Thứ bảy, ngày 04/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nội dung câu view trên báo chí sẽ không còn đất sống? (11/02/2017-11:41)
    Trong mấy năm trở lại đây có rất nhiều website tin tức ra đời ở Việt Nam. Có những trang thuộc nhóm “trang tin tổng hợp,” có những trang là phiên bản online của tờ báo in, và có cả nhiều trang dán nhãn báo điện tử hẳn hoi. Một điều dễ nhận thấy là khá nhiều website trong số này đi theo một công thức giống nhau: ban đầu họ sẽ dùng một số loại nội dung gây sốc để thu hút độc giả, nhờ đó lượng truy cập tăng vọt.

Con đường để tồn tại là báo chí chất lượng cao.

Nội dung thì đủ loại, từ những chuyện hậu trường với người nổi tiếng, chuyện giới tính hay chuyện tình ái mờ ảo ảo với nhiều loại video clip hoặc hình ảnh hở hang minh họa, cho đến cả những chuyện xã hội-kinh tế mang màu sắc phóng sự điều tra. Cũng có những nội dung chất lượng, nhưng phần nhiều được độc giả gán cho một cụm từ đầy khinh miệt là “câu view.” Rất nhiều người dùng Internet đã lên tiếng kêu than vì bị lừa đọc những loại thông tin mà họ cho là vô bổ, thậm chí không lành mạnh.
Đó là chưa kể đến việc nhiều thông tin bị tố cáo là “xào nấu” xâm phạm bản quyền, đánh đấm doanh nghiệp hoặc cá nhân thiếu căn cứ, hoặc thậm chí không đúng sự thực. Điều oái oăm là những thông tin gây sốc lại rất dễ dàng được chia sẻ trên mạng xã hội, và đáng ngạc nhiên hơn là người dùng vẫn chia sẻ những thông tin đó, trong khi tiếp tục lên tiếng mắng chửi những trang tin thiếu tin cậy.
Rồi sau một thời gian tăng tốc, phần lớn trong số này bắt đầu lao dốc, thậm chí có không ít trang đã ngừng hoạt động. Một số website tiếng tăm một thời – cả theo nghĩa tích cực lẫn tiêu cực – nhưng giờ đây biến mất hoàn toàn hoặc hầu như không còn được ai nhắc tới.
Thực ra, kiểu “làm báo câu view” xuất hiện ở khắp nơi. Một bài báo trên BBC vào năm 2015 từng viết rằng ngày càng nhiều nhà xuất bản tin tức sử dụng chiêu này – tiếng Anh dùng thuật ngữ “clickbait” – đơn giản vì lý do kinh tế: càng nhiều click thì càng có nhiều người đến với website, nghĩa là càng thu được nhiều tiền quảng cáo hơn.

Bất bình với kiểu làm báo câu view

Nói một cách đơn giản thì “câu view” là kiểu viết tiêu đề – vốn là một kỹ năng cao cấp trong quá trình viết báo – khiến độc giả phải click vào để đọc bài. Nhưng nó thường được dùng với nghĩa tiêu cực để ám chỉ những tiêu đề giật gân, gây sốc, mà nhiều khi nội dung hóa ra là thông tin quảng bá, một câu chuyện hoàn toàn khác hoặc thậm chí gây hiểu nhầm. Chẳng hạn một tiêu đề “Đánh bạc có gái giải đen” thực ra là thông tin xử án một nhóm gần 70 người sau vụ bắt một sới bạc lớn hơn nửa năm trước đó, và chi tiết mua dâm chỉ vỏn vẹn một dòng, chẳng liên quan đến câu chuyện tại phiên tòa.
Có những tòa soạn ở Việt Nam đánh giá chất lượng của một bài viết, hoặc một phóng viên/biên tập viên, dựa trên số lượng truy cập chứ không phải giá trị nội dung của bài viết đó. Chuyện này cũng không phải hiếm ở nước ngoài. Một bài viết trên Columbia Journalism Review đã chỉ ra trường hợp của tạp chí online Slant, nơi trả “lương cứng” cho người viết là 100 USD mỗi tháng, cộng thêm 5 USD cho mỗi 500 lượt click vào các bài viết của họ.
Trong một bài báo vào ngày 22/1/2017 mới đây, tác giả Danielle Ryan thậm chí tuyên bố “danh tiếng của báo chí giờ đây vứt vào toilet.”

