Người lao động (hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Thông tin trên báo chí dẫn nguồn từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho thấy, năm 2017 số cơ quan nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tăng đột biến, đến Quý 3 có tới 3.046 đơn vị sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền trên 262 tỷ đồng.
Con số này phản ánh tình trạng nhiều chủ sở hữu lao động đang xem người lao động như một “công cụ” để sinh lời cho doanh nghiệp, chứ chưa xem họ là người đồng hành, nên đã quên nghĩa vụ chăm lo, đảm bảo quyền lợi.
Đây không chỉ là sự vi phạm pháp luật, còn thiếu tình người.
Nhiều lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội đã rất vất vả mới được doanh nghiệp đóng đủ số tiền nợ cơ quan bảo hiểm xã hội để họ được nhận lương hưu. Có lao động mất nhiều thời gian chờ đợi, và cuối cùng buộc phải khởi kiện.
Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) vừa có hiệu lực thi hành quy định người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Các hành vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…
Bộ luật này còn quy định phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm với các hành vi trốn đóng bảo hiểm từ 50 đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Một chế tài đủ sức răn đe, và theo Kế hoạch của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thì Thanh Hóa là một trong những địa phương cơ quan này sẽ thanh tra trong Quý 3/2018.
Thanh Hóa từng là địa phương rất tai tiếng trong việc trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017, nếu tiếp tục bị Bảo hiểm xã hội Việt Nam “thổi còi”, thì đây là điều không có lợi cho hình ảnh của tỉnh. Trách nhiệm xử lý, khắc phục thuộc về người sử dụng lao động, cao hơn là các cơ quan chức năng địa phương có trách nhiệm trong việc quản lý vấn đề này. Làm tốt sẽ mở ra lối thoát.
Lam Vũ