Thứ năm, ngày 02/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Dung dưỡng cho trào lưu (06/06/2020-19:24)
    (NLBTH) - Thời áo trắng có nhiều kỷ niệm, nhưng nó chỉ thật sự đáng nhớ nếu mai này ta biết nâng niu, trân quý, nhớ về nơi mình từng học, gắn bó và yêu thương, chứ không hẳn chỉ là những tấm ảnh được chụp kỳ công và tốn kém.
Ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet

Cái kiểu chia tay tuổi học trò có phần “phú quý sinh lễ nghĩa” như đang diễn ra ở nhiều trường học rõ ràng nên xem lại, trong đó phụ huynh là người đóng vai trò định hướng, không vì chiều lòng con trẻ mà a dua để các en đi quá giới hạn.

Đầu tuần này một phụ huynh trong ban đại diện đề xuất hỗ trợ các cháu đi dã ngoại chụp ảnh kỷ yếu. Tôi hỏi đi những đâu, thì được thông báo lịch trình có một số điểm quanh thành phố Thanh Hóa và một đêm ở biển Sầm Sơn.

Tôi hỏi chuyện xảy ra từ lúc nào, vì chưa thấy con tôi đề cập. Gọi điện thoại hỏi giáo viên chủ nhiệm thì biết các cháu đã đề xuất nhưng cô giáo không đồng ý vì nhà trường quán triệt mọi hoạt động chỉ diễn ra trong không gian trường học, vừa ý nghĩa, an toàn, lại không gây nhiều tốn kém.

Hỏi lại vị phụ huynh trong ban đại diện thì biết việc chụp ảnh kỷ yếu đã được nhiều phụ huynh đồng ý. Tôi đành miễn cưỡng gật đầu để khỏi mang tiếng là trưởng ban đại diện mà lại bàn lùi chuyện nhiều phụ huynh đã bàn, đã thống nhất.

Mấy ngày nay tôi cứ tự đặt câu hỏi rằng phụ huynh đồng tình và cổ vũ cho việc làm ấy, nhưng họ đã bao giờ đặt mình vào những hoàn cảnh khác trong lớp chưa?

Không phải gia đình học sinh nào cũng có điều kiện cả. Nếu không gắng sức theo số đông thì con mình dễ tủi thân. Nhưng gắng rồi thì thế nào khi chỉ vài tháng nữa các cháu sẽ nhập học, nhiều khoản tiền đầu khóa phải nôp. Một câu chuyện đã là nỗi niềm nhiều năm nay, và mỗi năm thêm nặng nề. Bên cạnh vấn đề kinh tế là sự an toàn, kỷ luật, mà không phải học sinh và phụ huynh nào cũng chia sẻ.

Hôm qua thì tôi đã có danh mục chi phí của chuyến đi, chỉ riêng tiền công chụp ảnh mỗi học sinh đã phải nộp 520.000 đồng, tiền thuê xe, thuê villa, trang phục, đạo cụ, tiền ăn… tổng cộng hơn 1.000.000 đồng một học sinh chưa kể chi phí cho phụ huynh đi theo chụp ảnh cùng các cháu.

Đặt câu hỏi về mức chi phí có phù hợp không, lập tức một số phụ huynh đưa ra dẫn chứng ở lớp nọ lớp kia như thế nào.

Dành yêu thương cho con trẻ là việc nên làm, nhưng cần đúng cách. Sự định hướng tốt về lối sống, cách chi tiêu đồng tiền bao giờ cũng giúp các con có hành trang tốt để bước vào trường đại học với nhiều vấn đề phải tự quyết định, nhưng nhiều người lại không nghĩ thế, mà đang đu theo trào lưu.

Trào lưu do con người đặt ra và chạy theo đến lúc quá giới hạn mới giật mình.

Đến giờ tôi vẫn ám ảnh về cái chết của một số học sinh khi chia tay tuổi học trò do bị sóng biển cuốn đi, hoặc ngã núi… Những cái chết lẽ ra đã không đến.

Làm kỷ yếu cần nhưng nên cân nhắc ở mức độ nào cho phù hợp. Kỷ niệm có thiêng liêng hay không, ra trường còn nhớ về nhau không quan trọng vẫn là cách nghĩ về nhau, chứ không phải chỉ là những tấm ảnh do người chụp sắp đặt.

An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Nâng tầm trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng (05/06/2020-10:12)
  • Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm quản lý cán bộ, đảng viên (03/06/2020-10:21)
  • Tăng cường sức mạnh bảo vệ trẻ em (01/06/2020-9:47)
  • Sự nhiệt tình quá mức (30/05/2020-15:10)
  • Lên “dây cót” trách nhiệm (28/05/2020-19:01)
  • Thích ứng nhanh để sớm vận hành ổn định (27/05/2020-10:05)
  • Lấy lại niềm tin cho việc thực thi chính sách (25/05/2020-11:13)
  • Mùa vàng phải là mùa vui trọn vẹn (23/05/2020-23:02)
  • Chưa dễ thay đổi (21/05/2020-19:58)
  • Học bình thường trong hoàn cảnh bất thường (20/05/2020-9:18)