Ngày thơ Việt Nam 2018 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Đề cập điều này bởi bên cạnh đội ngũ nhà thơ chân chính, tận hiến cho thơ, có không ít người làm thơ đang xem thơ như một phương tiện.
Có nhà thơ trong một năm cho xuất bản liên tục hai tập thơ nhằm đáp ứng đủ tiêu chí cho mục tiêu mà anh đang hướng tới. Tập thứ nhất anh bỏ tiền in chỉ để tặng, nhưng đến tập thứ hai thì buộc phải nghĩ đến chuyện phát hành. Anh kể có lần định vào phòng Chủ tịch UBND một huyện tặng thơ nhân thể đề nghị mua ủng hộ ít cuốn, nhưng mấy lần bước lên cầu thang rồi lại xuống, cuối cùng phải ra quán rượu uống mấy chén mới đủ dũng khí.
Hỏi thơ của anh hay như thế, cách phát hành này liệu có đáng không, thì anh bảo cũng là bất đắc dĩ. Bây giờ có nhiều người làm thơ phát hành không từ thủ đoạn khiến cho nhiều người ngại tiếp nhà thơ.
Một thủ trưởng cơ quan kể rằng ông bị ép mua một lúc gần trăm cuốn thơ. Hỏi lý do vì sao, nhà thơ trả lời rằng trong tập thơ có hình bóng cánh rừng mà ông quản lý. Tìm mãi chẳng thấy, thì nhà thơ chỉ vào một bài thơ viết về vầng trăng hạ tuần và nói rằng bài thơ được viết khi ngồi ở bìa rừng thuộc lâm hạt của ông. Không có bìa rừng ấy sao có thể quan sát được ánh trăng để sáng tác bài thơ.
Quanh dòng chảy của thơ là không ít nỗi niềm, và dù biết rằng con đường đi của thơ bây giờ là không dễ dàng, nhưng xin hãy để cho thơ bình đẳng đến với bạn đọc như các sản phẩm văn hóa khác, bằng giá trị thực của thơ. Đừng biện minh bằng những lý do nào đó để sản sinh ra những bài thơ như đứa con “thiếu tháng”, rồi tìm cách này cách kia để phát hành.
Rất nhiều bài thơ chẳng có sự ép buộc nào nhưng những vần thơ và tên tuổi nhà thơ vẫn in sâu trong đầu bạn đọc, đi cùng năm tháng.
Thay cho việc đỗ lỗi tại cơ chế, cần một sự nỗ lực sáng tác hơn.
Mỗi Rằm tháng Giêng, ngày thơ Việt Nam lại được nhiều địa phương, cơ quan tổ chức nhằm ghi nhận sự đóng góp của thơ đối với đời sống, tôn vinh người làm thơ, tạo diễn đàn kết nối thơ với bạn đọc. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm, đánh giá đúng mức giá trị của thơ, từ đó đòi hỏi người làm thơ càng phải nỗ lực giữ hình ảnh đẹp cho thơ và chính mình.
Lam Vũ