê Hữu Tằn tiếp tục gánh vác trách nhiệm này vì ông Tằn là người làm trang trại giỏi nhất trong thôn, đồng thời là người có uy tín, hiểu biết khoa học kỹ thuật hỗ trợ bà con. Bà Tịnh cũng thống nhất ý kiến và triển khai chuẩn bị nhân sự làm phó chi hội để chuẩn bị thay ông Tằn khi ông nghỉ...
Cuộc họp cuối cùng đã thống nhất nhiều đầu việc. Trưởng phó các chi hội, đoàn thể sau cuộc họp lại vui vẻ uống nước chè, kéo thuốc lào sòng sọc và bắt tay ngay vào việc.
Trao đổi với chúng tôi, bà Tịnh chia sẻ, vừa làm bí thư lại vừa làm thôn trưởng đúng là mệt hơn, vất vả hơn nhưng công việc trôi chảy, triển khai mọi việc dứt khoát và kịp thời hơn.
Trao đổi với nhiều vị cán bộ thôn “2 trong 1” như bà Tịnh, chúng tôi đều nhận được nhận định này. Ông Phạm Văn Sính - Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Hoành 2, xã Định Tân, huyện Yên Định cho hay: “Khi đó, bản thân những người như tôi phải ý thức rõ, mình vừa là người triển khai nghị quyết của Đảng ủy xã lại vừa là người chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình”.
Và vì thế, những việc cần làm ngay được chủ động thực hiện nhanh chóng, kịp thời hơn. Chẳng hạn, theo bà Tịnh, khi quyết định làm đường nông thôn mới, dù một số ý kiến cho rằng chỉ nên làm 3,5m nhưng với tư cách bí thư chi bộ, thực hiện chủ trương làm đường nông thôn mới, bà đã thuyết phục và quyết định làm 4m theo tiêu chuẩn. Và cuối cùng, thực tế đã chứng minh, quyết định đó là hoàn toàn phù hợp, hiệu quả cao.
Trong những ngày mưa gió lụt lội vừa qua, ông Phạm Văn Sính chủ động nắm bắt tình hình, báo cáo cấp trên và triển khai chủ trương rất nhanh chóng, chỉ đạo kịp thời việc phòng, chống thiên tai. “Không còn phải họp hành nhiều mà triển khai ngay. Trước kia, khi quyết việc gì, trưởng thôn phải bàn với bí thư, không dám quyết nhanh vì sợ... trái chủ trương. Nhưng nay đã 2 trong 1 thì chủ động quyết luôn” - ông Sính nói.
Ông Phạm Văn Sính - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởngthôn Hoành 2 xã Định Tân, huyện Yên Định (bìa phải).
Ông Lê Văn Cung - Bí thư Đảng ủy xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn nhận định: “Khi bí thư kiêm trưởng thôn thì không còn chuyện ông trưởng thôn trước khi làm phải hỏi bí thư còn ông bí thư chỉ triển khai chủ trương rồi đẩy việc cho thôn trưởng”.
Theo ông Nguyễn Tiến Hiện - Bí thư Huyện ủy huyện Yên Định: “Các chủ trương, công việc triển khai từ huyện xuống xã, xuống thôn nhanh chóng hơn, các đồng chí bí thư kiêm trưởng thôn đã chủ động nắm bắt và thực hiện rất tốt. Tôi thấy hiệu quả hơn trước rất nhiều”.
Hầu hết Bí thư Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã trên địa bàn Thanh Hóa chúng tôi trao đổi đều có chung nhận định như ông Hiện. Chủ trương nhất thể hóa đã phát huy hiệu quả trực tiếp qua công việc hằng ngày chứ không phải chỉ ở... báo cáo.
Bài học kinh nghiệm...
Yên Định là huyện tổ chức thực hiện việc nhất thể hóa có kết quả hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa. Đến hết tháng 9/2017, đã có 250/285 chi bộ đại hội xong (đạt 87,72%). Trong đó, 169/194 chi bộ thôn, khu phố đã đại hội xong (tỉ lệ 87,11%). 155 thôn, khu phố đã thực hiện nhất thể hoá bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố, đạt 79,89%.
