Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Trở về nơi ấm áp, yêu thương (29/06/2018-8:40)
    (NLBTH) - Cuộc sống gia đình hiện đại, nhất là gia đình ở đô thị đang như thế nào?
Hãy để gia đình luôn là điểm tựa cho mỗi chúng ta (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Mấy ngày nay nhiều băng rôn trên đường phố đang truyền đi thông điệp là hãy hướng về gia đình ấm áp, yêu thương.

Dĩ nhiên rồi, gia đình là trên hết, tổ ấm, nơi đi về của mỗi người.

Nhưng cứ hãy nhìn xem bây giờ tổ ấm ấy như thế nào? Rất nhiều ô cửa thường chỉ sáng đèn trước giờ đi ngủ. Một khoảnh khắc ngắn ngủi và lo lắng khi nhiều người đang trở về với tổ ấm của mình bằng bước chân cơ học hơn là sự giục giã từ ánh mắt chờ đợi của những đứa con trong bữa cơm sum họp cuối ngày.

Sự phát triển nào cũng phải đánh đổi, và sự đánh đổi cho sự nghiệp, cho những tiện nghi cuộc sống là sự mong manh dễ vỡ, một nguy cơ của sự rạn nứt các mối quan hệ của gia đình truyền thống.

Tháng 6 năm nào cũng thế, những thông điệp ý nghĩa về gia đình lại được cơ quan chức năng phát đi, nhiều hoạt động nhằm lay thức trách nhiệm gia đình lại được tổ chức.

Nhưng có vẻ đó mới chỉ là sự thành công ở góc độ truyền thông, còn giá trị thật của những thông điệp như thế nào, có phát huy được trong cuộc sống gia đình hay không, thì vẫn thiếu những con số thống kê đầy đủ.

Bạo lực gia đình và những thảm cảnh hôn nhân gia tăng tới chóng mặt. Thống kê gần nhất của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy mỗi ngày ở Việt Nam có tới 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo hành gia đình. Điều này càng trở nên lo lắng khi mà cuộc sống trong dòng chảy thực dụng và gấp gáp mỗi ngày đang tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn, áp lực lớn hơn về năng suất, hiệu quả lao động, mục tiêu chinh phục ở mỗi người.

Câu hỏi đặt ra là, phải dung hòa thế nào mối quan hệ ấy để vừa có cuộc sống gia đình đúng nghĩa lại vừa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện đại?

Điều đó câu thúc chúng ta phải nhận thức đầy đủ và trách nhiệm hơn về những giá trị cốt lõi, sự thiêng liêng của cuộc sống gia đình. Công việc là cần thiết nhưng gia đình là trên hết. Không thể mượn lý do công việc để chúng ta dễ dãi “giam” mình đâu đó mỗi ngày…

Điều gì cũng có giới hạn bao gồm cả cuộc sống gia đình. Không ít giọt nước mắt đã lăn ở những phiên tòa ly hôn hay trước thảm kịch gia đình. Nước mắt cho họ bài học chứ không thể trả lại cho họ sự vẹn nguyên cuộc sống gia đình.

Hãy ý thức sâu sắc và cân nhắc đầy đủ về điều đó. Xin đừng nhìn những băng rôn trên đường phố bằng cái liếc mắt và xem nó như vật trang trí, mà hãy ngẫm nghĩ, hành động để thông điệp từ chiếc bằng rôn phát huy giá trị trong cuộc sống.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Sự giật mình đắt giá (25/06/2018-10:48)
  • Quẹt thẻ ở vỉa hè (24/06/2018-8:06)
  • Làm phiền trong mùa thi (22/06/2018-9:34)
  • Để nghề chính trực và nhân văn (20/06/2018-8:35)
  • Thích thú với điều đáng sợ (19/06/2018-15:13)
  • Để bước chân không… “hồn nhiên” (15/06/2018-11:26)
  • Vực dậy niềm tin phòng, chống tham nhũng (11/06/2018-8:38)
  • Giọt nước mắt mùa thi (10/06/2018-7:05)
  • Khi chỗ ngồi của học sinh lên mạng xã hội… (08/06/2018-7:45)
  • Khi không cùng lợi ích (05/06/2018-2:18)