Tuy nhiên, báo chí hoạt động trong nền kinh tế thị trường tất nhiên phải chấp nhận sự cạnh tranh và không thể không tính đến lợi nhuận. Và cũng từ lý do này nên vừa qua đã có một số tờ báo có sự thiếu nhạy bén chính trị; chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; còn để lọt thông tin, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật, xâm phạm đời tư; tình trạng xào xáo tin bài diễn ra thường xuyên, thậm chí còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Chưa bao giờ đạo đức của những người làm báo lại được xã hội quan tâm như thế. Vậy nên, việc xây dựng một Quy định đạo đức nghề nghiệp mới lúc này là rất cần thiết.
Chúng ta đều biết, một nhà báo tốt không chỉ biết giữ cho tròn mình, mà phải nhạy bén trong việc phát hiện vấn đề. Đồng thời phải có bản lĩnh để bắt mạch cuộc sống, biết cách thông tin phù hợp, hiệu quả. Làm sao để tác phẩm báo chí có sức sống, lay động dư luận xã hội, được công chúng đồng tình ủng hộ. Hay nói khác hơn là bằng sự công phu, bằng trí tuệ và lòng say mê nghề nghiệp, nhà báo chân chính phải làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình để không phụ lòng tin, sự kỳ vọng của nhân dân.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu nắm bắt thông tin ngày càng cao của người dân và sự đa dạng của nguồn cung cấp thông tin trong xã hội thì với người làm báo việc nêu cao đạo đức nghề nghiệp càng cần phải được đề cao. Bởi sản phẩm của nhà báo khi phát hành sẽ tác động đến nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội, mang tính đặc thù về nhận thức, định hướng về chính trị tư tưởng và đạo đức. Và như thế, nếu thông tin của nhà báo chỉ cần một chút thiếu thận trọng, chạy theo những nhu cầu rẻ tiền, đưa tin giật gân, câu khách trên báo chí sẽ để lại những hậu quả khôn lường, không dễ khắc phục. Trách nhiệm xã hội của nhà báo vì thế, luôn được đề cao thành một chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của người cầm bút.
Những ngày này, các cơ quan báo chí trong cả nước đang tập trung tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và góp ý để xây dựng Quy định Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Bản thân tôi nhận thấy, với 6 chương, 61 điều, Luật Báo chí 2016 đã quy định khá rõ ràng nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn… của các tổ chức, cá nhân về các lĩnh vực liên quan đến báo chí và hoạt động báo chí.
Trong đó có Điều 9, với 13 khoản quy định rõ các hành vi nghiêm cấm báo chí vi phạm. Nội dung của Luật cho thấy, bản chất việc chấp hành và thực hiện triệt để Luật Báo chí của mỗi cơ quan báo chí và các nhà báo, người làm báo đã cơ bản thể hiện đạo đức của người làm báo. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động của báo chí và hoạt động của nhà báo có những điều mang tính “lằn ranh” mà đôi khi Luật không thể lượng hóa được, vì thế mới cần đến Quy định Đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Do đó, khi nghiên cứu bản dự thảo Quy định Đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khởi thảo tôi cho rằng nội dung của 9 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo lần này về cơ bản đã thể hiện khá chi tiết những phẩm chất, yếu tố mà các nhà báo cần có, cần làm để thể hiện được cái tâm trong sáng, sự bản lĩnh về chính trị và tinh thông về nghiệp vụ.
Song, để giúp cho mỗi người làm báo chúng ta vững tin hơn với bản thân mình, không tính toán thiệt hơn trong công việc mà sẵn sàng dấn thân vì nghề nghiệp, tránh xa những cám dỗ tầm thường, thể hiện được đạo đức, trách nhiệm của mình là nhà báo cách mạng trước vận mệnh của đất nước, của nhân dân thì trong bản quy định mới này cần nêu rõ và cụ thể hơn về những biểu hiện, hành vi trái với chuẩn mực đạo đức nhà báo như: Cấm các nhà báo viết, các báo đăng thông tin sai sự thật (do phóng viên bịa ra); Thông tin méo mó (sai một phần); Không quan tâm đến hậu quả của thông tin; Ứng xử nhẫn tâm; Đưa tin không khách quan vì mục đích vụ lợi hay vì năng lực chuyên môn kém; Khuynh hướng thương mại hoá báo chí… Được như vậy bản Quy định sẽ chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện, đồng thời cũng giúp cho mỗi nhà báo nhận thức rõ một điều trong quá trình hoạt động báo chí nếu đi ngược, làm ngược những điều quy định này thì hoặc là sẽ vi phạm pháp luật, hoặc là sẽ sớm muộn tự huỷ hoại lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp của mình trước công luận.
Nhà báo Nguyễn Vân Chương
(Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên)