Thứ bảy, ngày 30/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Phóng viên hiện trường - sự dấn thân trên mặt trận tin tức (28/05/2020-18:32)
    Với nhà báo Toàn Thư – phóng viên hiện trường Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC1, mỗi tin tức hiện trường không chỉ đơn thuần là đầy đủ nội dung mà còn phải thực tế, ấn tượng và hấp dẫn công chúng.
Phóng viên Toàn Thư - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC1 trong một chuyến đi tác nghiệp.

Trong thời đại công nghệ số, bất kể ai khi gặp một sự việc thì họ hoàn toàn có thể quay, chụp lại. Đối với phóng viên hiện trường, sức thuyết phục của dẫn hiện trường chủ yếu không nằm ở ngoại hình hay sự lưu loát của phóng viên, mà ở chỗ phóng viên đang có mặt trực tiếp và chứng kiến sự kiện, thậm chí có phần trải nghiệm cùng với những người trong cuộc. Với nhà báo Toàn Thư – phóng viên hiện trường Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC1, mỗi tin tức hiện trường không chỉ đơn thuần là đầy đủ nội dung mà còn phải thực tế, ấn tượng và hấp dẫn công chúng.

Phóng viên hiện trường luôn phải đa năng bám sát thực tế

Bắt đầu câu chuyện, nhà báo Toàn Thư chia sẻ rằng, phóng viên hiện trường có nhiều đặc thù, họ phải tích hợp đầy đủ yếu tố từ khả năng dẫn hiện trường cho đến trang phục dẫn, không nhất thiết phải thật đẹp đẽ, quá nổi bật, mà cần phải mặc phù hợp với bối cảnh dẫn. Máy móc luôn là vật dụng thiết yếu, phóng viên hiện trường cần biết sử dụng trang thiết bị như máy quay, máy thu âm, và sử dụng thành thạo trang thiết bị khi đi tác nghiệp…

Nhà báo Toàn Thư nhớ lại ký ức lúc mới vào nghề, khi đó công nghệ để hỗ trợ cho phóng viên hiện trường chưa hiện đại nhiều, máy quay, mic thu âm, đường truyền mạng internet còn kém, hồi đó chưa có mạng 4G, 5G nhanh và hiện đại để phục vụ cho truyền tin tức.  Anh chia sẻ: “Hồi đó máy quay và mic thu âm chưa được đầu tư loại tốt chính vì thế việc ghi hình và thu âm còn kém chất lượng. Sau này, khi có điều kiện, cơ quan đầu tư máy ghi hình, mic thu âm với độ phân giải cao, thu âm tốt nên chất lượng video hình ảnh cũng chuyên nghiệp, bắt mắt hơn. Những lúc tác nghiệp, khó có thể tránh được những trường hợp phát sinh ngoài ý muốn như máy móc, trang thiết bị lỗi, bản thân tôi và ekip lại cùng nhau mày mò kiểm tra, sửa chữa sao cho kịp tiến trình tin tức, cung cấp thông tin nhanh nhất cho độc giả mà không để ảnh hưởng đến khung giờ phát sóng. Từ đó, mà lượng độc giả xem mình dẫn cũng tăng cao, cảm thấy yêu nghề và luôn cố gắng truyền tải tin tức nhanh và chính xác nhất".

Khi mạng xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là Youtube, Facebook… nơi hội tụ đầy đủ những nguồn thông tin khác nhau, phóng viên có thể dùng smartphone để đăng tải hoặc phát trực tiếp những tin tức đang diễn ra cho độc giả theo dõi, tạo tính xác thực, chuyên nghiệp và đem lại nguồn thông tin bổ ích nhất cho độc giả. Theo nhà báo, phóng viên Toàn Thư thì ngoài việc đăng tải, phát trực tiếp dẫn hiện trường tin tức mới nhất, anh và các đồng nghiệp khác còn tạo Page, tạo nhóm để chia sẻ những thông tin mới nhất, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm nghề, kinh nghiệm bản thân của một phóng viên hiện trường trong quá trình đi tác nghiệp.

Ghi hình thôi chưa đủ mà cần làm nổi bật tin tức

Đài TH Kỹ thuật số VTC1 thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam chủ yếu sản xuất tin tức về mảng truyền hình, nên chất lượng video càng chuyên nghiệp, lối dẫn của phóng viên càng tự nhiên, sát với thực tế thì càng thu hút lượng độc giả theo dõi. Thực tế cho thấy, những video sản xuất tin tức đều phong phú về nội dung, video hình ảnh chất lượng không chỉ gây ấn tượng, đặc sắc mà còn được nhiều đồng nghiệp và được độc giả đánh giá cao.

Phóng viên Toàn Thư tác nghiệp dẫn hiện trường sạt lở lũ.
Phóng viên Toàn Thư tác nghiệp dẫn hiện trường sạt lở lũ.

