Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Thoát khỏi tư duy chặt hẹp (20/03/2018-9:30)
    (NLNTH) - Tôi thường đến bảo tàng và hay tham gia những triển lãm tranh, ảnh chuyên đề bằng sự mong đợi về sự đông đúc của người xem, nhưng nhiều lần tôi chỉ thấy mình và những nhân viên bảo tàng, những người trực triển lãm có mặt. Một cảm giác tiếc nuối cho những sản phẩm văn hóa mất công bày biện bị phủ bụi thời gian.

Du khách tham quan Bảo tàng Dân tộc học (ảnh minh họa, từ internet)

Nhưng rồi điều đó cũng qua nhanh, bởi tôi chỉ là người xem. Sự đìu hiu đối với người tổ chức và quản lý những sản phẩm văn hóa ấy sẽ đáng buồn hơn nhiều. Nhưng biết làm sao được, khi nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng lên cao, mà người tổ chức không theo kịp, thì bị bỏ lại sau lưng là điều tất yếu.

Đó là chuyện thường gặp ở tỉnh lẻ, một nỗi buồn bên trong những thiết chế văn hóa bị bó buộc bởi thứ suy nghĩ mà thường đề cập đến là tư duy địa phương, và có thể cả sự eo hẹp về kinh phí. Tư duy chặt hẹp thì kinh phí càng khó khăn, nhất là huy động kinh phí xã hội hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa.

Mấy ngày trước có việc đến Bảo tàng Hà Nội điều khiến tôi chú ý nhất không phải là tòa nhà chính bề thế và kiểu cách, mà là khu nhà thấp rêu phong ở khu trưng bầy cạnh cổng vào. Một điểm nhấn gây tò mò trong một không gian hiện đại, và vì thế nó thu hút khá nhiều người xem. Người ta có lý khi đến đây, bởi họ được sống lại ký ức về Hà Nội với ba sáu phố phường leng keng xe điện, mái ngói thơm nâu thường gặp trong nhạc Phú Quang và tranh của Bùi Xuân Phái.

Nhà tổ chức đang kéo khán giả đến bảo tàng bằng sự khác biệt, mà tôi nghĩ, chắc chi phí cho những bản đề mô ấy không mất quá nhiều tiền. Mà kể cả có nhiều chăng nữa, so với kết quả đem lại, đó là sự hài lòng của người xem, thì đâu có đắt. Quan trọng là có nghĩ ra và dám làm hay không thôi.

Với gần một giờ đồng hồ tôi biết thêm nhiều về Hà Nội, từ kiến trúc, ẩm thực, văn hóa toát lên sự thanh lịch của đất Tràng An xưa, những thứ mà bây giờ không còn nhiều trên phố.

Đáng nói, tôi còn được đắm mình vào không gian trình diễn một số nghề truyền thống của Hà Nội xưa, qua đó tôi biết những bức tranh Kim Hoàng mà tôi thường thấy, những vật dụng thủ công tôi mua phải cầu kỳ chế tác như thế nào. Tôi cũng biết thêm nhưng cái tên làng nghề đặc trưng, không gian lễ hội ngoại thành Hà Nội như thế nào... Tôi hài lòng, trước tiên bằng cảm nhận của người xem, và cả sự khắt khe của người từng theo nghề bảo tàng.

Tôi cứ suy nghĩ, ở đâu cũng có những nét phong phú của vùng đất, con người, có những làng nghề đặc trưng, ẩm thực độc đáo. Bên cạnh những hiện vật gốc giá trị, bảo tàng nên chọn lọc tái hiện lại những giá trị đó để phục vụ công chúng, kéo khách đến với mình. Không tốn quá nhiều tiền, nhiều công, nhưng kết quả thu về thì không thể đo đếm được, nhất là đối với những tỉnh lẻ, nơi chưa có nhiều điểm sinh hoạt văn hóa chung.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Hiệu lực của án phạt và câu hỏi về kỷ cương (19/03/2018-14:03)
  • Không tắt đèn cơ học (16/03/2018-20:39)
  • Câu hỏi về năng lực chính quyền cơ sở (12/03/2018-7:59)
  • Câu hỏi ngược (11/03/2018-8:40)
  • Kênh thông tin quan trọng (09/03/2018-9:09)
  • Không có “trời riêng”! (06/03/2018-8:41)
  • Cần lựa chọn cách làm phù hợp (04/03/2018-21:32)
  • Giới hạn của sự chịu đựng (02/03/2018-16:13)
  • Cần thoát ly tâm lý đám đông (26/02/2018-8:17)
  • Xua đuổi tàn dư tết (24/02/2018-23:17)