Tranh minh họa, từ internet
Rồi một năm nữa, khi trường tổ chức chọn đội tuyển tham gia kỳ thi Tin học quốc gia, cháu đã không tham gia. Lần này thì tôi hỏi bố cháu vì thấy tiếc cho năng lực của cháu. Chẳng vòng vo, bố cháu bảo con gái chỉ cần học thế thôi. Đâu rồi chả vào đại học. Tôi bất ngờ, không tranh biện nữa. Đây không phải lần đầu tôi nghe chuyện định hướng nghề nghiệp cho con trẻ gắn giới tính.
Khi vấn đề bình đẳng giới đang được hết sức quan tâm, thì vẫn còn nhiều người đem theo tư duy cũ kỹ. Nghĩa là bằng suy nghĩ của mình họ đang vô tình gạt nhiều bé gái ra khỏi những cơ hội phát triển từ khi còn ngồi ghế nhà trường.
Tôi băn khoăn tự hỏi phụ nữ thì sao. Chưa có nghiên cứu nào khẳng định chỉ số trí tuệ của phụ nữ kém nam giới cả. Cơ hội cho cả hai giới là ngang nhau. Vấn đề là môi trường nuôi dưỡng và chính sách đãi ngộ để các em phát triển mà thôi.
Trong cuộc sống có một điều không hay là, khi đề cập đến phụ nữ nhiều người thường nghĩ đến thiên chức gia đình của họ nhiều hơn. Vì thế họ thường định hướng con gái vào học ở những nơi dự liệu sau khi tốt nghiệp sẽ nhàn nhã hơn với hy vọng có việc làm để kiếm được tấm chồng tốt.
Mặc định như thế chính là gây áp lực lên vai nam giới. Nghĩa là khi phụ nữ “nhường sân”, thì nhất thiết nam giới phải sáng tạo khoa học - kỹ thuật, điều hành sản xuất và kiếm tiền... Đó là gánh nặng thật sự khi phải nhân đôi công suất.
Bây giờ sự bình quyền đã đến cao độ. Quy hoạch cán bộ rất chú ý đến vấn đề giới. Khoa học cũng trao cơ hội làm chủ phòng thí nghiệm cho nữ giới. Doanh nghiệp cũng được điều hành bởi nhiều nữ doanh nhân... Vậy thì vì sao chúng ta cứ ôm đồm và mặc định với cách chọn lựa như thế?
Vì phụ nữ phải sinh con, dạy con và vào bếp sao? Pháp luật đâu có quy định những điều mà chỉ phụ nữ mới được làm, còn nam giới thì không, và ngược lại?
Trước mỗi kỳ tuyển sinh nhiều bé gái đã được định hướng rồi. Nghĩa là không cần phải quá suất sắc, chỉ cần đủ để đậu là được. Quan trọng là tiếp cận các kỹ năng “mềm” để lo cuộc sống gia đình sau này. Công trường, nhà máy, phòng thí nghiệm phải có cơ bắp, có cái đầu biết chịu áp lực...
Vì sự tiến bộ của phụ nữ là vấn đề lớn, nhưng xin hãy bắt đầu từ học đường cái đã. Đặt ra mục tiêu bình đẳng giới nghĩa là địa phương nào, lĩnh vực nào cũng phải có sự cân đối nhất định về giới. Nhưng điều đó đã mất cân đối ngay trong tư duy của không ít người khi con trẻ bước vào trường học rồi, thì khó để có thể đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng để thực hiện thay đổi về giới một cách đầy đủ sau này.
An Nhiên