Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cuối năm, những câu chuyện lo (15/01/2018-21:40)
    (NLBTH) - Cuối năm việc bộn bề, thêm cả những việc phải lo có tính định kỳ, mà bỏ thì khó, khiến cái đầu chẳng nhẹ chút nào. Kỳ sinh hoạt đảng viên 76 cuối năm Chi bộ phố đề nghị tổ chức liên hoan, nhiều người hào hứng bởi chả mấy khi gặp nhau, nhưng khi thông báo số tiền quỹ phải nộp trong năm cộng với tiền liên hoan ai cũng nhăn mặt.
Làng quê là nơi con người quay về, những tập tục ở nhiều làng quê khiến nhiều người lo sợ
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Vào tết đồng tiền chi tiêu nhiều, thêm một khoản chi là thêm một sự lo, nhưng chả lẽ sống trong tập thể mình lại làm khác.

Đồng tiền chưa biết xoay xở thế nào để kiếm, bởi còn việc họ ở quê. Đầu tháng người nhà đã nhắn là họ trông chú về lắm.

Mình là người đi xa, nhờ hồng phúc tổ tiên có đồng lương nên cũng dễ thở hơn những người chỉ trông vào mấy sào ruộng, con lợn, con gà.

Lệ làng mỗi năm các dòng họ phải góp công của để giỗ làng, tổ chức vui chơi mấy ngày liền, các họ cũng tổ chức ghé đóng tiền để ăn uống.

Đồng tiền nhìn từ nông nghiệp khó để mà cáng đáng, nhưng người trong họ lại không muốn mất mặt với làng, nên tìm cách vận động.

Người ở làng nhìn vào người đi xa nhiều khi đến mức cực đoan, khiến có người vì sĩ diện với làng đã phải vay tiền để góp cho khỏi mất mặt.

Việc họ chưa lo xong, mấy ngày trước bác khối trưởng khối phố lại mời đến nhà uống nước, và vẫn câu chuyện ấy: Chuyện liên hoan tổ liên gia.

Khối phố có nhiều nhà, nhưng không phải hoàn cảnh gia đình nào cũng dư giả, nhưng cái lệ lâu nay đã thế, lẽ nào lại bỏ. Mỗi khẩu chỉ vài ba trăm nghìn, nhưng cả nhà tham gia liên hoan là hết tiền triệu.

Tôi cứ ám ảnh về những buổi liên hoan tổ liên gia mấy năm trước. Đến lúc cao trào người ta thi nhau uống, ai không theo thì bị chê bai, khích bác.

Cái kết của tiệc rượu liên gia là dễ loạn ngôn, bởi người sống trong phố cũng như bát đĩa để chung một chạn, có xô xát, va chạm.

Một số người có tiền thì đem đồng tiền ra kể như đồ trang sức, thậm chí lên mặt. Người không có thì bực mình đem cách sống của người này người kia ra dè bĩu. May mà bữa tiệc chỉ kết thúc trong ầm ĩ chứ chưa đến mức động chân tay.

Có ý kiến vui thì ngồi với nhau, còn không thì dừng lại, nhưng bác khối trưởng bảo đã thành lệ, phố khác người ta kém hơn mình mà còn làm được, mình không làm khó coi lắm.

Chạp họ, liên hoan tổ liên gia góp phần cố kết cộng đồng, thắt chặt sợi dây tình cảm, nhưng tổ chức theo kiểu con gà tức nhau tiếng gáy, thì sự phản tác dụng là rất rõ ràng.

Lam Vũ


 

 

Các tin khác:
  • Luật hóa và trách nhiệm thực hiện luật (15/01/2018-7:40)
  • Câu chuyện lời hứa và văn hóa từ chức (12/01/2018-9:54)
  • Việc làm cũ, quyết tâm mới (09/01/2018-23:18)
  • Căn bệnh... “anh hùng” (08/01/2018-9:01)
  • “Vắc xin” để phòng bệnh (05/01/2018-8:56)
  • Thân phận những tờ giấy... (02/01/2018-9:54)
  • Đến hẹn lại lên và căn bệnh hình thức (29/12/2017-8:18)
  • Đi bộ không phải là đi dạo (26/12/2017-7:59)
  • Đón chờ “làn gió mới” (24/12/2017-21:23)
  • Tạo hình ảnh mới, sức mạnh tấn công tội phạm (22/12/2017-8:46)