Những người làm báo luôn đặt niềm tin vào HNB Hải Phòng thông qua các hoạt
động thiết thực vì nghề đối với các nhà báo, hội viên…
Vì vậy, nếu áp dụng theo cách thức quản lý mới này đối với HNB địa phương ở thời điểm hiện tại theo tôi là chưa thực sự phù hợp. Cần có sự cân nhắc, lộ trình thực hiện và tùy thuộc vào điều kiện của từng cấp Hội, mỗi địa phương để đạt hiệu quả thiết thực nhất”.
Nhà báo Hoàng Thiềng - Thường trực HNB TP. Hải Phòng thẳng thắn bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề “Hội Nhà báo địa phương và câu chuyện thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII”.
Có hợp lý, hợp tình?!
Nhà báo Hoàng Thiềng cho biết: Tôi đồng ý với quan điểm đã là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc. Song, thực tế ngoài những khó khăn chung về điều kiện hoạt động như nhiều HNB địa phương hiện nay đang gặp phải, nếu cơ chế quản lý mới thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được áp dụng thì những thách thức đặt ra đối với HNB địa phương không phải là nhỏ.
Tôi được biết, từ đầu năm 2018, khu vực miền Bắc đã có 1 HNB địa phương thực hiện, bên cạnh đó, một số HNB địa phương khu vực phía Nam đã và đang rục rịch phải thực hiện; thậm chí có VP Hội và tất cả thành viên Văn phòng cách đây 1-2 tháng đều không có lương và kinh phí hoạt động... Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, đời sống của những người làm công tác Hội, trong đó có những nhà báo đã cống hiến cho sự nghiệp báo chí với thâm niên hàng mấy chục năm rồi… Vậy điều này có hợp lý, hợp tình?!
Từ thực tế này có thể thấy, hiện nay một số địa phương đã và đang có sự nhìn nhận chưa chuẩn về vai trò, vị trí, vị thế của HNB, nên dường như đã “đánh đồng” HNB với các Hội quần chúng, xã hội khác, cùng “gom” vào cùng một “rọ” trong việc thực hiện một chủ trương lớn, có ý nghĩa của Đảng, Nhà nước - thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII.
Như chúng ta đều biết, với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp (đã được các văn bản của Đảng, Nhà nước công nhận, đặc biệt đã được luật hóa trong Luật Báo chí 2016), 68 năm qua - trong chặng đường xây dựng và phát triển của mình, Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) đã từng bước khẳng định được vị thế, phát huy được vai trò của người làm báo cách mạng, luôn đồng hành cùng dân tộc, theo Đảng, phục vụ nhân dân. Trong thành công của cách mạng, có đóng góp không nhỏ của báo chí, các thế hệ nhà báo.
Bên cạnh đó, Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới” sau gần 15 năm thực hiện vẫn còn nguyên giá trị…
Cần có sự đánh giá đúng về vai trò, nhiệm vụ của HNB
Nhà báo Hoàng Thiềng dẫn chứng: Thấu hiểu và nhìn nhận rất đúng về sứ mệnh, vai trò của HNB và báo chí Hải Phòng nên lãnh đạo TP. Hải Phòng luôn ghi nhận và đánh giá đúng về những đóng góp của các thế hệ người làm báo cách mạng và tổ chức đại diện cho tiếng nói của họ - đó là HNB.
Và danh xưng “Ngôi nhà chung của những người làm báo đất Cảng” là do các thế hệ làm báo ở Hải Phòng đặt tên cho HNB Hải Phòng gần ba chục năm qua. Danh xưng đó là sự ghi nhận những nỗ lực của tổ chức Hội luôn hướng tới những người làm báo, vì sự trưởng thành của người làm báo cả về nghề và tâm.
Để có được sự ghi nhận đó, Hội của những người làm báo Hải Phòng luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Thành ủy và UBND thành phố, sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của HNBVN. Đồng thời HNB Hải Phòng luôn gắn bó và đồng hành mật thiết với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thành ủy và Văn phòng UBND thành phố về những vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí.
Hiện nay, trên địa bàn Hải Phòng có 38 cơ quan báo chí T.Ư đặt văn phòng đại diện, thường trú; 3 cơ quan báo chí của Quân khu 3 và Hải Quân, 7 cơ quan báo chí của TP; với gần 400 hội viên. Những người làm báo đặt niềm tin vào tổ chức Hội thông qua các hoạt động thiết thực vì nghề đối với các nhà báo, hội viên như: hoạt động giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn; tổ chức các giải báo chí của địa phương theo từng chủ đề sát với những chủ trương, giải pháp trọng tâm của thành phố trong năm; tham gia và đoạt giải ở các Giải báo chí Quốc gia, Giải báo chí của T.Ư.
Chính từ những hoạt động thiết thực có hiệu quả của Hội nên Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng luôn quan tâm tới tổ chức của những người làm báo Hải Phòng. Hằng năm, ngoài nguồn ngân sách cấp ổn định cho hoạt động của Hội, thành phố còn quan tâm xét cấp bổ sung cho những hoạt động đột xuất liên quan đến nhiệm vụ chính trị và nghề nghiệp mà HNB Hải Phòng đệ trình.
“Tôi thiết nghĩ, để phát huy hơn nữa vai trò của HNBVN trong tình hình hiện nay, mong rằng các ngành, các cấp cần thực hiện đúng theo tinh thần Chỉ thị 37 của Ban Bí thư đã quy định. Mong rằng các địa phương cần có sự nhìn nhận chuẩn về vai trò, vị trí của HNB địa phương để có sự quan tâm, giải pháp cụ thể linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi để HNB thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của mình, qua đó để việc thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 6 mới đạt được hiệu quả một cách thiết thực…”, Thường trực HNB Hải Phòng Hoàng Thiềng đề xuất.
Theo Ngọc Lành (Ghi)Báo Nhà báo & Công luận