Ảnh minh họa, từ internet
Để sự cao quý được nuôi dưỡng, nhân lên, đòi hỏi ngày càng phải có nhiều hơn lao động dấn thân, thái độ thẳng ngay, chính trực của người làm nghề.
Những năm qua cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho báo chí hoạt động hiệu quả, thì pháp luật trong lĩnh vực báo chí cũng được hoàn thiện hơn, vừa góp phần điều chỉnh hoạt động báo chí đúng tôn chỉ, mục đích, cũng thôi thúc người làm báo lao động, sáng tạo đúng khuôn khổ.
Mới đây Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm thành lập, đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Thêm vinh dự lớn lao, cũng đồng nghĩa với trách nhiệm cao hơn được đặt ra cho nghề báo, người làm báo, cơ quan báo chí và tổ chức Hội Nhà báo trước sự nghiệp đổi mới ngày càng mạnh mẽ của đất nước, quê hương.
Hòa vào dòng chảy báo chí cả nước chung niềm vui lớn kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo, hội viên nhà báo trên địa bàn Thanh Hóa càng thêm tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với hoạt động báo chí.
Ngày 03/6/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 201-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, với mục đích tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan báo chí, của cán bộ, đảng viên, người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Thanh Hóa về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác báo chí cũng như hoạt động của Hội Nhà báo. Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác báo chí và hoạt động Hội Nhà báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như sự phát triển của tỉnh.
Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến có cơ quan báo chí bởi áp lực về nguồn thu mà xa rời tôn chỉ, mục đích; hội viên nhà báo, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, trước việc thực hiện sắp xếp, quy hoạch lại cơ quan báo chí để tinh gọn, phù hợp trong giai đoạn cách mạng mới, đẫn đến ít nhiều sự dao động, băn khoăn của một bộ phận người làm báo.
Nhưng dù có là thế, thì trên hết, cơ quan báo chí, mỗi người làm báo vẫn tin tưởng vào sự đổi mới, định hướng của cơ quan chức năng về hoạt động báo chí, càng nhận rõ giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, sự cao quý của nghề. Nhà báo, cơ quan báo chí vẫn ngày đêm theo đuổi mục tiêu tuyên truyền, góp phần cổ vũ, thôi thúc các phong trào yêu nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cả nước và ở mỗi ngành, địa phương.
Sự vinh quang và cao quý cũng như trọng trách lớn lao của nghề hơn tất cả đã chiến thắng cám dỗ, phần lớn người làm báo vẫn cho thấy hình ảnh đẹp đẽ của mình trên mặt trận không tiếng súng nhưng nhiều hiểm nguy, gian lao…
Yêu cầu đổi mới hoạt động báo chí thời gian tới sẽ ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi nhà báo càng phải chỉnh đốn, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, dấn thân cho nghề. Kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam cũng là thời điểm diễn ra Đại hội Hội Nhà báo Thanh Hóa lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây không chỉ là ngày hội của báo giới xứ Thanh, còn là dịp để hội viên nhà báo thi đua sáng tạo, hiến kế góp phần cho sự phát triển của nghề.
Càng tự hào về nghề, càng đòi hỏi nêu cao đạo đức nghề nghiệp để nhân lên sự vinh quang và cao quý.
An Nhiên