Dù chưa sơ kết, đánh giá nhưng theo ông Hiện, qua theo dõi, các đồng chí bí thư kiêm trưởng thôn trên địa bàn huyện đều phát huy vai trò ngay khi nhận nhiệm vụ.
Chủ trương nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố ở Thanh Hóa đã được triển khai rất thuận lợi vì có sự thống nhất cao trong Đảng và hợp lòng dân. Tuy nhiên, để tiến trình này suôn sẻ và đạt hiệu quả cao, có không ít bài học được rút ra từ thực tiễn.
Theo ông Lê Văn Thuần - Bí thư Đảng ủy xã Định Tân, huyện Yên Định, bài học quan trọng nhất là khâu chuẩn bị nhân sự và làm công tác tư tưởng.
“Đừng nghĩ rằng ở cấp thôn, công tác chuẩn bị nhân sự không quan trọng” - ông Thuần chia sẻ. Theo đó, phải chọn, cử được người đảm bảo gánh trọn 2 vai. Nếu trúng bí thư chi bộ tại đại hội nhưng sau đó, ra hội nghị nhân dân, bí thư đó không được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn thì coi như chưa hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ. Và khi đó, sẽ có lời ra tiếng vào trong thôn xóm. Đó là điều không nên”.
Cũng theo ông Thuần, vị trí trưởng thôn, ngoài trách nhiệm trước Đảng, sự nhiệt tình với cộng đồng còn là danh dự với họ hàng, làng xóm. Vì vậy, để nhất thể hóa, phải làm công tác tư tưởng với đồng chí bí thư hay trưởng thôn không còn tiếp tục công tác trong nhiệm kỳ tới. “Khi đã thông được tư tưởng, người nghỉ cũng như người nhận nhiệm vụ đều vui vẻ - đó mới là thành công” - ông Thuần nói.
Với quan điểm chỉ đạo trên, từ 12 - 21/8, toàn bộ 8 chi bộ thôn và 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ y tế của xã đều tiến hành đại hội với kết quả cao. Ngày 5/9, Đảng ủy xã ra quyết định công nhận BCH chi ủy thôn và ngay sau đó, ngày 10/9 đồng loạt tổ chức hội nghị nhân dân bầu trưởng thôn nhiệm kỳ 2017 - 2020. Đến 11h, cả 8 thôn đều bầu được trưởng thôn là bí thư chi bộ.
“Việc nhất thể hóa này, ý Đảng, lòng dân hợp làm một nên triển khai rất thuận lợi, dịp đại hội chi bộ và hội nghị nhân dân bầu trưởng thôn đều là những dịp sinh hoạt chính trị sâu sắc, dân chủ của toàn dân” - ông Lê Văn Thuần - Bí thư Đảng ủy xã Định Tân, huyện Yên Định khẳng định.
Vậy nhưng không phải tất cả các thôn ở Yên Định đều có kết quả được như ở Định Tân. Trong huyện có 4 bí thư chi bộ ra hội nghị nhân dân đã không được tín nhiệm bầu làm thôn trưởng nên chưa thể tiến hành nhất thể hóa.
“Đó là những bài học, kinh nghiệm quý báu các Huyện ủy, Đảng ủy xã cần lưu ý trong quá trình thực hiện chủ trương nhất thể hóa”, ông Lại Thế Nguyên - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa lưu ý.
...Và không ít trăn trở
Trăn trở đầu tiên vẫn là chế độ chính sách cho cán bộ “2 trong 1” nói trên. Công việc trước kia của 2 người nay 1 người gánh vác. Chưa kể, hiện nhiều địa phương đang thực hiện chủ trương sáp nhập thôn. Theo đó, mỗi thôn có ít nhất 200 hộ. Có những nơi phải sáp nhập 2 - 3 thôn thành một thôn mới. Và như vậy, bí thư, trưởng thôn sẽ gánh công việc của 4-5 người trước kia. Vậy nhưng cơ chế chính sách, theo nhiều cán bộ cấp thôn “2 trong 1” thì chưa thật thỏa đáng.