Ryan hoài niệm về cái thời mà các nhà báo phải vô cùng vất vả để kiểm chứng sự thực trước khi đăng tải một bài viết. Việc kiểm chứng sự thực và điều tra kéo dài cho tới khi nhà báo đạt tới điểm tin tưởng rằng mọi chứng cứ là chắc chắn. Đôi khi tiến trình này kéo dài nhiều tháng, có trường hợp mất nhiều năm. Thời đó, tin sốt dẻo không có nghĩa là một nguồn tin tình báo ấn danh bật mí chút nội dung cho nhà báo chỉ để vài giờ sau nó xuất hiện trên trang báo in và với cái mác chân lý. Thời đó đã qua rồi.
Trong một môi trường truyền thông chạy theo lượng truy cập, bị tê liệt bởi hiện tượng tâm lý xảy ra đối với một nhóm người, trong đó các thành viên quá xem trọng sự hòa hợp và thống nhất trong nhóm dẫn đến không xem trọng việc đánh giá thực tiễn và đưa ra hành động, thì chưa thẩm định không còn có nghĩa là không thể xuất bản, nguồn tin chất lượng kém không đồng nghĩa với việc phải hoài nghi. Số lượng và tốc độ đang trở thành tiêu chí quan trọng hơn là chất lượng và tính chính xác. Và trong nền văn hóa truyền thông xã hội tự khuếch đại này, số lượng người theo dõi một nhà báo trên Twitter hay Facebook dường như trở thành tiêu chí đánh giá giá trị của nhà báo đó.
Theo Ryan, báo chí chất lượng vẫn tồn tại đâu đó, nhưng chìm nghỉm trong cả biển nội dung với mọi cách thức thu hút sự chú ý của người dùng mà đa phần bị coi là rác rưởi. Báo chí giờ quay sang sản xuất loại bài dạng liệt kê (listicle), câu đố, loại bài tốc ký giả dạng tin tức, những bài bình luận nửa vời, thậm chí cả nội dung ngụy tạo, tin tức giả mạo (fake news) hay video về những chú mèo chú chó dễ thương.

Nhưng dường như đã đến thời điểm mà người dùng Internet bị nhận quá nhiều thông tin. Hơn 2 thập niên về trước, khi Internet xuất hiện, ai ai cũng hồ hởi bơi ra biển lớn và cảm thấy thích thú vì được tiếp cận nhiều luồng thông tin nguyên bản, không phải qua “bộ lọc” của báo chí. Song càng bơi ra xa, thông tin càng ngồn ngộn, họ trở nên quá tải, đặc biệt là với sự phát triển như vũ bão của các nền tảng truyền thông xã hội, khi người dùng không phải tìm đến tin tức mà tin tức tự tìm đến người dùng.
 

