Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Sử dụng quyền ưu tiên (14/12/2018-11:06)
    (NLBTH) - Có một bài hát về đề tài người thương binh rất cảm động mang tên “Vết chân tròn trên cát” làm lắng lòng hàng triệu trái tim. Ở đó, người thương binh tàn nhưng không phế, không chỉ đẹp về nhân cách, mà còn ở nghị lực.
Xe dán lô gô thương binh lộng hành trên đường phố (ảnh minh họa, từ internet)

Thế nhưng mấy ngày nay hình ảnh cao quý ấy đã bị một số thương binh quá khích làm ảnh hưởng khi họ xô đổ hàng rào, đạp trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, chiếm cứ nơi này để gây áp lực được ưu tiên mua vé xem bóng đá.

Những thương binh khát khao có tấm vé cho riêng mình đang xô đổ đi hình ảnh đẹp đẽ mà cả dân tộc ngưỡng vọng, đất nước giành cho họ, những đồng đội đã đổ máu xương để có. Có đáng như thế không?

Đây không phải lần đầu xuất hiện những thương binh thiếu kiềm chế. Trước đó không ít thương binh đã tạo ra hình ảnh không đẹp khi công khai cản trở việc giải phóng mặt bằng một cách cực đoan ở nhiều dự án. Rồi những thương binh lợi dụng uy tín, danh nghĩa và quyền ưu tiên của mình để gây áp lực trong đấu thầu chợ, đấu thầu công trình và nhiều dịch vụ khác, sau đó lộng hành, o ép người sử dụng, đã bị báo chí lên án. Gần đây là tình trạng nhiều xe vận tải gắn biển thương binh vi phạm pháp luật về giao thông, trành giành khách.

Thậm chí trong cuộc sống hàng ngày có những tấm thể thương binh được chủ nhân rút ra như một tấm “thẻ bài” chỉ để nhằm yêu cầu được đối xử đặc biệt hơn.

Người thương binh đã đi qua những cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc xứng đáng được tôn vinh, tri ân. Đất nước đã giành riêng ngày 27/7 hàng năm là ngày thương binh - liệt sỹ, như là biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công. Chính sách đối với người có công cũng được Nhà nước giải quyết kịp thời không chỉ với đối tượng chính sách mà với cả thân nhân của họ…

Hình ảnh người thương binh dù không còn vẹn nguyên hình hài, nhưng luôn là hình ảnh đẹp, có tác dụng bồi đắp, thôi thúc lý tưởng sống cho những thế hệ tiếp nối. Nhưng bởi thiếu kiềm chế, những thương binh quá khích đã làm xấu xí đi hình ảnh của mình, làm cho quyền được ưu tiên của họ không còn thật sự thiêng liêng, trân trọng nữa.

Những người lính không tiếc máu xương cho sự độc lập của dân tộc, là những anh hùng, nhưng không thể xem mình như là “công thần” để đòi hỏi quyền được ưu tiên trái pháp luật. Việc làm của họ chắc chắn khó để nhận được sự đồng tình của những đồng đội, đồng chí.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Cần thiết, nhưng phải cấp thiết trong thực hiện (11/12/2018-11:15)
  • Sự thách đấu cực đoan và đoạn kết của… thói “anh hùng” (10/12/2018-09:06)
  • Nỗi niềm mùa 76 (06/12/2018-22:33)
  • Chuyện không hề nhỏ (04/12/0018-12:59)
  • Trách nhiệm cộng đồng đấu tranh với “tín dụng đen” (03/12/2018-9:15)
  • Tiết chế cảm xúc! (30/11/2018-8:29)
  • Bênh vực cảm xúc (27/11/2018-8:20)
  • Thôi thúc trách nhiệm cao hơn để đôi tay nghệ nhân không run rẩy (26/11/2018-9:07)
  • Động lực lớn cho mục tiêu cao hơn (22/11/2018-23:18)
  • Minh bạch cho người nghèo (22/11/2018-10:15)