Thứ năm, ngày 02/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Lắng lòng con trẻ để bảo vệ trẻ em đúng cách, đúng quy định của pháp luật (12/06/2017-7:55)
    (NLBTH) - Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 đã đi qua gần nữa thời gian, và như thường lệ, khi cơ quan bảo vệ trẻ em, chính quyền các cấp đang cố gắng tạo ra những diễn đàn, những sân chơi hướng trẻ em tới sự công bằng nhằm đáp ứng tốt nhất quyền của trẻ, thì ở nhiều gia đình, quyền của chúng đang bị ngay người thân của chúng vi phạm.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa

Người lớn đang ứng xử với con trẻ theo suy nghĩ áp đặt mà quên rằng sở thích của trẻ nhiều khi rất đơn giản, chứ không nhất thiết phải quá cao sang, cầu kỳ. Họ mua cho trẻ những thứ đồ đắt tiền, cho chúng đến những điểm đến xa xôi, tham gia những khóa học với học phí không hề rẻ; và xem đó như một sự chăm sóc tốt nhất, một sự hơn người. Họ chưa thật lắng nghe xem con trẻ đã hài lòng chưa và tiếp nhận có tốt không. Một sự chăm sóc nặng tính theo đòi.

Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017 quy định bố mẹ đưa hình ảnh của trẻ em lên mạng xã hội phải được sự đồng ý của trẻ nếu không sẽ bị phạt. Dù còn khiên cưỡng, nhưng pháp luật với những sự đổi mới đang hướng tới một xã hội pháp quyền phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của trẻ. Đó là chế tài để bảo vệ trẻ em một cách đầy đủ hơn, cho trẻ không gian để sáng tạo và giữ bí mật trong thế giới của chúng.

Một khi người lớn chưa xem đó là một điều nghiêm túc, mang tính định chế, mà vẫn cho mình quyền theo suy nghĩ mình sinh, mình dưỡng, mình có thể tùy ý ứng xử với con trẻ, thì sự tự do, những bí mật của con trẻ còn bị xâm hại. Điều đó đang là sự thật, khi Luật Trẻ em đã có hiệu lực thi hành tới hơn 10 ngày, trước đó được tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, được người lớn chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, nhưng sự chấp hành vẫn là thứ gì đó khá… xa xỉ.

Điều thường thấy là người lớn vẫn đưa kết quả học tập, thi cử của con trẻ, những hình ảnh trong những chuyến du lịch, hình ảnh làm việc nhà, cả hình ảnh xấu xí gây cười của trẻ lên mạng xã hội kèm theo bình luận mà chắc chắn con trẻ khó hài lòng.

Chúng ta dường như đang nặng về sự ban cho vật chất, sự áp đặt đối với trẻ em, bởi cho rằng con trẻ là con cháu, phải chịu sự quản lý toàn diện của người lớn, mà chưa tìm hiểu xem pháp luật quy định điều đó như thế nào.

Đâu đó trên những diễn đàn vẫn thấy sự hô hào hãy lắng nghe trẻ em khóc, trẻ em cười, nhưng liệu chúng ta đã thực sự chân tình với điều đó chưa. Một thói quen đã hiến định vào luật là đưa hình ảnh về trẻ lên mạng xã hội phải được sự đồng ý của chúng, mà vẫn chưa thực hiện được, thì những sự tôn trọng, chăm sóc cao xa hơn khó để mà thực hiện được một cách đầy đủ và rộng khắp.

Trẻ em như búp trên cành, là tương lai đất nước, hãy chăm sóc chúng đúng cách, phù hợp quy định pháp luật. Hãy lắng lòng con trẻ bằng sự rung động của trái tim, sự tỉnh táo của trí não xem mình phải làm gì, chứ không phải là bản năng chạy theo.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Tạo cơ chế giám sát ngăn chặn “hung thần” (09/06/2017-8:12)
  • Cần câu, con cá và câu chuyện giải cứu (07/06/2017-8:15)
  • Không để khẩu hiệu rơi vào “ma trận” hình thức (05/06/2017-6:32)
  • Sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhiều phụ huynh học sinh (02/06/2017-15:17)
  • Không ngược dòng lợi ích của dân (29/05/2017-12:13)
  • Sống cảnh “trường học bốn mùa” (26/05/2017-10:20)
  • Pháp luật giao thông và câu chuyện nhận thức (21/05/2017-15:01)
  • Tay nghề và câu chuyện niềm tin (16/05/2017-11:56)
  • Đừng nhìn vào đồng tiền công vụ (15/05/2017-12:14)
  • Quyền tự phong xấu xí (10/05/2017-17:35)