Nghiên cứu khoa học

Ý tưởng về “quá tải thông tin” được các nhà nghiên cứu quan tâm từ thập niên 1960. Vào năm 1965, ba nhà khoa học (Streufert, Suedfeld và Driver) công bố nghiên cứu về phản ứng của một nhóm sinh viên khi được “nhồi” khối lượng thông tin nhiều hơn mức độ họ có thể xử lý. Kết quả nghiên cứu vô cùng bất ngờ.
Các nhà nghiên cứu đã mời 185 sinh viên cao học tham gia một cuộc tấn công giả định vào một hòn đảo không có thực. Các nhà nghiên cứu chia số sinh viên thành các nhóm nhỏ và hỏi mỗi nhóm xem họ muốn nhận bao nhiêu thông tin từ các sĩ quan tình báo. Sinh viên được biết rằng những thông tin tình báo này sẽ giúp họ đưa ra các quyết định trên chiến trường. Song điều các sinh viên không hề biết trước là các giáo sư sẽ phớt lờ câu trả lời của họ và cung cấp báo cáo tình báo với số lượng ngày càng tăng.
Mục tiêu là sẽ cung cấp cho tất cả các nhóm khối lượng thông tin mà cuối cùng sẽ khiến họ quá tải. Để đánh giá xem có đạt được điều này hay không, nghiên cứu đo số lượng quyết định mà mỗi nhóm đưa ra dựa trên những thông tin họ tiếp nhận. Câu chuyện ở đây không phải là các sinh viên có đưa ra mệnh lệnh đúng đắn để chiếm được hòn đảo hay không, mà là liệu họ có thể đưa ra được các quyết định hay không.

Dựa trên những bài kiểm tra trước đó, các sinh viên được phân loại theo mức độ thông minh. Các quyết định rõ ràng tăng lên khi lượng thông tin cung cấp cho họ tăng lên – nhưng kể cả những sinh viên này cũng đạt đỉnh ở một thời điểm nhất định. Khi họ nhận được tần suất 10 thông điệp cho mỗi nửa giờ thì hoạt động giảm mạnh. Những sinh viên ít thông minh hơn đưa ra ít quyết định hơn, và cũng bắt đầu giảm nhanh khi cứ nửa tiếng lại nhận được 15 thông điệp trở lên.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm với đề nghị tăng hoặc giảm thông tin. Điều kỳ lạ là tất cả các sinh viên đề yêu cầu tăng thêm thông tin, ngay cả khi họ đã lâm vào tình trạng quá tải. Ngay cả khi lượng thông tin đạt tới 25 thông điệp cho mỗi nửa giờ - tức là gấp đôi mức gây quá tải – thì các sinh viên vẫn yêu cầu “thêm một chút” thông tin.  

Người ta so sánh tình trạng tham lam thông tin với cuộc khủng hoảng về bệnh béo phì và thấy có nhiều điểm tương đồng. Kiểu như tiêu thụ một “bit” thông tin thì mang lại cho người dùng một liều dopamine kích thích, nó vừa sảng khoái nhưng lại vừa nguy hiểm chẳng khác nào nạp thêm một calorie vào người.
Trong nửa thế kỷ qua, tình trạng béo phì bùng nổ trong khi các loại đồ ăn kiêng trở nên rẻ hơn và ngày càng có nhiều loại đồ ăn kiêng ở các nước phát triển. Một số người để xua đi cơn thèm ăn thì sử dụng vô độ các loại đồ ăn kiêng, tin tưởng vào những thương hiệu lớn với lời hứa hẹn về các chất siêu dinh dưỡng. Hậu quả là tỷ lệ béo phì tăng vọt, như ở Mỹ lên tới 34,9%. (Con số này tại Việt Nam là hơn 25%)

Thông tin “rác”