Hiện bí thư chi bộ vẫn hưởng phụ cấp trách nhiệm công tác hệ số 0,9, đảm đương thêm vị trí trưởng thôn được cộng thêm 30%. Như vậy, một vị cán bộ “2 trong 1” ở thôn được hưởng khoảng 1,3 triệu/tháng.
Nhiều người băn khoăn vì chế độ trên. Bà Trần Thị Tình nói: “Đúng là mình đảm nhận công tác vì trách nhiệm trước Đảng, trước dân chứ nói về thu nhập thì thật sự chưa khuyến khích”.
Ông Lê Văn Cung - Bí thư Đảng ủy xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn) cũng cho rằng, ở nông thôn hiện nay, thu nhập khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng là không khó, vậy nhưng làm cán bộ “2 trong 1”, lương chưa đủ 4 cái đám cưới. Trong khi đó, “mình làm cán bộ thôn, đám hiếu hỷ nào cũng được mời, mà được mời thì mình không thể không đến” - ông Phạm Văn Sính chia sẻ. Vì vậy, không thể thu hút được nhiều người có năng lực, có uy tín cho vị trí này.
Cũng liên quan đến chính sách nhưng là của... phó bí thư chi bộ. Mỗi chi ủy thôn sau khi nhất thể có 3 người. Bí thư kiêm trưởng thôn, một phó bí thư và 1 chi ủy viên. Trước kia, bí thư chi bộ hưởng phụ cấp 0,9 và kiêm nhiệm công tác mặt trận thôn - vị trí không có phụ cấp, đồng chí phó bí thư là trưởng thôn cũng có phụ cấp trách nhiệm. Nhưng nay, sau nhất thể, bí thư kiêm trưởng thôn thì không thể kiêm công tác mặt trận. Nhiệm vụ này, nhiều địa phương đã và đang tính đặt lên vai phó bí thư chi bộ. Tuy nhiên, cả 2 chức danh: Phó bí thư và mặt trận thôn đều là chức danh.... không tiền. Hiện tại, trách nhiệm với Đảng, với nhân dân họ vẫn vui vẻ công tác, tuy nhiên về lâu dài, phải có cơ chế cụ thể cho những cán bộ “cấp 5” này.
Qua khảo sát của phóng viên, không ít xã, phường, số cán bộ công chức xã có tới trên 20 người nhưng công việc thì cứ ngồi ủy ban và đẩy xuống cho bí thư chi bộ, trưởng thôn thực hiện. Từ thống kê hộ nghèo đến lập danh sách tiêm phòng chó dại, thu tiền thuế nông nghiệp, kể cả phí vệ sinh môi trường... tất tần tật đều đổ đầu vị cán bộ thôn. Do đó, họ đã bận càng bận thêm.
Theo X.H/Báo VH&ĐS
Hiện nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh có một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp có văn phòng ở trụ sở UBND cần phải xem xét “nhất thể hóa” với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Theo đó, Hội Cựu Chiến binh hoặc Đoàn Thanh niên có thể đảm đương công việc của Thanh niên xung phong; Hội Người cao tuổi có thể phụ trách công việc của Hội Khuyến học; Hội Nông dân kiêm cho Hội Làm vườn...
Với phụ cấp công tác 0,7% lương cơ bản, mỗi xã có 6 vị chủ tịch hội, chi ngân sách mỗi năm cũng phải trên 50 triệu đồng. Tỉnh Thanh Hóa với 573 xã, 34 phường và 28 thị trấn, số chi ngân sách mỗi năm không hề nhỏ. “Đó là chưa kể điện nước, phục vụ và còn rất nhiều hội - nghề nghiệp khác không được như vậy” - một vị Bí thư Đảng ủy xã nói.