Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng - năm 2023: Sân chơi thắm tình đoàn kết giữa những người làm báo cả nước (17/11/2022-16:31)
Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo từ lâu đã là một sân chơi dành riêng cho những nhà báo, phóng viên có dịp trổ tài văn nghệ. Và hơn hết qua đó tạo cơ hội học hỏi, nâng cao đời sống tinh thần, tăng thêm tinh thần đoàn kết gắn bó để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chủ trì buổi họp báo thông tin về Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng - năm 2023. Ảnh: Sơn Hải
Năm nay sự kiện bắt đầu khởi động với rất nhiều điểm mới, tạo sự hứng khởi từ phía các Liên Chi hội, Chi hội và Hội Nhà báo địa phương.
Chuẩn bị tỉ mỉ chu đáo mọi điều kiện
Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo luôn là sự kiện văn hóa tinh thần đặc sắc của người làm báo cả nước góp phần gìn giữ và phát huy phong trào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng ở các cấp Hội cơ sở. Phát hiện, động viên các hội viên, người làm báo có năng khiếu, nhiệt tình ca hát làm hạt nhân cho phong trào.
Năm nay đối tượng tham gia cuộc thi đã được mở rộng hơn, gồm các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; cán bộ, nhân viên hiện đang công tác tại các cơ quan báo chí, các cấp Hội, các đơn vị quản lý báo chí, các cơ sở đào tạo Báo chí; sinh viên ngành báo chí, phát thanh truyền hình tại các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước.
Để giảm tải thời gian công sức, việc đi lại của các thí sinh, vòng thi sơ khảo được tổ chức trực tuyến. Các thí sinh gửi bản clip, ghi âm, MV trước về cho Ban Tổ chức, các tác phẩm là sản phẩm mộc không có sự hỗ trợ của công nghệ. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Tổ chức lựa chọn một cách khách quan, công tâm nhất tác phẩm cho vòng tiếp theo.
Thí sinh với tiết mục được chọn dự thi tại đêm Chung kết sẽ được mời tham dự huấn luyện tập trung tại Thủ đô Hà Nội vào thời điểm thích hợp ngay trước thời điểm diễn ra cuộc thi chung kết.
Ông Hoàng Trọng Phương - Giám đốc Công ty TNHH King Wood Media đơn vị phối hợp tổ chức cho biết: “Các bài hát của thí sinh sau đó sẽ được lựa chọn vào vòng sau, đặc biệt khi vào vòng chung kết các thi sinh được tập huấn khoảng 7 đến 10 ngày với các chuyên gia thanh nhạc của nhạc viện, nhạc viện quân đội, đây sẽ là thời gian đào tạo ngắn giúp cho thí sinh được hoàn thiện hơn theo hướng chuyên nghiệp”.
Có thể nói, trong mọi hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tổ chức luôn mong muốn cuộc thi có chất lượng tốt nhất, từ người làm báo với công việc hằng ngày bên những cây bút trang giấy, giờ họ có thêm điều kiện được học hỏi và hiểu hơn về các kỹ năng thanh nhạc, biểu diễn trên sân khấu. Việc tham gia các lớp tập huấn này cũng góp phần để thí sinh tự tin thể hiện khả năng của mình khi lên sân khấu. Mặc dù là sân khấu của người làm báo nhưng cũng được thể hiện một cách chuyên nghiệp, góp phần thu hút người xem.
Mở rộng các kênh quảng bá, tăng tính tương tác với khán giả
Năm nay, quy mô Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo được đầu tư có chiều sâu, ngay cả việc bài trí sân khấu cũng được chuyên nghiệp hơn, tất cả để thí sinh tỏa sáng trên sân khấu. Mặc dù là những ca sĩ bán chuyên nhưng họ được thể hiện trên một sân khấu chuyên nghiệp, với hình ảnh vũ đạo, màu sắc âm nhạc đều hòa vào lời ca tiếng hát. Ban Tổ chức cũng mang đến những thiết bị tốt nhất để cả người nghe, người thể hiện đều cảm nhận được một cách trọn vẹn.