Đối với tình trạng “ăn kiêng thông tin,” chúng ta vấp phải sự lựa chọn giữa một bên là thói háu ăn và một bên là sự sáng suốt. Có quá nhiều nhà cung cấp thực phẩm chức năng trên thị trường thông tin. Có khoảng hơn 10 nhà cung cấp, kiểm soát hầu như toàn bộ những tin tức mà hơn 1 tỷ người nhìn thấy trên Facebook. Đây là một dạng “báo chí mì ăn liền,” tức là tình trạng sản xuất nhanh chóng một lượng lớn thông tin mà không được kiểm chứng hoặc được điều tra một cách thỏa đáng. Phóng viên tại nhiều cơ quan báo chí đang trở thành những nhà báo trên “vòng quay của những chú chuột hamster,” chạy đua để tung ra bài viết hời hợt hoặc thậm chí chỉ là những bản thông cáo báo chí dập khuôn sớm hơn các đối thủ cạnh tranh.
Internet phụ thuộc vào một cách tiếp cận công nghệ đơn giản, theo đó các thông điệp được chia thành các phần nhỏ hơn, gọi là “gói” (packet) trước khi được truyền phát từ chiếc máy này sang chiếc máy kia. Các “gói” chuyển động độc lập, mỗi “gói” lại tìm ra cách riêng để vượt qua mạng lưới và đến điểm đã định sẵn. Nói chung không phải lúc nào thông điệp cũng được chuyển tải đầy đủ, nhưng Internet sử dụng cơ chế “sửa lỗi” để điều chỉnh vấn đề đó. Mỗi “gói” có một “header” nhỏ, nói cho bên nhận biết nó khớp vào đâu trong toàn bộ thông điệp. Những “gói” bị thất lạc có thể được xác định và yêu cầu cung cấp lại.

Tin tức được chuyển tải trên Internet cũng đến với chúng ta theo cách đó: kiểu như một cơn bão gói dữ liệu đánh vào một nút trên mạng lưới: những phần nhỏ của một câu chuyện sẽ tác động đến quan điểm của chúng ta từ nhiều hướng khác nhau. Nếu các gói này không đến từ nguồn tin cậy thì chúng sẽ không có “header” và cũng không có cơ chế sửa lỗi. Dữ liệu thì rời rạc, thông điệp thì không hoàn chỉnh. May mắn là chúng ta có một hình thức sửa lỗi để sắp xếp những dữ liệu thiếu mạch lạc này và lấp vào chỗ trống: đó chính là các cơ quan báo chí. Các tòa soạn và đội ngũ sản xuất nội dung nằm ở trung tâm của các cơ quan báo chí đáng tin cậy là cơ chế sửa lỗi của Internet. Nhưng cơ chế sửa lỗi này đang bị đe dọa.
Nhưng vẫn có lý do để tin rằng nó sẽ phục hồi.

Cuộc đua tạo ra nội dung chất lượng

Tiến sỹ Johnny Ryan, người đứng đầu bộ phận Ecosystem của công ty PageFair, kể lại rằng vào năm 2013, khi ông đang làm việc cho tờ The Irish Times, ông đã tiến hành một cuộc khảo sát độc giả xem họ có bị quá tải thông tin hay không. Kết quả cho thấy đúng là độc giả thấy ngợp vì nhận được nhiều thông tin hơn khả năng xử lý, và nhiều người muốn hiểu rõ câu chuyện hơn, muốn biết lý do việc nào đó xảy ra và nó có ý tác động ra sao, chứ không chỉ là những tin tức dạng tiêu đề mà không có phân tích.
Loại nội dung tin cậy mà người dùng quan tâm thực tế không nhiều nên một số cơ quan báo chí có thể thu phí. Chẳng hạn nội dung trên The Financial Times, The Economist hay Vogue vẫn là những thứ “đáng đồng tiền bát gạo” cho dù độc giả cũng có thể tìm được những nội dung tương tự mà chẳng phải mất xu nào.

