Bố, mẹ tôi không còn nên được nhà chùa cài lên ngực áo bông hồng màu trắng, trong khi nhiều người được cài bông hồng màu đỏ.
Chỉ là bông hồng cài áo thôi, nhưng lại gắn liền với tâm trạng, sự may mắn hay phiền não của mỗi người, và mỗi lần như thế càng khiến tôi thêm bùi ngùi thương nhớ người xưa không còn nữa. Tôi thường chọn cho mình một góc trong đại điện để tĩnh tâm suy nghĩ, tin rằng sẽ chẳng có lễ vật nào hơn thế, xứng với sự dưỡng dục của đấng sinh thành.
Thế nhưng cũng mỗi mùa Vu lan, nhìn cảnh nhà nhà tấp nập mua sắm trên phố, những đàn tràng cúng lễ cầu kỳ ở nhiều tư gia, trong một số cơ sở thờ tự được lập ra, có lúc tôi lại nghĩ việc ứng xử của mình như thế liệu phù hợp hay chưa. Phải chăng mình đang có sự khác người? Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn mình tôi lại tự đưa ra những lý lẽ. Rồi tôi mường tượng đến ngùn ngụt khói hương, xác vàng mã tả tơi trên phố, những mâm cỗ cúng cầu kỳ nhiều tầng, nhiều món...
Những mâm lễ cho thấy một sự tốn kém, và trong đó có thể được lồng cả ý chí của chủ nhân.
Dù là vậy, nhưng liệu lễ vật ấy có khiến cho người đã khuất cảm động và tha thứ hay không?
Tôi có niềm tin về lòng thành kính, hiếu lễ trước hết phải xuất phát từ tâm mình. Bày ra lễ lạt phức tạp mong xóa đi nghiệp chướng, những lỗi lầm mình đã gây ra, có phải là quá dễ dãi hay chăng?
Trong cuộc sống có những người con chỉ biết mải mê kiếm tiền hoặc từng làm nhiều việc ác, ngược đãi đấng sinh thành, khi cha mẹ qua đời cũng chẳng kịp về chịu tang, nhưng lại chi tiền mua nhiều vàng mã, mất công làm cỗ bàn nhiều món để cúng dâng. Dường như đó là cách thể hiện lòng thành theo mức sống, chứ chưa hẳn đã là một sự hối hận hay biết ơn.
Cũng có thể đó là cách ứng xử với tâm linh theo kiểu chạy theo, mà không hiểu hết giá trị, ý nghĩa của việc mình làm.
Theo quan điểm của Phật giáo, vật phẩm nhiều không nói lên ý nghĩa của việc làm. Cúng lễ theo truyền thống văn hóa Việt Nam cần đơn sơ, bởi ý nghĩa của lễ Vu lan rằm tháng bảy là dạy cho con người về lòng hiếu thảo.
Thay cho sự lãng phí, nên làm những việc ý nghĩa hơn như lập đàn tràng cầu siêu cho liệt sỹ, chúng sinh, dùng tiền ủng hộ cô nhi, quả phụ, xây nhà cho người nghèo. Đó cũng chính là cách thể hiện lòng hiếu thuận với người quá cố, cũng là dịp để gột bớt đi nghiệp chướng mà mình đã gây ra.
Trước lễ Vũ lan năm nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản gửi các cơ sở thờ tự Phật giáo đề nghị không đốt, cúng vàng mã, thay vào đó nên làm việc thiết thực như cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên. Đây là việc cần thiết, nhưng thực hiện như thế nào lại phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người.
An Nhiên