Cùng với sự ra đời của nhiều cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí, đội ngũ người làm báo cũng trở nên đông đảo hơn, với trên 24.000 hội viên nhà báo.
Tuy nhiên, đứng trước những thách thức hiện nay, nhất là sự phức tạp và bùng nổ của mạng xã hội, các hạ tầng truyền thông, cũng như những cám dỗ của cuộc sống, đang hiện ra những lo ngại về nguy cơ chệch hướng, xa rời tôn chỉ, mục đích của một số tờ báo, vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở một bộ phận người làm báo.
Lập lại trật tự, siết lại kỷ cương bằng những quy định cụ thể, để báo chí ngày càng phát triển đúng định hướng, mạnh hơn, nhân văn hơn, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển của đất nước là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Cùng với những quy định mang tính pháp luật, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang góp phần quan trọng tạo ra một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của báo chí thời đại kỹ thuật số.
Đây được xem như là sự bổ sung cần thiết cho 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam mà Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành trước đó. Đồng thời là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam các cấp xử lý các hành vi sai phạm của người làm báo trên không gian mạng.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, nhằm xác định phát triển báo chí Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới. Từ đó tạo động lực, cơ sở và niềm tin mạnh mẽ hơn, để báo chí ngày càng đóng góp hiệu quả vào sự ổn định và phồn vinh của đất nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thống đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch với lộ trình cụ thể, có thời gian để các ngành, địa phương cơ cấu, sắp xếp lại các cơ quan báo chí sao cho phù hợp, hiệu quả hơn.
Rõ ràng và chắc chắn rằng, việc ban hành Quy hoạch báo chí, siết lại đạo đức nghề nghiệp của người làm báo không ngoài mục đích để cơ quan báo chí mạnh hơn, mà qua đó, đội ngũ người làm báo cũng được thanh lọc, nâng tầm, để trở nên ưu tú hơn, tinh nhuệ hơn, thêm thẳng ngay, chính trực với nghề, với đời.
Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay là dịp để mỗi người làm báo chúng ta thêm ngẫm nghĩ về nghề, trau dồi nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, để xứng tầm hơn, đóng góp hiệu quả hơn cho nghề nghiệp vinh quang và cao quý mà chúng ta đang đảm trách.
Chính vì vậy, càng tự hào về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi người làm báo càng cần vững tin vào sự đổi mới của Đảng, Nhà nước ta về công tác báo chí.
Lam Vũ