Ông Hoàng Trọng Phương chia sẻ: Vào ngày diễn ra vòng chung kết, Ban Tổ chức sẽ phối hợp với VTV để truyền hình trực tiếp các tiết mục, sẽ có livestream trên fanpage của Ban Tổ chức cuộc thi để mọi người tiện theo dõi, để tăng tính tương tác với khán giả, cũng là cơ hội để cho khán giả cổ vũ, động viên “ca sĩ” mà mình yêu thích.
“Chúng tôi cũng chuẩn bị tài khoản trên TikTok để tăng lượng người xem. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng mở thêm cuộc bình chọn để khán giả tự lựa chọn chấm điểm cho thí sinh mình yêu thích nhất, được khán giả bình chọn nhiều nhất trên mạng Internet, đây cũng là điểm mới nhất của cuộc thi năm nay”.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng có những chương trình khích lệ thí sinh như: đưa top 15 thí sinh đi thăm quan một số di tích, di sản thiên nhiên để phối hợp quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh đó. Các nhà báo cùng nhau làm MV để giới thiệu về vẻ đẹp quê hương đất nước hay một di sản nào đó. Điều này cũng tạo không khí háo hức, phấn khởi cho các thi sinh tham gia ở năm nay và những năm sau.
Chạm đến trái tim khán giả bằng tiếng hát
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một trong những thành viên Ban Giám khảo “truyền thống” của cuộc thi cho biết, ông luôn cảm thấy rất vinh dự và vui mừng khi là một phần, trực tiếp tham dự một cuộc thi đặc biệt của người làm báo. Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận xét, ông đã từng nghe nhiều chương trình tiếng hát người làm báo và nhận thấy rằng khoảng cách giữa không chuyên và chuyên nghiệp không xa, thậm chí nhiều nhà báo có giọng hát rất đặc biệt. Nhiều nhà báo học hỏi được cách hát ở nhiều nguồn khác nhau tạo cho mình các kỹ năng, kỹ thuật riêng, có những nhà báo phóng viên có giọng hát tự nhiên có sức vang.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh đánh giá: “Tôi đã chấm nhiều lần ở các cuộc thi Tiếng hát người làm báo và năm nay đối tượng tham gia được mở rộng hơn và sẽ có những giọng hát mới, gồm cả các bạn sinh viên đang theo học lĩnh vực báo chí, đây cũng là nhóm đối tượng có nhiều giọng hát hay. Tôi nghĩ khi giọng hát của người làm báo vang lên, mọi người đều có thể cảm nhận được nội lực của người hát, thuyết phục được các thành viên trong Ban Giám khảo. Mặc dù là cuộc thi mang tính phong trào và có những tiêu chí riêng, nhưng điều quan trọng hơn hết là khi giọng hát được cất lên là chạm đến trái tim mọi người”.
Luôn quan tâm đến công tác tổ chức các chương trình, hoạt động dành cho người làm báo, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Do trước đây bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức bị ảnh hưởng, không tổ chức được. Tuy nhiên gần đây các hoạt động bắt đầu được tổ chức lại, với nhiều hoạt động ý nghĩa… tạo không khí, phong trào thi đua đoàn kết trong các cơ quan báo chí. Để cuộc thi diễn ra thành công, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng lưu ý Ban Tổ chức, các đơn vị tham gia tổ chức sự kiện cần tuân thủ nghiêm ngặt nội dung thể lệ cuộc thi. Chú ý đến đối tượng tham gia, cách thức tham gia, thời gian. Các thí sinh tham gia phải là những người đang làm việc, đang học tập ở các cơ quan đơn vị báo chí. Đêm chung kết Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo sẽ diễn ra vào ngày kết thúc của Hội báo Toàn quốc vì thế cuộc thi sẽ càng có ý nghĩa hơn.
Có thể nói, Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng 2023 hứa hẹn sẽ là một chương trình, một đêm nhạc mãn nhãn về âm thanh, ánh sáng, về sân khấu cũng như chất lượng giọng hát của các thí sinh. Điều này khẳng định vị thế của người làm báo không chỉ giỏi ở góc độ chuyên môn nghề nghiệp mà họ còn có nhiều tài năng trong cả những lĩnh vực khác, góp phần tạo thêm sức hút của báo chí với công chúng.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com