Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet
Năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo”, trong đó quy định phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa. Một quy định đem đến nhiều hy vọng tại thời điểm đó, nhưng sau 5 năm thực hiện, vàng mã vẫn ngùn ngụt cháy ở nhiều cơ sở thờ tự, và gần như chẳng có ai cấm cản. Nhiều di tích đã bị cháy, bị hư hại do đốt vàng mã, hệ lụy để lại trong đời sống cũng rất nặng nề.
Con số tương đối cho thấy, mỗi năm chúng ta tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Có những lễ giải hạn gia chủ phải chi phí hàng triệu đồng mua vàng mã theo lời phán truyền, trong khi kinh tế của họ chẳng khá giả gì.
Chẳng biết thần linh, tiên tổ có nhận được cái “tâm thành” ấy không, nhưng hậu quả thì nhìn thấy. Ngày mùng 3 tết năm nay, trong lễ tạ năm mới hàng xóm ở khu phố tôi sinh sống đem vàng mã ra trước nhà đốt làm tàn bay vào nhà khác dẫn đến xung đột làm năm mới mất vui.
Xung quanh việc đốt vàng mã có những câu chuyện bi hài, và nếu không được hạn chế sẽ còn những bi lụy diễn ra.
Khi nhận thức của người đốt vàng mã chưa thay đổi, thì phạt cũng chỉ là biện pháp tình thế. Thế nhưng ngay cả đến việc phạt lâu nay cũng chỉ tồn tại trên giấy. Từ khi Nghị định 158/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành gần như chưa thấy báo chí thông tin hoặc cơ quan quản lý văn hóa cung cấp có bao nhiều trường hợp đốt vàng mã không đúng nơi quy đinh bị xử phạt. Và nếu thế, thì có thể nói đây là một quy định đã thất bại. Chúng ta cần phải nhìn nhận, rút ra bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn.
Cách đây ít ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đặt vấn đề này trở lại bằng việc ban hành Công văn gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đề nghị loại bỏ đốt vàng mã khỏi các cơ sở thờ tự Phật giáo, bởi đây là hình thức trái thuần phong, mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Khi những quy định nặng tính hành chính khó thực thi, chúng ta cần đến sự vận động thông qua tâm thức để đi vào lòng người, và vai trò của các cơ sở thờ tự Phật giáo sẽ rất quan trọng trong thay đổi nhận thức, hành vi của khách lễ.
Ở Việt Nam số người theo đạo Phật nhiều, nếu vận động tốt, có thể tục đốt vàng mã sẽ được hạn chế. Bây giờ sẽ là thơi điểm tốt nhất để cùng chung tay đẩy lùi việc đốt vàng mã tùy tiện bằng cả những quy định của Nhà nước, bằng cả sự vận động của tổ chức tôn giáo.
Lam Vũ