Chủ nhật, ngày 05/01/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quy định đạo đức người làm báo
Diễn đàn “Đạo đức Người làm báo Việt Nam”:
Quy định về đạo đức người làm báo phải cụ thể, chi tiết (15/09/2016-19:20)
    Lúc này, tôi càng thấm thía câu nói của cố nhà báo Hữu Thọ: “Chưa bao giờ uy tín của báo chí giảm sút như hiện nay”. Đau lòng nhưng đó là sự thật. Uy tín báo chí giảm sút tỷ lệ thuận với sự giảm sút của đạo đức nghề báo. Cũng chưa bao giờ đạo đức của người làm báo bị chính công luận và chính báo chí đặt ra như một vấn đề đáng báo động như bây giờ.
Chỉ một sự việc anh lái xe tải Phạm Văn Bắc cứu 30 người trên xe khách mất phanh ở Đà Lạt nhưng lại có rất nhiều thông tin khác nhau, thậm chí đối lập nhau trong khi vốn dĩ sự thật chỉ có một. Có những sự thật khác nhau như vậy bởi vì cái tâm người làm báo khác nhau, cách tác nghiệp khác nhau, mục đích đưa tin khác nhau. Một nghịch lý là các phương tiện tác nghiệp càng hiện đại, internet, mạng xã hội ngày càng trở thành trợ thủ đắc lực cho nhà báo tiếp cận thông tin thì lại càng nhiều thông tin không chính xác, nhiều “sự thật” không giống nhau. Hàng ngày chúng ta bắt gặp trên mạng xã hội, trên mạng không biết bao nhiêu là thông tin bịa đặt, thông tin sai lệch, thông tin kiểu “ngậm máu phun người”, thông tin lộng giả thành chân… Bạn đọc “bơi” giữa biển thông tin đó, có bị “ngộ độc”, có bị “tha hoá”?

Nguyên nhân cũng vì sự mở ra quá nhanh đến mức bùng nổ của nhiều tờ báo, nhiều trang tin điện tử, nhiều chuyên trang… Nhiều đến mức ngay cả người làm báo cũng không thể biết hết có bao nhiêu tờ báo điện tử, trang tin điện tử, ấn phẩm phụ đang hoạt động. Chỉ riêng những tờ báo, chuyên trang có gắn với hai từ “Pháp luật” đã rất nhiều. Xuất hiện ngày càng nhiều kiểu phóng viên kiếm tiền bằng đủ mọi cách, thậm chí đã xuất hiện cái gọi là phóng viên chuyên “đếm tầng” rồi nhận phong bì, “ép” quảng cáo, tài trợ, ký “hợp đồng viết bài”. Những biểu hiện thiếu đạo đức của một bộ phận nhà báo hiện nay nhiều đến mức trong khuôn khổ bài này, không kể ra hết được. Đó là còn chưa kể đến loại cộng tác viên hoặc những kẻ mạo danh nhà báo. Chưa bao giờ việc đăng bài, gỡ bài trên báo điện tử lại trở nên dễ dàng và vô lối như vậy.

Trước thực trạng đạo đức báo chí xuống cấp như hiện nay, đưa ra những quy định về đạo đức người làm báo là hết sức quan trọng và cấp thiết. Tôi nghĩ những quy định đó tránh chung chung, hình thức, giáo điều… Cần đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết, cần lượng hóa rõ ràng hơn, phải làm sao mỗi tờ báo, mỗi nhà báo có thể soi chiếu vào để hoàn thiện mình, đồng thời  giúp họ tự phản tỉnh, tự thấy xấu hổ và biết bảo vệ danh dự người làm báo như bảo vệ con ngươi của mắt mình.

       Nhà báo Nguyễn Phùng (Báo Nhân Dân)

 

 

Các tin khác:
  • Cần phải xây dựng một Quy định đạo đức nghề nghiệp mới (27/08/2016-21:10)
  • Vì nền báo chí chính trực và nhân văn (20/08/2016-17:01)
  • Cần một quy định chặt chẽ và cụ thể (11/08/2016-16:26)
  • Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; triển khai góp ý sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam (06/08/2016-4:02)
  • Đề nghị góp ý sửa đổi Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam (29/07/2016-9:41)
  • Bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp với Luật Báo chí hiện hành (21/07/2016-22:28)
  • Xây dựng bộ quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp pháp luật và hoạt động báo chí (21/07/2016-22:18)