Ảnh minh họa, từ internet
Trọng vụ án này đối tượng đã tung tin mình là người trong một công ty của Nhật Bản trúng gói thầu cung cấp phương tiện chở chuyên gia phục vụ dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 để ký hợp đồng thuê xe rồi đem cầm cố. Chúng còn nhận tiền đặt cọc giữ chỗ chạy xe và vị trí lái xe với số tiền 1,19 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Người dân cho biết các đối tượng còn giới thiệu có người thân là cán bộ công an khiến họ giao tiền mà không hề có bất cứ giấy tờ giao nhận nào.
Dù số tiền và tài sản bị chiếm đoạt không quá lớn, nhưng mất mát về lòng tin cũng như gây ra tác động xấu về trật tự xã hội thì không hề nhỏ.
Chúng ta đã nghe đến nhiều vụ án chiếm đoạt tài sản bằng việc mê muội lòng tin của con người. Khi người trong cuộc còn chưa kịp tỉnh ngộ, thì lại có thêm nạn nhân mới bước vào. Thủ đoạn của các đối tượng cùng một công thức, và sự giống nhau nữa là khi khai báo với cơ quan chức năng phần đa nạn nhân đều thừa nhận mình thiếu hiểu biết, đặt niềm tin quá cao vào đối tượng.
Có thật là họ thiếu hiểu biết hay họ không muốn hiểu biết?
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật vẫn hàng ngày được cơ quan chức năng đưa đến người dân, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người lắng nghe, tiếp nhận điều đó? Nhiều người vẫn lấy ý chí thay cho quy định của pháp luật, chọn lòng tin không có cơ sở làm điểm tựa mong manh.
Phải khẳng định, lòng tin là điều cần thiết ở mỗi người, nhưng kém hiểu biết thì lòng tin sẽ rất dễ bị dẫn dắt, chi phối, và thôi thúc từ chính lòng tham của mình.
Quan hệ kinh tế phải dựa trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan. Bỏ qua định chế quan trọng này để được giải quyết nhanh nhất, có lợi cục bộ, sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề.
Đã có nhiều vụ vỡ hụi, vụ án lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tiền xin việc, xin dự án, lừa đảo bán hàng đa cấp, bán hàng núp danh cơ quan Nhà nước bị phanh phui. Không phải người dân không biết, nhưng đáng nói là dễ dàng bị họ bỏ qua. Nhiều người quan niệm đó là chuyện ở đâu chứ không phải với mình, và lúc này.
Người dân cả tin, thiếu hiểu biết dẫn đến mất mát tiền bạc, tài sản đã đành, điều cần là chúng ta phải rút ra bài học từ nỗi đau đó để làm chủ trước những thông tin ngụy tạo, tiết chế lòng tham nhằm tăng sức “đề kháng” trước thủ đoạn lừa đảo.
Lam Vũ