Thứ ba, ngày 26/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Chống dịch phải như chống giặc (01/03/2019-10:49)
    (NLBTH) - Dịch tả lợn Châu Phi đã trở nên rất nguy hiểm khi xuất hiện tại Thanh Hóa. Ngày 25/2/2019 huyện Yên Định đã công bố tình trạng bệnh dịch này.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Dù không có khả năng lây nhiễm sang người, nhưng vius dịch tả lợn Châu Phi có thể gây tử vong cho 100% đàn lợn bị mắc, mức độ thiệt hại là rất rõ ràng.

Hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có hàng trăm trang trại chăn nuôi lợn quy mô, hàng nghìn gia trại và đàn lợn nuôi trong dân là rất lớn.

Trên địa bàn Thanh Hóa cũng có một số nhà máy và cơ sở chế biến gia súc quy mô, nguồn thực phẩm an toàn phục vụ cho chế biến là rất quan trọng, không chỉ đảm bảo sự vận hành ổn định cho nhà máy, mà còn đảm bảo uy tín cho vùng nguyên liệu. Tất cả những yếu tố này cho thấy công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi quan trọng thế nào đối với chúng ta.

Mặc dù chưa để ra sai sót lớn, nhưng qua những lần phòng, chống dịch ở gia súc, gia cầm trên địa bàn Thanh Hóa cho thấy có thời điểm, và ở một số địa phương vẫn còn bộc lộ sự chủ quan, lơ là.

Nhiều người chăn nuôi quan niệm dịch ở đâu đó chứ không thể ở địa phương mình, mức độ nguy hại chẳng qua là do truyền thông thổi phồng lên. Chính vì thế việc tiêu độc, khử trùng, khoanh nuôi tập trung để chống lây nhiễm không được nhiều hộ chăn nuôi chú ý. Họ chỉ làm khi có yêu cầu, và phần nhiều vẫn là đối phó. Chỉ khi nào đàn vật nuôi lăn ra chết họ mới giật mình, vô vọng.

Đáng nói hơn trong tiêu hủy gia súc nhiễm bệnh, dù đã nhận được hỗ trợ nhưng một số hộ chăn nuôi vẫn có tâm lý trì hoãn để chờ đợi “còn nước, còn tát” vớt vát được ít nào hay ít nấy. Có gia đình cố tình vận chuyển đàn gia súc sang vùng chưa có dịch để hy vọng không phải tiêu hủy. Làm như thế là họ đã đem nguồn bệnh sang khu vực khác.

Đây là việc mà người dân phải nhận thức được, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, giám sát việc giết mổ, tiêu thụ thực phẩm.

Cùng với việc lập và canh trực đầy đủ ở các chốt kiểm dịch, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, vì ý thức cộng đồng. Chỉ có thông suốt về tư tưởng, không lơ là với dịch bệnh, không di chuyển đàn vật nuôi vô lý, không chây ỳ trong tiêu hủy, không đào trộm đàn lợn đã chôn để chế biến, chính là người dân đang chung tay cùng cơ quan chức năng phòng, chống dịch hiệu quả.

Chúng ta phải xác định mức độ nguy hại của dịch bệnh không khác gì thiên tai, địch họa để chống dịch như chống giặc, mới hy vọng ngăn chặn được dịch.


Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Từ bỏ tín ngưỡng phi pháp (26/02/2019-8:18)
  • Câu hỏi về súng (24/02/2019-21:00)
  • Lễ hội đầu xuân và sự thất bại của những bản cam kết (22/02/2019-12:50)
  • Sự xấu xí ẩn nấp (18/02/2019-21:10)
  • Giữ hình ảnh thơ (17/02/2019-21:20)
  • Lắng nghe để điều chỉnh (15/02/2019-14:41)
  • Bỏ thói quen xấu (11/02/2019-09:03)
  • Khuyến học phải từ tâm (08/02/2019-17:25)
  • Lợi ích vụn vặt, nguy cơ lớn (29/01/2019-7:53)
  • Đằng sau những đứa trẻ thạo việc (27/01/2019-11:16)