Thông tin ấy đã nhận được sự đồng tình lớn từ dư luận. Bởi nếu hành lang pháp lý về việc từ chức được xây dựng sẽ nhắc nhở, tạo cho mọi người sự chủ động trong ứng xử, nhất là ứng xử với chức vụ của mình.
Câu chuyện “văn hóa từ chức” một lần nữa thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi tại nghị trường Quốc hội, trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các ĐB, trong đó có ĐB Dương Trung Quốc đã đặt ra vấn đề này. Theo ĐB, đã đến lúc xây dựng quy trình pháp lý để công chức, viên chức từ chức khi cảm thấy cần thiết. Và trả lời ĐB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định văn hóa từ chức là cần thiết, sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thể chế để báo cáo Chính phủ nhằm có văn bản phù hợp tạo điều kiện để công chức, viên chức từ chức trong điều kiện cụ thể. Trả lời thẳng thắn và chỉ đạo của Thủ tướng đã nhận được sự đồng tình lớn từ các ĐB và cử tri. Bởi phải thấy rằng việc từ chức khi không đảm đương được nhiệm vụ hay để xảy ra những vi phạm lớn… thể hiện trách nhiệm, lòng tự trọng của mỗi người, đó là những phẩm chất rất cần. Nhưng như các ĐB phân tích, sở dĩ lâu nay ít có người từ chức, ngoài hành lang pháp lý chưa cụ thể thì còn có những nguyên nhân khác, trong đó có việc chức tước gắn liền với quyền lợi. Có chuyên gia đã thẳng thắn nhận xét: “Chức tước gắn với nhiều quyền lợi nên nhiều người có tâm lý “bám ghế”, “bám chức”, “bám quyền” thay vì lý do danh dự hay cảm thấy mình không đủ khả năng, sức khỏe mà từ chức”. Và nếu không hình thành được hệ thống khái niệm công và tư trong hệ thống pháp luật cũng như trong văn hóa sẽ rất khó cho vấn đề từ chức.
Bởi thế, việc từ chức, đáng lý là bình thường, lại trở thành những “hiện tượng” trong xã hội. Những quyết định từ chức của nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ hay về hưu sớm của nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự… là rất đáng trân trọng, nhưng lại rất “hy hữu”. Nhiều ý kiến cho rằng, để nuôi dưỡng được “văn hóa từ chức” trong môi trường hiện nay, vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo bỏ. Và một trong những nút thắt chính là chuyện thủ tục pháp lý còn rườm rà khi miễn nhiệm chức vụ của một cá nhân. Chuyện thủ tục cũng có thể làm nản lòng bất cứ ai muốn từ chức, bởi không ít trường hợp “muốn từ chức cũng không được”.
Giờ đây Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 4 đề cao vai trò của các lãnh đạo, Thủ tướng nêu cao thông điệp hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính đó là điều kiện rất thích hợp để một lần nữa đề cập đến vấn đề văn hoá từ chức. Việc “cần làm ngay” vào lúc này chính là ngoài việc nghiêm khắc đấu tranh loại trừ những người có sai phạm, thì cũng nên tạo ra hành lang cho những người giữ được sự liêm chính và người ta cảm nhận được sự cần thiết phải rút lui được từ chức trong danh dự. Đây là điều Bộ Nội vụ ráo riết phải làm, có điều cũng cần tránh việc lợi dụng quy định từ chức để hạ cánh an toàn khi làm sai xong xin từ chức.
Điều rất cần vào lúc này chính là song song với Nghị định về văn hóa từ chức, Bộ Nội vụ cần những quy định bổ sung xử lý đối với những cán bộ đã nghỉ hưu khi chính Bộ này cũng đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ. Phải có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Xây dựng các quy định về từ chức của cán bộ, công chức phải dựa trên nền tảng cải cách, xây dựng được quy chế công chức thật chuẩn về tiêu chuẩn của từng chức vụ, từng vị trí công tác. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về “văn hóa từ chức”, trong đó cần khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức, đồng thời định hướng dư luận xã hội cũng không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức. Đặc biệt đối với chính bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải tự nhận thức rằng chức vụ không chỉ đi liền với quyền lợi, mà cao hơn phải thấy chức vụ đi liền với trách nhiệm, với tinh thần, thái độ cống hiến, hy sinh.
Chúng ta từng nói văn hóa có mặt trong tất cả những hoạt động sống của con người và là tất yếu của cuộc sống, thế nên, “văn hóa từ chức” cũng chính là biểu hiện sự tất yếu của cuộc sống. Mong rằng, hành động từ chức sớm trở thành cách ứng xử bình thường trong hoạt động công vụ ở nước ta.
Theo Khánh An/Báo Nhà báo và Công luận