Đồ họa minh họa, từ internet
Tôi từng công tác ở nhiều cơ quan, là những nơi cán bộ có trình độ không quá cao, nhưng mỗi khi họ có thái độ làm việc đúng mực thì đã phát huy được khả năng của mình. Nhưng tiếc là điều đó không xảy ra thường xuyên, và ai cũng thế.
Trong số họ có người tiếp tục đi học thêm kiến thức chuyên môn và các kỹ năng khác. Nhưng về cơ bản đó mới là việc làm nhằm đảm bảo yêu cầu cho vị trí việc làm theo quy định. Khi họ không có thái độ làm việc nghiêm túc, chưa phát huy được khả năng hiện có thì học thêm có thể cũng không giúp ích nhiều.
Gần đây các cơ quan quản lý về cán bộ đã đưa ra rất nhiều con số nhằm minh họa cho trình trạng công chức, viên chức bỏ bê nhiệm sở trong giờ làm việc. Cụm từ “sắng cắp ô đi, tối xách về” được nhắc tới nhiều hơn. Nhiều lãnh đạo trở nên cô đơn khi cán bộ không chịu làm việc, nhưng mỗi khi đánh giá, bình xét, họ lại a dua bảo vệ nhau bằng những lá phiếu theo kiểu “lợi ông, lợi tôi”. Họ có thể lấy thái độ làm việc để bảo vệ mình, nhưng điều đó lại không được nhiều người chọn.
Gần như cơ quan nào cũng có quy chế làm việc nhưng việc phát huy tác dụng không cao. Cán bộ viện đủ lý do gồm lấy cả sợi dây tình cảm để bao biện cho sự thiếu trách nhiệm.
Tôi nhớ có văn bản mình sửa nhiều lần nhưng những lần tiếp theo cán bộ tham mưu vẫn vấp lỗi ấy. Họ có thể sửa những lỗi đơn giản này nhưng thực tế đã không như thế. Tôi không cho rằng trình độ của họ có vấn đề, chỉ là thái độ làm việc chưa đúng mức mà thôi. Nâng cao trình độ là cần thiết, nhưng chỉ nhằm làm đẹp hồ sơ là sự lãng phí. Ở nhiều nước, thậm chí tại nhiều doanh nghiệp trong nước thái độ của cán bộ nhiều khi còn được xem trong hơn trình độ.
Người quen của tôi từng làm lãnh đạo chuyên môn tại một cơ quan quản lý Nhà nước. Khi muốn chuyển đổi môi trường làm việc anh tham gia ứng tuyển vào một số doanh nghiệp nhưng không trúng tuyển. Không phải năng lực của anh có vấn đề, mà lỗi được chỉ ra thuộc về thái độ làm việc.
Trình độ quan trọng nhưng nếu không có thái độ nhận thức đúng để định hướng trình độ, thì rất có thể cũng trở nên dư thừa. Cần phải xác định đúng mức thái độ của mình để phát huy tốt nhất khả năng góp phần kiến tạo một môi trường làm việc tích cực. Cách sử dụng nhân lực ở doanh nghiệp vì thế có thể áp dụng cho môi trường làm việc các cơ quan Nhà nước khi chúng ta đang hướng tới việc không thực hiện biên chế suốt đời và trả lương theo vị trí việc làm.
An Nhiên