Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Ông trụ trì nhiều chùa trong nước, trong đó có chùa Tượng Sơn ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhân Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông vừa được tổ chức tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông về lối sống lành mạnh theo quan điểm Phật giáo.
Phóng viên (PV): Thưa Thượng tọa, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông năm nay có chủ đề “Cầu sức khỏe, cầu bình an”, là người chủ trì nhiều buổi thuyết pháp về vấn đề này, xin ông cho biết đối với người dân nói chung làm cách nào để đạt được sức khỏe và bình an?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Tôi rất vinh dự được Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam trao trọng trách trụ trì chùa Tượng Sơn nên dù thời gian bận rộn tại TP Hồ Chí Minh (Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng là trụ trì Chùa Giác Ngộ, tại TP Hồ Chí Minh-PV) nhưng đến ngày giỗ của Đại danh y Lê Hữu Trác tôi vẫn phải sắp xếp thời gian để về. Đức Phật trong kinh điển đại thừa còn được gọi là Đại Dược Sư nghĩa là "thầy thuốc lớn". Thầy thuốc lớn ở đây mang ý nghĩa không chỉ đem đến sức khỏe thể chất, mà còn mang đến sức khỏe cảm xúc, sức khỏe đạo đức và sức khỏe tâm trí.
Để cuộc sống trở nên hạnh phúc và hữu dụng, ngoài việc chăm sóc cơ thể, con người còn phải làm chủ cảm xúc, nâng cao đời sống đạo đức, tôn trọng luật pháp, tôn trọng lương tâm, hài hòa xã hội. Theo đạo Phật, sức khỏe tâm trí là quan trọng nhất. Bởi khi con người có trí tuệ, người ta được ví như có ánh đuốc soi sáng thế gian, đó là chìa khóa tháo gỡ những bế tắc. Quan điểm đạo Phật cho rằng phần lớn những nỗi khổ, niềm đau đều là do si mê. Trong đó các tập tục mê tín dị đoan như dâng sao giải hạn, bói toán, xem hung kiết, năm xui tháng rủi… đều là do chúng ta thiếu kiến thức về các quy luật xã hội, quy luật nhân sinh, quy luật nhân quả, quy luật đạo đức... và quan trọng nhất là quy luật biến các ước mơ thành hiện thực. Bằng những nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng bốn loại sức khỏe này sẽ giúp chúng ta có được một cuộc sống an vui.
Đồng diễn thể dục diễn sinh rèn luyện sức khỏe thể chất. Ảnh chụp
tại Khu di tích Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: NGUYÊN PHONG.
PV: Nhân việc ông nhắc đến dâng sao giải hạn, hoạt động gây ra nhiều dư luận không tốt trước cửa chùa hiện nay. Ông cho biết quan điểm của GHPG Việt Nam, và của ông, với tư cách là Phó ban Giáo dục Phật giáo Việt Nam về vấn đề này?.
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Về phương diện minh triết của Đức Phật, trong bài kinh giáo huấn cuối cùng Ngài đã nhắc nhở tăng ni trong việc hành nghề thì không được dâng sao giải hạn, bói toán vì đó là mê tín. Về việc một số chùa tổ chức lễ dâng sao giải hạn chúng ta cần phân định có hai khu vực, từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau thì việc dâng sao giải hạn ở các chùa gần như không có; thói quen này là dấu tích của hiện tượng tiếp biến văn hóa ở một số chùa miền Bắc, Bắc Trung Bộ. Đối với những chùa ở khu vực phía Nam, vào ngày mồng 8 tháng Giêng có lễ cầu an, gồm ba nội hàm: Cầu hòa bình thế giới, cầu quốc gia độc lập, cầu mọi người thuận duyên hạnh phúc trong cuộc sống. Đó là những lời nguyện cầu rất chân thành, là nguồn động lực tâm lý thúc đẩy mọi người nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả mình mong muốn. Nếu các chùa tiếp biến văn hóa ở mức độ này thì rất đáng tán dương. Tuy nhiên, ở một số chùa vẫn cúng sao, đọc tên giải hạn thì theo Đức Phật là gây ra mối sợ hãi. Ví dụ, khi nghe phán rằng năm nay bị sao xấu, vận hạn xấu thì gần như người ta bỏ lỡ các cơ hội, hợp đồng làm ăn, không nỗ lực phấn đấu nữa. Chính sự bất an đó là nguồn cơn của nỗi khổ niềm đau. Tôi rất mong các vị tăng sĩ hãy dựa vào nền minh triết của Đức Phật để dẫn dắt quần chúng thoát ra con đường sợ hãi, tránh lãng phí, tốn kém.
PV: Ông có lời khuyên gì dành cho những người vẫn còn tin vào việc dâng sao giải hạn và chúng ta cần làm gì để có được sức khỏe tinh thần tốt; đồng thời đẩy lùi được vấn nạn mê tín dị đoan?
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Quan điểm Phật giáo coi việc dâng sao giải hạn này là mê tín. Và một số người vẫn tham gia thực hành dâng sao giải hạn chỉ nhằm trấn an tâm lý. Tuy nhiên, điều này không giải quyết được gốc vấn đề, thay vào đó theo minh triết của Đức Phật, con người muốn giải quyết những mối bất an thì cần phải gieo nhân tích đức, làm việc thiện. Thất bại hay thành công, hạnh phúc hay khổ đau đều do lối sống, hành vi của chính mình tạo ra. Lối sống nhân văn, đạo đức làm nhiều việc tốt, việc nghĩa thì tâm mình sẽ an vui, cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng và động cơ đúng đắn thì bất kỳ ai cũng đều có thể biến ước mơ thành hiện thực. Điều đó đúng với lời dạy của Đức Phật: Nếu chỉ có cầu nguyện mà không nỗ lực thực hành thì sẽ rơi vào tình trạng cầu bất đắc khổ. Tức là nỗi khổ do thất vọng, bởi những điều cầu nguyện không thành.
Tóm lại, việc dâng sao giải hạn chỉ là hoạt động trấn an tâm lý, phản khoa học, phản nhân quả và không phải giải pháp thoát khổ. Như Đức Phật đã dạy giải pháp ở đây cần khoanh vùng nguyên nhân, tìm tới chánh đạo để vượt qua các bất hạnh.
PV: Trân trọng cám ơn ông!
Đông Anh (thực hiện)/Báo QĐND