Giống như một người nhận thức rõ về sức khỏe của bản thân sẽ từ chối những chất bảo quản, phẩm màu, hương vị, chất làm ngọt nhân tạo, và lựa chọn những chất phụ gia tốt hơn, những người tiêu dùng thông tin có ý thức sẽ cẩn thận lựa chọn những thông tin cân bằng và đáng tin cậy do một cơ quan báo chí hoặc một website danh tiếng cung cấp.
Có thể điều này lý giải tại sao nhiều cơ quan báo chí đang trở lại cuộc đua sản xuất nội dung chất lượng cao. Tuy loại nội dung “câu view” chất lượng thấp và được sản xuất với số lượng lớn dường như đang tràn lan trên Internet, nhưng các cơ quan báo chí digital hàng đầu đầu đầu tư mạnh mẽ vào loại nội dung chất lượng cao. Huffington Post mở trang “Highline”, mà họ mô tả là “một căn nhà digital mới cho lối làm báo cũ.” Highline gồm những nội dung quy mô lớn và đầy tham vọng, tốn nhiều thời gian sản xuất, với mục đích “thay đổi cách nhìn thế giới hoặc tác động đến quá trình ra chính sách.” Tương tự, BuzzFeed – một thời là nhà cung cấp thông tin “câu view” rất được ưa chuộng – đã thành lập nhóm chuyên về phóng sự điều tra vào năm 2013 và kéo nhà báo từng đoạt giải Pulitzer là Mark Schoffs về phụ trách. Kết quả là một sự hợp tác giữa BuzzFeed với BBC giúp phơi bày đường dây ấn định kết quả các trận đấu tennis chuyên nghiệp quốc tế vào tháng 1/2016.

Cuộc đua sản xuất nội dung chất lượng cao còn lan sang cả các không ty không làm tin tức. Netflix, hiện đang phải cạnh tranh với Amazon Prime và các đối thủ khác để trở thành dịch vụ streaming lớn nhất, đã giải thích lý do với các nhà đầu tư của họ rằng việc chi phí mạnh tay cho sản xuất nội dung là cần thiết để trở thành nhà cung cấp nội dung chất lượng cao và nhờ đó sẽ ký được nhiều thỏa thuận nội dung độc quyền.
Báo chí cũng là một sản phẩm thương mại trong xã hội, nhưng là một sản phẩm đặc biệt. Xưa kia độc giả mua báo, khán giả bật kênh truyền hình hay phát thanh (để các đài có thể bán quảng cáo) là vì họ tin tưởng vào những thông tin đăng tải trên đó thay vì những câu chuyện truyền miệng hay tin đồn ngoài chợ. Một cơ quan báo chí muốn có được vị thế cao phải dựa vào uy tín – uy tín của các nhà báo và uy tín của chính cơ quan báo chí đó. Và uy tín chỉ có thể được gây dựng qua quá trình sản xuất những nội dung chất lượng cao phục vụ độc giả.

Cuối cùng, sự tin tưởng và chất lượng vẫn luôn là những yếu tố vô cùng quan trọng đối với báo chí trong thời buổi quá nhiều thông tin hiện nay. Vì thế, chỉ những thương hiệu báo chí-truyền thông danh tiếng và có quyền lực, được người dùng tin tưởng, mới giành phần thắng. Nhưng họ phải xứng đáng để tồn tại nếu thực sự muốn tồn tại trong lòng độc giả và khán thính giả.
Còn loại nội dung câu view thì khó mà gây dựng uy tín được. Việc không thể cạnh tranh với mạng xã hội về loại thông tin như vậy, và thực tế phũ phàng của việc không thể kiếm được nguồn thu từ số lượt truy cập trong tương lai gần, sẽ là sức ép buộc những cơ quan báo chí lâu nay áp dụng chiến lược này phải suy nghĩ lại.


Theo VietnamPlus


 

Các tin khác:
  • Chất văn trên trang báo ngày xuân (11/02/2017-10:18)
  • Xuân mới nhiều ước vọng… (11/02/2017-10:13)
  • Để nghề báo thêm vinh quang và cao quý (18/01/2017-8:31)
  • Báo chí đang nhìn lại mình và tìm hướng đi mới (18/01/2017-7:50)
  • Cái gì bền vững sẽ là bền vững… (03/01/2017-6:37)
  • Sinh động, sát thực tế đời sống (31/12/2016-8:54)
  • “Dăm hôm lại đau tim một lần…” (23/12/2016-9:50)
  • Phải viết làm sao để chạm tới trái tim độc giả?! (17/12/2016-7:46)
  • Tôi thích ảnh gắn với cuộc sống (15/12/2016-7:43)
  • Đừng để con số ảo đánh bại giá trị thực (12/12/2016-17:22)