Để “lửa nhân tâm” thắp sáng trong phương châm SXKD của doanh nghiệp phải
biết khơi dậy tính thiện ở doanh nhân (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)
Tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã đề ra mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo đó, để phát triển doanh nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực. Có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật… Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Đây được xem là một chính sách “mở đường” để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn và đúng pháp luật. Tuy nhiên trong thời gian qua vẫn còn những địa phương, cơ quan gây khó cho doanh nghiệp, thậm chí tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh khiến doanh nghiệp bị tổn thất.
Ở khía cạnh khác, có những doanh nhân còn sản xuất, kinh doanh chụp dựt, trắng trợn vi phạm pháp luật, thậm chí hiểu Nghị quyết 35/NQ-CP một cách mơ hồ, cố chấp, nếu không muốn nói là bất chấp để tư lợi...
Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp luôn có sự khát khao, đam mê làm giầu, nhưng điều cần hơn ở họ là làm giầu đúng quy định của pháp luật. Để “lửa nhân tâm” luôn thắp sáng trong mỗi doanh nhân và phương châm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bên cạnh biểu dương, tôn vinh doanh nhân tốt, phải coi trọng việc giáo dục, khơi dậy tính thiện, sự đoàn kết trong cộng đồng, đấu tranh mạnh mẽ với những doanh nghiệp, doanh nhân vi phạm. Phải luôn xem Nghị quyết 35 và các quy định pháp luật khác liên quan là cơ sở để ứng xử với doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân sao cho công bằng, đúng pháp luật. Doanh nghiệp, doanh nhân cũng phải hiểu đầy đủ, nhìn vào Nghị quyết 35 để soi chiếu việc làm của mình sao cho đúng. Đất nước cần những doanh nhân khát khao làm giầu, nhưng cần hơn ở họ một ngọn lửa khác, đó là: “Ngọn lửa nhân tâm”.
Lam Vũ