Nhà báo Toàn Thư vốn có lối dẫn tự nhiên, chuyên nghiệp, đi sâu vào thực tế hiện trường nên những tin tức, sự kiện lớn nhỏ đều được thực hiện rất chuyên nghiệp. Đó là những sự việc như bão lũ, sạt lở hay dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, anh được giao đến trực tiếp hiện trường dẫn và hoàn thành nhiệm vụ một cách chỉn chu, linh hoạt. Guồng quay công việc với người phóng viên hiện trường rất lớn, ngày càng lớn. Anh tâm sự: “Từng có thời điểm ngày anh dẫn hiện trường tin sạt lở lũ, tối đến hiện trường dẫn tin sự kiện, phải đến tận 12h đêm anh mới xong nhiệm vụ”.

Chia sẻ về quan điểm làm phóng viên hiện trường, anh tâm sự: “Làm 1 phóng viên hiện trường, ngoài kỹ năng dẫn hiện trường phải thật tốt, luôn phải khiêm tốn trong cuộc sống nhưng lại biết thể hiện mình qua công việc và thái độ làm việc năng động. Với những sản phẩm tin tức giá trị, không ngần ngại chia sẻ chúng trên mạng xã hội và nếu có thể chia sẻ ở nhiều trang mạng khác”.

Để làm được việc đó, anh tự lập ra thời gian biểu cho mình. Tự đề ra mục tiêu cần phải hoàn thành trong từng tuần. Đây cũng là một cách khiến đầu óc luôn hoạt động và khiến ta năng động hơn. Bên cạnh đó, cần tạo không khí vui vẻ, chan hòa khi làm việc và kéo các đồng nghiệp lại phía mình để có một đội hình kết hợp hiệu quả. Với kinh nghiệm thực tế, anh cho rằng, các phóng viên trẻ là những nhân tố tươi mới, đầy ý tưởng và nhiều người có khả năng sử dụng công nghệ cho công việc và tra cứu rất tốt.

Phóng viên hiện trường đã và đang phải chịu sức cạnh tranh nhanh, kịp thời về mặt tin tức qua các mạng xã hội, đôi khi cạnh tranh với chính các đồng nghiệp ở cơ quan báo khác. Tuy nhiên, đây là sự cạnh tranh lành mạnh, nhằm thúc đẩy tinh thần sẵn sàng tác nghiệp đến hiện trường khi có sự việc, sự kiện vừa xảy ra. “Khi có sự kiện, sự việc vừa diễn ra tôi phải tìm hiểu kỹ vị trí xảy ra của tin tức để kịp thời đến đó tác nghiệp, không để tin tức bị chậm, cập nhật tin tức nhanh nhất cho độc giả ”, nhà báo Toàn Thư chia sẻ.

Để làm tin tức dẫn hiện trường thêm thu hút độc giả theo dõi, anh còn tự tìm hiểu, đọc thêm sách, sử dụng các phần mềm công nghệ hiện đại để củng cố, nắm chắc lý thuyết báo chí, bổ sung thêm cho bản thân lượng kiến thức chuyên môn. Việc "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng" là cách bổ sung lượng kiến thức rất tốt cho anh trong khi tác nghiệp.

Nghề phóng viên hiện trường vất vả hơn so với các vị trí khác trong nghề báo. Chính vì vậy, dẫn hiện trường thực tế đa phần là nam giới tham gia. Chia sẻ lý do chọn nghề, anh tâm sự: “Gọi là phóng viên hiện trường, vì thực tế nên không cần kịch bản nhưng cũng cần rất nhiều tư duy báo chí, từ việc ngôn ngữ, trang phục sao cho chính xác và phù hợp nhất, mà bản thân anh cũng phải am hiểu về địa bàn nơi hiện trường tin tức xảy ra thì mới cung cấp thông tin một cách chuẩn xác và chính xác nhất có thể”.

Trao đổi với phóng viên Toàn Thư, để hiểu hơn về công việc của người phóng viên hiện trường bắt nhịp với những thay đổi trong môi trường công nghệ số, để thấy sự yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của anh. Đối với anh, hạnh phúc đôi khi là được làm việc mình đam mê, mình thích, được gặp gỡ những con người, được đi mọi miền của Tổ quốc, nơi anh từng đặt chân đến tác nghiệp. Khi đó, mọi khó khăn, mọi áp lực trong công việc chỉ như một người bạn, luôn theo đuổi ước mơ và sống chung với những khó khăn, gian khổ người phóng viên hiện trường sẽ ngày càng trưởng thành hơn...

 

 

Theo Đình Trung/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Báo giấy - món ăn tinh thần không thể thiếu trong thời đại số (28/05/2020-18:28)
  • Bài 2: Khi người làm báo dùng mạng xã hội để tiếp cận gần người đọc (11/05/2020-12:24)
  • Bài 1: Làm chủ công nghệ để làm nghề hiệu quả (11/05/2020-12:20)
  • Sức sống của tác phẩm được hiện hữu trong đời sống thực (08/05/2020-12:04)
  • Bài 5: “Những người lính” không mang quân phục (16/04/2020-12:12)
  • Bài 4: "Tác chiến" trong đêm (16/04/2020-12:05)
  • Báo chí là lực lượng trực tiếp xung trận (16/04/2020-11:58)
  • Bài cuối: Lối đi ngay dưới chân mình! (14/04/2020-23:01)
  • Bài 5: "Kịp thời tiếp thêm nguồn lực để báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ" (14/04/2020-22:56)
  • Bài 4: Chính sách nào cho "mũi tiên phong"? (14/04/2020-22:52)